Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Chuyển nhượng Premier League: Những con số như đùa

Thứ Tư 30/07/2008 09:26(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Robbie Keane 20,3 triệu bảng từ Tottenham sang Liverpool. Andrew Johnson 13 triệu bảng từ Everton sang Fulham. Hai vụ chuyển nhượng nội bộ này đang thu hút được sự chú ý đặc biệt bởi cùng một nguyên nhân: giá quá cao!

Dù đó là cách tiêu tiền của một đại gia như Liverpool hay một kẻ khốn khổ luôn lo trụ hạng như Fulham, nó vẫn tạo ra câu hỏi giống nhau: Phải chăng, Premier League đang “phá giá” với những con số ảo không tương xứng giá trị?

Nói như vậy không có nghĩa là chê Keane hay Johnson kém cỏi. Họ cũng là các tiền đạo “có số má” ở giải Ngoại hạng. Nhưng thử làm một phép so sánh đơn giản. Mức giá trung bình của Keane và Johnson là 16,65 triệu bảng. Trong khi đó cách đây chưa lâu, AC Milan cũng chỉ mất chừng đó cho Barcelona để mua về Ronaldinho. Keane còn có thể so sánh gượng ép một chút với ngôi sao 2 lần được bình chọn là xuất sắc nhất thế giới này. Còn nếu ví von Johnson với Ronaldinho thì thực sự khập khiễng. Vậy mà giá trị quy đổi ra tiền tệ của họ lại hơn kém nhau chẳng là bao.


Keane đang dần trở thành một “ngân hàng” sinh lời cho các CLB sở hữu như Nicolas Anelka hay Hernan Crespo. Với hơn 20 triệu bảng mà Liverpool bỏ ra để có anh, tổng giá trị chuyển nhượng của Keane đã lên tới 60 triệu bảng, gấp 10 lần số tiền mà năm 1999, Coventry trả cho Wolves đổi lấy chữ ký được xem là “thần đồng bóng đá Ireland”. Trong chuỗi dích dắc kể từ đó, Tottenham cũng lời to từ Keane. Cuối mùa Hè 6 năm trước, họ chỉ mất 7 triệu bảng để lôi kéo anh về trong cuộc tẩu thoát của những cầu thủ Leeds khỏi CLB đang đắm.

Daniel Levy, chủ tịch Tottenham vẫn còn bực bội và không ngớt lời chỉ trích Keane lẫn Liverpool. Ông cho rằng mình bị ép vào thế “phải bán”. Nhưng có lẽ, đây cũng chỉ là dạng phản ứng lấy lệ mà thôi. Trước đây, Levy thậm chí kiện cáo cả lên Premier League về việc Liverpool dụ dỗ Keane còn M.U săn đón trái phép Dimitar Berbatov. Nếu giờ ông tỏ vẻ vui mừng vì bán được giá thì sẽ hơi…lố bịch. Nếu trong mùa Hè này, M.U cũng mua Berbatov với giá 30 triệu bảng, chắc chắn Levy cũng “giận dữ” với sự sung sướng ngấm ngầm.

Everton thì hài lòng thực sự khi bán được Johnson với giá cắt cổ như thế. Hai năm trước, Goodison Park lập kỷ lục CLB với khoản tiền 8,6 triệu bảng mua tiền đạo nội này từ Crystal Palace. Thế nhưng Johnson không thành công ở Merseyside (ghi được vẻn vẹn 22 bàn trong 74 trận) và giờ đẩy gương mặt đầy thất vọng đó đi lại còn lãi to, Everton không ăn mừng mới lạ. Fulham sẽ phải trả 10,5 triệu bảng phí chuyển nhượng đồng thời con số trên có thể lên tới 13 triệu bảng tùy thuộc vào phong độ của Johnson.

Dùng “hàng nội” là…tốn kém!

