(Bongda24h) - Kể từ khi giải đấu cao nhất trong làng bóng đá Anh bắt đầu được mang cái tên Premier League từ năm 1992, đây mới lần thứ 5, vị vua trị vì mới ở đảo quốc sương mù chỉ được xác định sau vòng đấu cuối cùng. Đó sẽ là Chelsea, đội bóng đang nắm giữ lợi thế lớn nhất hay nhà ĐKVĐ sắp sửa bị phế truất MU nhưng vẫn nuôi hy vọng mong manh về chức vô địch lần thứ 19, vượt lên trên Liverpool. Hãy cùng điểm qua 4 vở kịch đầy kịch tính và nghẹt trở trước đó để cùng thử đoán xem kết cục cuối cùng của mùa bóng 2009-2010 sẽ ra sao
Vở kịch 1: Mùa giải 1994-1995
Diễn viên chính: Blackburn 89 điểm (hiệu số bàn thắng - thua: +42); Manchester United 87 điểm (hiệu số: +49)
Shearer và Sutton: Cặp sát thủ đóng góp nhiều nhất vào chức vô địch của Blackburn
Đây có lẽ là mùa giải kỳ lạ và đáng tiếc nhất của "Quỷ đỏ" thành Manchester dưới triều đại của HLV Alex Ferguson. Hồi ấy, những tưởng MU đã hết hy vọng bảo vệ chức vô địch kể từ lúc Liên đoàn bóng đá Anh ra phán quyết treo giò huyền thoại Eric Cantona trong 9 tháng (do cú đá kungfu "danh bất hư truyền" trúng vào người một CĐV Crystal Palace). Mất đi ngôi sao lớn nhất trong đội hình (vai trò và ảnh hưởng của Cantona khi đó lớn hơn Wayne Rooney bây giờ) ở giai đoạn lượt về của mùa giải, nhưng MU vẫn nỗ lực thi đấu và thể hiện phong độ tuyệt vời để đi đến vòng cuối cùng với 2 điểm ít hơn đội đang dẫn đầu, Blackburn, một thế lực đáng ngại của Premier League thời điểm đó với cặp sát thủ số 1 nước Anh, Alan Shearer và Chris Sutton (kết thúc mùa giải, Shearer giành danh hiệu "Vua phá lưới" với 34 bàn còn Sutton cũng có được 15 bàn).
Để đăng quang, MU cần phải đạt được cả 2 điều kiện cần và đủ: Blackburn không thể thắng được Liverpool tại Anfield trong khi họ phải đánh bại được West Ham trên sân khách. Một vế đã thành công: "Lữ đoàn đỏ" không những cầm chân được Blackburn mà còn giành chiến thắng với tỷ số 2-1 thế nhưng, đau đớn thay, MU lại thất bại thảm hại trong sứ mệnh của mình: Họ chỉ có được trận hoà 1-1, trong đó tiền đạo trứ danh Andy Cole (chuyển tới Old Trafford trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông với bản hợp đồng 7 triệu bảng Anh, một kỷ lục của Premier League lúc đó), đã bỏ lỡ 2 cơ hội ăn bàn rõ rệt, khiến MU ngậm ngùi nhìn đối thủ đăng quang trong nỗi cay đắng khôn cùng khi "cờ đã đến tay mà không thể phất".
Kết cục cuối cùng: Blackburn vô địch
Vở kịch 2: Mùa giải 1995-1996
Diễn viên chính: Manchester United 79 điểm (hiệu số: +35); Newcastle United 77 điểm (hiệu số: +29)
Năm thứ 2 liên tiếp, chức vô địch chỉ được định đoạt ở vòng cuối cùng. Lẽ ra cái kịch bản này đã chẳng thể xảy ra nếu như Newcastle giữ vững được cách biệt lớn lao (có những lúc lên tới tận 12 điểm) so với đối thủ chính Manchester United. Tuy vậy, "Chích choè" đã để "Quỷ đỏ" thu hẹp dần khoảng cách và chính thức bị truất ngôi vào tháng 3. Song cuộc đua vẫn gay cấn đến tận phút chót. Tại vòng 38, MU cần phải đánh bại Middlesbrough tại sào huyệt của đối thủ để lên ngôi mà không cần quan tâm đến kết quả của Newcastle và họ đã làm được với thắng lợi hoành tráng 3-0 (nhờ công của Cole, Giggs và David May). Thực ra, nếu chẳng may MU sảy chân, họ vẫn vô địch như thường bởi ở trận cùng giờ, Newcastle đã bị Tottenham cầm hoà ngay trên sân nhà.
MU đã lần thứ 3 trong vòng 4 năm trở thành "ông vua" của nước Anh. Đây cũng là mùa giải đánh dấu sự trình làng của thế hệ vàng (Beckham, Scholes, Butt, anh em nhà Neville). Hơn 1 tuần sau, MU đoạt nốt cúp FA và trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử xứ sở sương mù hai lần lập nên cú đúp.
