Chặn đứng Man Xanh ngay tại pháo đài City of Manchester, đó không chỉ là món quà tuyệt vời cho sự báo thù của Pháo thủ. Điều quan trọng nhất vẫn là việc Arsenal đang tham gia vào cuộc đua theo cách của mình. Băng qua núi tiền của người Ảrập quả là một cảm giác thú vị. Nhưng khác với suy nghĩ của nhiều người, thầy trò Wenger đã không tới Eastlands bằng một chuyến bay cảm tử…
Tròn 18 tháng (chính xác là từ ngày 4/4/2009), Arsenal chưa từng được hưởng hương vị chiến thắng trước những đối thủ đáng sợ như Chelsea, Man United và Man City. Nhưng chỉ cần 5 phút, một đường chuyền hảo hạng từ Cesc, một cú thoát đi như cơn lốc từ Chamakh, mọi thứ đã thay đổi. Chiếc thẻ đỏ của Boyata, với nhiều người có thể là hơi nặng. Sự thật nó đã làm xoay chuyển tình thế. Nhưng không thể nói Arsenal ngay lập tức đã thấy cửa thắng sau tình huống đó. Họ đã phải thực sự chiến đấu, thực sự đương đầu, và chỉ bảo vệ được ưu thế bằng những cái đầu lạnh. Chúng ta đang nói về Chelsea? Không, đó là Arsenal! Một Arsenal tiến bộ rõ ràng về bản lĩnh, thăng hoa về kỹ thuật, ổn định trong sức bền, và sẵn sàng khoác chiến y bước vào thử thách. Arsenal đã thực sự trưởng thành
Nỗi sợ hãi có không? Khi Fabregas bước lên chấm phạt đền và thất bại, bóng ma đã lởn vởn xung quanh. Sự tự tin thế nào? Khi Clichy bị Richards đè nghiến bên cánh trái, đó là hình ảnh rõ nhất của một Pháo thủ thiếu cơ bắp. Tính liên tục và khả năng hỗ trợ ra sao? Khi tỷ số là 1-0, các cậu bé vẫn để Man City chơi trên chân. Việc sắp xếp quá nhiều tiền vệ công đã khiến hàng thủ The Gunners luôn chông chênh trước áp lực. Djourou đá tốt nhưng quá dễ bị xúc động. Squillaci lì lợm, nhưng lại luôn chậm hơn đối thủ 1 bước chân.
4 chiếc thẻ vàng liên tiếp trong hiệp 1 cho thấy Arsenal đã phải kháng cự quyết liệt đến thế nào từ khu trung tuyến. Cánh cửa không tự nhiên mở! Những miếng chốt kim loại chỉ bật tung, khi các Pháo thủ bắt đầu tấn công lại số phận bằng một cách chơi khó thể “người lớn” hơn. Họ giữ bóng, chờ đợi, và thản nhiên nhìn đối thủ phải đuổi theo mình trong thế leo dốc. Kiểm soát tốc độ - đó là điều tuyệt diệu nhất mà Pháo thủ đã thể hiện trước Man City. Nó chẳng khác nào việc họ đã kiểm soát được chính mình.
Trưởng thành!
Đâu là điểm khác biệt lớn nhất của trận đấu? Chiếc thẻ đỏ? Bàn thắng thứ 2? Sự xuất sắc của Fabianski? Hay khả năng khống chế nhịp điệu từ Cesc? Không, với các Pháo thủ, điều đáng nói nhất vẫn là sự vững vàng và thông minh trong việc tiếp cận và xử lý trận đấu. Tất cả đã thấy họ thể hiện một tinh thần tích cực như thế nào sau quả 11m hỏng ăn. Mọi người cũng đã thấy họ tìm nhau nhanh thế nào mỗi khi cần tranh chấp. Wenger gọi đó là “sự trưởng thành”!
Trưởng thành cũng như một món quà từ cuộc sống. Bất hạnh hay may mắn không quan trọng bằng thái độ ra sao trước những điều đó. Cũng như một bàn thắng đẹp thì dễ nhớ, nhưng cách để chiến thắng mới làm nên lịch sử.
Không dễ để có một Man City thứ 2 khi toàn cầu mới tạm thoát khỏi cơn khủng hoảng. Nhưng càng khó hơn để có một Arsenal như Wenger đã tạo ra, nuôi dưỡng, và tin cậy. Mua thành công hay xây thành công? Trận chiến ấy vẫn sẽ tiếp tục, như một điều tất yếu, như một vòng xoáy không hồi kết.
Nhưng một Arsenal can đảm trên con đường đầy gai góc sẽ được nhớ đến. Những gì họ đã trải qua sẽ được trân trọng. Việc họ dám sống với tặng phẩm hay cả những cơn thịnh nộ từ Thượng đế sẽ được gìn giữ. Và với những cậu bé luôn xem bóng đá bằng cả trái tim, sự trưởng thành khi dám sống sẽ là bài học ý nghĩa nhất.
Thật vậy! Để xét đoán vinh quang hay sự mù quáng của tuổi trẻ, vẫn chỉ có 2 mệnh đề. Dám chết, hay dám sống?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)