Ngoài giá cao quá đáng, Keane lẫn Johnson còn có một điểm chung nữa là…tuổi cao. Keane đã 28 còn Johnson đã 27. Có người cho rằng đây mới là độ tuổi chín của tiền đạo nhưng trong xu hướng trẻ hóa mà các đội bóng lớn Premier League lẫn châu Âu đang theo đuổi, bộ đôi này bị coi là khá già. Già còn bởi cách chơi bóng đơn điệu, mất nhiều sức của họ. Keane lẫn Johnson đều thuộc mẫu cần cù hơn tinh quái, phong cách phụ thuộc rất lớn vào thể lực. Mà thể lực lại là thứ luôn bị thời gian bào mòn.

Nghe thì đầy nghịch lý. Tuổi cao, độ “sáng” vừa phải, giá cả lại…trên trời mà vẫn có người mua. Mua nhiệt tình là đằng khác. Có hai lí do chính. Thứ nhất, Liverpool và Fulham quá cần. Liverpool sẵn sàng bỏ ra khoản chuyển nhượng chỉ kém vụ Fernando Torres năm ngoái để hy vọng có được một cặp tiền đạo lợi hại. Fulham chấp nhận lập kỷ lục chuyển nhượng với niềm tin có người chống đỡ cho cuộc chiến trụ hạng sắp tới. Thứ hai, và có lẽ quan trọng nhất, là Johnson lẫn Keane đều thuộc diện “hàng nội” (các cầu thủ Ireland như Keane cũng được coi như là “người nhà” của bóng đá Anh). Mà “hàng nội” ở Premier League thì đắt là chuyện…đương nhiên!

Đương nhiên vì hầu như tất cả vụ chuyển nhượng “hàng nội” đều là nội bộ giữa các đội bóng với nhau. Mà không chỉ Premier League, ở giải nào thì kiểu mua bán nội bộ cũng có giá đắt hơn hẳn bởi quan niệm bán đi một ngôi sao là thiệt hại kép khi mình yếu đi còn đối phương mạnh lên. Đương nhiên vì các CLB Anh “giàu” nên tiêu không tiếc. Đương nhiên vì đủ lí do khác nữa nhưng đều dẫn đến kết luận: Premier League luôn phá giá, nhất là với “hàng nội”.

Đáng buồn là ngoài chuyện tiền bạc, còn một cái giá khác khá đắt mà chính bóng đá Anh phải hứng chịu. Đó là những cầu thủ nội địa không có cơ hội được đến những đội bóng hàng đầu. Liverpool mua Keane thì ngược lại, giấc mơ của Gareth Barry tới Anfield coi như tan tành. Mà chung quy cũng chỉ bởi Barry bị định giá quá cao. Sẽ còn bao nhiêu Barry bị trói mình bởi những con số “như đùa” vậy nữa?

20 triệu, đặt 1 ăn 20 cho "Vua phá lưới"

Hơn 20 triệu bảng là mức giá đưa Keane gia nhập nhóm tiền đạo ngôi sao đắt đỏ của Premier League. Nhưng nhận định của các nhà cái thì sao? Đặt 1 ăn 20 là tỷ lệ cho Keane trở thành “Vua phá lưới” mùa này, một con số thuộc loại trung bình mà thôi. Đứng đầu danh sách ứng cử viên đang là…người sẽ đá cặp với Keane, Fernando Torres (7/2), tiếp đến là Ronaldo (5/1) và Diddier Drogba (7/1).

Mùa hè "bom tấn"

Robbie Keane là vụ chuyển nhượng "bom tấn" mới nhất nhưng chắc chắn không phải là cuối cùng. Chelsea vẫn chưa buông vụ Robinho (vừa tăng giá lên 27 triệu bảng), M.U vẫn quan tâm Berbatov trong khi Arsenal rất cần 1 tiền vệ trung tâm thứ thiệt.

Giá                            Từ-đến                           Giá (bảng)

1. Tevez                 West Ham-M.U                      32 triệu

2. Keane                Spurs-Liverpool                       20,3 triệu

3. Jo                      CSKA-Man City                      19 triệu

4.Bosingwa            Porto-Chelsea                        16,2 triệu

5.Nasri                  Marseille-Arsenal                     12 triệu

6. Crouch              Liverpool-Portsmouth                11 triệu

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X