Kết cục cuối cùng: MU vô địch
Vở kịch 3: Mùa giải 1998-1999
Diễn viên chính: Manchester United 76 điểm (Hiệu số: +42); Arsenal 75 điểm (Hiệu số: +41)
1998-1999 là mùa giải huy hoàng nhất trong lịch sử MU với cú ăn ba
Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 100 năm của MU, mùa giải 1998-1999 sẽ mãi khắc ghi như một dấu ấn chói lọi nhất với cú ăn ba kỳ vĩ. Tất cả được khởi đầu từ danh hiệu vô địch Premier League giành được một cách kịch tính trước sự cạnh tranh đến cùng của Arsenal. Trước vòng đấu cuối cùng, MU chỉ hơn đối thủ 1 điểm và phải tiếp đón đội bóng mạnh Tottenham tại Old Trafford trong khi Arsenal gặp gỡ Aston Villa tại sân nhà Highbury (bây giờ đã bị phá và "Pháo thủ" chuyển đến sân mới Emirates). Chỉ cần đội bóng cùng thành phố có điểm đồng thời Arsenal hạ gục Aston Villa, thày trò Wenger sẽ bảo vệ thành công ngôi vương.
Sự căng thẳng trong lượt đấu cuối đã lên đến cao trào khi Les Ferdinand mở tỷ số cho Spurs song với bản lĩnh và quyết tâm, MU đã lật ngược thế cờ và thắng ngược 2-1 nhờ các pha lập công của David Beckham và Andy Cole. Vậy là, hy vọng của Arsenal suýt trở thành hiện thực và mọi nỗ lực của họ (thắng 1-0) đã trở nên công cốc.
Kết cục cuối cùng: MU vô địch
Vở kịch 4: Mùa giải 2007-2008
Diễn viên chính: Manchester United 84 điểm (hiệu số: +56); Chelsea 84 điểm (hiệu số: +39)
Chưa bao giờ, giải Ngoại hạng lại gay cấn đến thế như mùa giải 2007-2008. Dù mới đăng quang ở mùa bóng trước nhưng Sir Alex vẫn quyết định chi ra đến 50 triệu bảng để chiêu mộ một loạt tân binh mới như Carlos Tevez, Owen Hargreaves, Nani và Anderson. Đội bóng thành Manchester khởi đầu không được tốt và phải chịu đứng sau Arsenal. Tuy nhiên, với cái tài "đua nước rút" đã được khẳng định cộng thêm sự tụt dốc của Arsenal, MU dần chiếm lĩnh vị trí số 1.
Mùa giải 2007-2008, Chelsea 2 lần phải chứng kiến sự lên ngôi của MU trong nước mắt
Hồi đó, không ai đánh giá cao Chelsea, nhất là khi Jose Mourinho, kiến trúc sư cho thành công vang dội với 2 danh hiệu vô địch Premier League liên tiếp sau hơn 50 năm chờ đợi, bất ngờ nói lời chia tay vào tháng 9. Avram Grant, một chiến lược gia chưa có nhiều tiếng tăm trong làng túc cầu (đang là Giám đốc kỹ thuật của The Blues), lên thay và ông đã phần nào thành công trước sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn, dựa trên nền tảng mà "Người đặc biệt" để lại. Chelsea đã cùng MU loại bỏ Arsenal để tạo nên cuộc đua "song mã" tới chức vô địch. Vòng 36, màu Xanh lấn át màu Đỏ tại Stamford Bridge và san bằng cách biệt về mặt điểm số với thắng lợi 2-1 (nhưng vẫn kém hiệu số bàn thắng - thua), mở ra một cái kết nghẹt thở.
Vòng 37, cả hai đội đều thắng và phán quyết nằm ở vòng cuối cùng. MU phải đá "chung kết" trên sân của Wigan còn Chelsea thoải mái đối đầu với Bolton trên sân nhà. Phút 33, Cristiano Ronaldo mở tỷ số cho "Quỷ đỏ" bằng bàn thắng từ chấm 11m. Đây cũng là mùa giải thăng hoa rực rỡ của Ronaldo khi anh ghi vô số bàn cho đội bóng ("Vua phá lưới" ở Premier League với 31 bàn) và cuối cùng, thâu tóm mọi danh hiệu cá nhân. Dường như, cái thông tin không mấy vui vẻ đó đã tác động lên tinh thần của các cầu thủ Chelsea, khiến họ mãi đến phút 62 mới chọc thủng lưới đối thủ nhờ công của Shevchenko. Phút 80, Ryan Giggs nâng tỷ số lên 2-0, định đoạt luôn số phận trận đấu và cả cuộc đua đến ngôi vô địch. Vì thế, The Blues đã hoàn toàn buông xuôi và để cho Bolton gỡ hoà thành công đúng vào phút cuối cùng của trận đấu. Không lâu sau đó, Chelsea lại chuốc thêm sự cay đắng khi phải giương mắt nhìn địch thủ ... Manchester United đăng quang ở Champions League sau trận chung kết khó quên tại Moscow. Họ đã chơi trên cơ trong 120 phút thi đấu chính thức (hoà 1-1 và Chelsea 2 lần bị khung gỗ từ chối bàn thắng) và ở loạt luân lưu 11m, cú trượt chân định mệnh của Terry đã khiến giấc mơ lần đầu vô địch châu Âu tan tành. Đến giờ, cái khoảnh khắc đó vẫn còn đọng lại trong tâm trí không ít CĐV đội bóng thành London.
Kết cục cuối cùng: MU vô địch
Như vậy, trong cả 4 lần, vinh quang đều thuộc về đội có lợi thế xếp trên và cái tên MU chưa bao giờ vắng mặt, tính cả lần thứ 5 này. Rõ ràng, lịch sử đang đứng về phía Chelsea và liệu rằng Sir Alex và các học trò có thể thay đổi được lịch sử khi chính họ cũng một lần thất bại khi đứng ở vị trí thứ hai. Rất khó nhưng trong bóng đá, không điều gì là không thể.
Bảo Anh