Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Chuyện về Naby Keita (Phần 1): Vua của đường phố

Thứ Bảy 18/08/2018 13:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Vua của đường phố - đó là cái tên người dân khu Conakry gọi khi nhắc đến Naby Keita. Bóng đá dường như là định mệnh với tân binh đắt giá của Liverpool.

Vua của đường phố

Quả bóng đến đôi chân trần của Naby Keita, cậu bé ở thế quay lưng với hai cầu thủ theo kèm, cố lao đến hai hòn gạch dựng lên làm gôn. Một chú nhóc cố túm áo Keita từ đằng sau, cậu lắc vai để tránh rồi tăng tốc. Nhưng thử thách thực sự nhanh chóng đến.
 
Chuyen ve Naby Keita khoi nguon tu nhung ngay da bong tren duong pho.
Chuyện về Naby Keita khởi nguồn từ những ngày đá bóng trên đường phố.

Một cậu nhóc khác, trông to lớn như gấp đôi tuổi thực đẩy Keita từ đằng sau. Keita vẫn cố giữ bóng trong chân, rồi sút. Cậu bé Naby Keita ghi bàn, ăn mừng và không quên quẹt qua những chiếc ô tô đôi khi đi qua làm mất nhịp chơi bóng của cả bọn.
 
"Đó là chuyện bình thường ở các trận đấu trên đường phố" - Naby Keita nhớ lại thời chơi bóng trên đường phố ở Koleya, một khu vực ở Conakry (thủ đô Guinea): "Chúng tôi đá bóng ở bất cứ chỗ nào rộng rãi, thường xuyên nhất vẫn là những con đường, đôi lúc phải né tránh những chiếc ô tô qua lại".
 
"Tôi va chạm rất nhiều lần, nhưng đều tiếp tục bởi tôi không bao giờ muốn mất bóng. Chẳng gì có thể tách tôi khỏi quả bóng, những trận đấu trên đường phố mang về nhiều kinh nghiệm. Cả đám đá với bất cứ gì có thể, thường là tôi đi chân đất, xịn hơn thi thoảng vớ được đôi giày cũ mèm đến sắp hỏng". 
 
"Tôi chẳng có giày hay áo bóng đá. Tất cả những điều đó giúp tôi có sự chuẩn bị tốt hơn khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, giờ ra sân tôi chẳng sợ bất cứ điều gì. Tôi từng nhỏ con và phải chiến đấu cho mọi thứ: Cơ hội chơi bóng, cho quả bóng, giành sự tôn trọng và đó là lý do ngay cả những chiếc ô tô cũng chẳng cản được tôi".
 
Naby Keita tung choi bong tren duong pho tai Guinea.
Naby Keita từng chơi bóng trên đường phố tại Guinea.

Conakry là nơi sản sinh ra "le roi de la rue", theo cách gọi của người Guinea là "vua của đường phố". Naby Keita thời điểm chấp nhận đến Liverpool hè 2017 là cầu thủ châu Phi đắt giá nhất trong lịch sử. The Kop đã phải trả 48 triệu bảng phí giải phóng hợp đồng cho Leipzig, chấp nhận đợi thêm một năm để có được sự phục vụ của tiền vệ này.
 
Những người ở khu Conakry ngay từ lúc Naby Keita đã tin rằng cậu bé sẽ làm nên chuyện với trái bóng.

Bóng đá là định mệnh

Từ khi bắt đầu chập chững bước đi đầu tiên, bà Miriam Camamara - mẹ cậu bé - đã phải cất mọi thứ khỏi tầm chân ông con trai nghịch ngợm. Keita nhớ lại: "Mẹ mỏi rằng cứ có thứ gì đó rơi xuống từ mặt bàn, dù đó là chai nước hay quả cam, tôi đều cố gắng chơi với nó bằng chân".
 
"Tôi có thể đá bất cứ thứ gì rơi trên sàn, tự chơi với nó. Chẳng vấn đề gì nếu mẹ lấy nó đi, tôi lại đá bất cứ lúc nào có cơ hội".
 
Naby Keita duong nhu co duyen voi trai bong ngay tu khi con nho.
Naby Keita dường như có duyên với trái bóng ngay từ khi còn nhỏ.

Bố của anh, Sekou Keita tin rằng định mệnh cậu con trai dường như gắn chặt theo vòng quay của quả bóng: "Bố bảo khi còn là một đứa trẻ, tôi rất thích bóng, lúc nào cũng nhìn và cố chạm vào nó. Tôi luôn muốn có quả bóng bên cạnh".
 
Dù biết con trai dường như số phận gắn liền với quả bóng nhưng bố mẹ Naby Keita, khi đó cùng 22 tuổi cố hướng cậu bé theo con đường khác: "Họ muốn tôi học hành. Họ cho rằng học tập trên ghế nhà trường là quan trọng nhất và giúp tạo nên cuộc sống ổn định hơn, nhưng chẳng gì có thể kéo tôi khỏi bóng đá".
 
"Họ cố rất nhiều lần nhưng rồi nhận ra đâu mới là nơi con tim và khối óc tôi thuộc về. Mọi người ở khu nói rằng tôi là cầu thủ hay nhất ở Conakry. Rốt cuộc, bố mẹ nói rằng họ đã chuẩn bị một món quà, hỗ trợ tôi hoàn toàn để tiến đến giấc mơ".
 
Naby Keita (khoanh do) duoc khuyen toi chau Au thu suc.
Naby Keita (khoanh đỏ) được khuyên tới châu Âu thử sức.

Ở tuổi 12, Naby Keita nhận được lời khuyên từ tuyển trạch viên tại địa phương, cho rằng cậu bé nên hướng đến châu Âu. Tất nhiên điều đó vượt khỏi tầm suy nghĩ của một cậu bé. 
 
"Tôi chưa sẵn sàng cho một bước tiến lớn" - Keita giải thích: "Trong hai năm sau, tôi thường xuyên theo dõi các trận đấu ở Ligue 1, Champions League và Premier League trên TV, tôi hiểu khao khát của bản thân là được chơi bóng ở đẳng cấp như thế".
 
"Đó là điều bất khả thi nếu cứ ở nhà, rõ ràng là tôi phải thử sức ở châu Âu. Tôi xác định rõ con đường trở thành cầu thủ bóng đá không chỉ vì tôi yêu được ra sân, mà còn có thể trợ giúp gia đình nữa".

Những ngày chập chững

Thế là đến năm 16 tuổi, cậu bé sang Pháp thử sức với tâm trạng háo hức pha lẫn nỗi sợ sệt. Naby Keita cứ di chuyển giữa Conakry và Tây Âu. Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, lời từ chối của Lorient ăn mòn phần nào sự tự tin của cậu bé.
 
Naby Keita tung bi Lorient tu choi vi chua co tu duy choi bong.
Naby Keita từng bị Lorient từ chối vì chưa có tư duy chơi bóng.

"Bố mẹ tôi lo lắng khủng khiếp. Họ chẳng muốn để tôi đi xa đến thế, rồi luôn lo về việc liệu tôi có thích nghi được với những thứ xung quanh" - Keita bồi hồi nhớ lại: "Mọi thứ khó khăn hơn tôi tưởng. Bình thường tôi chơi bóng với bạn bè thì giờ phải làm điều đó với những người xa lạ, những người luôn muốn mình là đứa được lựa chọn".
 
"Tôi từng tự hỏi liệu mình có làm được không. Đó là khoảng thời gian khó khăn. Bạn có thể chạm vào giấc mơ nhưng để nó tuột khỏi tầm tay, rồi lại cố gắng chạm vào nó lần nữa".
 
Vấn đề của Naby Keita lúc này không phải là thích nghi với một nơi xa lạ, hòa nhập với một nền văn hóa khác biệt, hay làm quen với những con người xa lạ. Vấn đề là cậu bé phải va chạm với một thứ bóng đá hoàn toàn khác ở quê nhà.
 
Buoc khoi dau den chau Au la quang thoi gian kho khan voi Naby Keita.
Bước khởi đầu đến châu Âu là quãng thời gian khó khăn với Naby Keita.

Naby Keita thú thực: "Tôi chưa từng tiếp xúc đến khía cạnh bóng đá chuyên nghiệp. Tôi chẳng trưởng thành từ học viện nào cả, mọi thứ tôi biết đều từ đường phố. Khi nhận bóng, tôi sẽ lao thẳng đi, biểu diễn một số kỹ thuật cá nhân rồi ghi bàn".
 
"Trong các buổi tập, huấn luyện viên yêu cầu những thứ tôi chưa bao giờ nghe thấy. Họ sử dụng nhiều thuật ngữ bóng đá mà tôi không thể hiểu, đưa ra những chỉ dẫn mà tôi chẳng biết làm thế nào. Tôi chẳng hiểu gì về chiến thuật, đó là lý do tôi bị từ chối".
 
Như Đạt (TTVN)
 
 
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X