Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Chuyển nhượng Premier League: "Đi đêm", chuyện có gì mà ầm ĩ?

Thứ Bảy 26/07/2008 09:14(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tottenham giận dữ thông báo với Premier League rằng M.U và Liverpool đã "đi đêm" với Dimitar Berbatov và Robbie Keane. Sir Alex Ferguson phản pháo rằng sẽ xem xét khả năng kiện ngược lại Tottenham vì cáo buộc sai lầm này. Kết quả thì sẽ hạ hồi phân giải nhưng qua câu chuyện đang ầm ĩ trên, có thể thấy "đi đêm" vẫn là một tình huống đặc biệt của thị trường chuyển nhượng.

"Đi đêm" (tapping-up) là gì? Theo định nghĩa trong luật FIFA, UEFA cũng như nhiều Liên đoàn quốc gia ở châu Âu thì đó là hành động một CLB lén lút tiếp xúc với một cầu thủ mà CLB sở hữu không được biết hoặc chưa cho phép. Thông thường thì "đi đêm" được thực hiện qua trung gian là người đại diện của cầu thủ đó. Mục đích thì ai cũng rõ là nhằm để thúc đẩy vụ chuyển nhượng được tiến hành nhanh chóng và ngoài ra, đánh đổi lại là một khoản thù lao kha khá cho "bà mối" người đại diện vì công tác thành cho hai bên.

Nó bị cấm ở hầu hết các giải bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng "đi đêm" còn ở một dạng khác với mức độ nhẹ nhàng hơn. Đó là một HLV bày tỏ sự ngưỡng mộ công khai với một cầu thủ ở CLB khác, dạng tuyên bố ngụ ý như là "Tôi thích anh đấy. Tôi muốn ký hợp đồng với anh". Nhẹ hơn một chút nữa là thông tin kiểu đó được tung ra từ những nguồn không chính thống như "một người thân cận với HLV X cho biết...", "nội bộ đội bóng Y cho hay..." rất muốn có được cầu thủ này.


Ở những trường hợp kể trên, khó mà khép CLB hay HLV đó tội phạm luật được. Sở dĩ Sir Alex tỏ ra cứng rắn với Tottenham trong câu chuyện Berbatov vì phản ứng của Tottenham diễn ra ngay sau khi tờ lá cải của xứ sở sương mù "The Sun" trích dẫn tuyên bố từ Sir Alex rằng ông muốn mua Berbatov và tự tin vụ chuyển nhượng này sẽ sớm xong xuôi. Song đây rõ ràng là một tin vịt vì trong vẻn vẹn hơn chục phút gặp gỡ các phóng viên tại sân bay trước khi cùng các học trò lên đường du đấu Nam Phi, Sir Alex chỉ nói rằng muốn mua thêm một tiền đạo trong mùa Hè và không hề đề cập đích danh đến Berbatov hay Tottenham. Điều này đã có nhiều tờ báo khác như "Daily Telegraph" làm chứng và nhận định rằng Tottenham đã hố to khi làm găng với M.U. Mặc dù vậy, Tottenham tuyên bố họ còn có rất nhiều bằng chứng khác rằng M.U "đi đêm" với Berbatov suốt trong một thời gian dài. Chưa rõ đó là những bằng chứng gì, liệu có rõ ràng như bức ảnh chụp Ashley Cole (khi đó còn chơi cho Arsenal) ngồi ăn tối với Jose Mourinho và GĐĐH Chelsea Peter Kenyon tại một khách sạn hồi mùa Hè 2005. Tất nhiên, không thể thiếu sự hiện diện của người đại diện A.Cole là Jonathan Barnett!

Xưa như... trái đất

"Đi đêm" có từ bao giờ? Chắc chắn là ngay từ khi có khái niệm về chuyển nhượng, về lợi ích cầu thủ, về quyền lợi giới cò. Tóm lại là từ rất lâu và như nhiều danh thủ sau này tiết lộ, họ từng phạm luật mà không cảm thấy áy náy lắm!

Vì sao? Vì đây là một khái niệm hết sức mù mờ và thực tế, nó đóng vai trò tất yếu trong mọi vụ chuyển nhượng. Mua bán cầu thủ không giống như mua bán hàng hóa. Nó cần sự nhất trí giữa tất cả các bên. Người mua cần, người bán hài lòng và bản thân "chủ thể" là cầu thủ cũng phải đồng ý. Một CLB lớn như M.U chẳng hạn sẽ bị cả thế giới cười vào mũi nếu họ đề nghị Tottenham bán Berbatov song Berbatov lại trả lời ráo hoảnh: "Tôi không muốn đến Old Trafford tẹo nào".

Nếu thực hiện đúng theo luật thì lại không dễ chút nào. Ví dụ M.U khó mà xin được Tottenham cho phép tiếp xúc với Berbatov. Khi động thái này xảy ra, thực tế thì vụ chuyển nhượng đã gần như xong xuôi. Thông tin đó sẽ đồng nghĩa như là Tottenham đã chấp nhận bán tiền đạo này rồi và chắc chắn không đời nào CLB sở hữu thích tung ra một tuyên bố sớm như vậy. Nó sẽ khiến họ bị lép vế khi thương lượng giá cả.

Vậy thì chỉ còn cách ướm thử suy nghĩ của cầu thủ thông qua người đại diện và tiến xa hơn được là một cuộc gặp gỡ trực tiếp. Điều này lí giải tại sao quyền lực của giới "cò" ngày càng lớn. Và họ càng mạnh hơn cùng quyền lực của cầu thủ. Luật Bosman, luật tự giải phóng như Điều 18...đang làm cho sự ràng buộc sở hữu giữa CLB và cầu thủ ngày càng yếu đi. Tất yếu, số vụ "đi đêm" xuất hiện nhan nhản.

Đã đến lúc thay đổi

"Đi đêm" có thực sự là một điều tồi tệ làm hỏng hình ảnh đẹp đẽ của môn thể thao Vua không? Theo luật thì câu trả lời là Có! Nhưng theo thực tế thì cách nhìn nhận linh động hơn nhiều. "Đi đêm" chỉ thực sự đáng chê trách khi hành xử của các bên đều quá đà. Ví dụ như trường hợp A.Cole. Sau khi nhận được lời mời mọc của Chelsea, anh công khai chỉ trích Arsenal lẫn người thầy Arsene Wenger và nằng nặc đòi ra đi. Mối quan hệ giữa hai bên trở nên không còn có thể hàn gắn được nữa. Trong câu chuyện này chắc chắn không thiếu sự xúi giục từ người đại diện của Cole mà mục đích lớn nhất là khoản hoa hồng béo bở cho anh ta và mức lương hậu hĩnh hơn cho thân chủ, người sau đó được các fan Arsenal tặng cho biệt danh "Cash-ley Cole).

Theo lập luận của những người phản đối việc "đi đêm", nếu cầu thủ được tự do "ngoại tình" thì sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn không thể kiểm soát được. Quan điểm này cho rằng để hạn chế việc phạm luật, cách tốt nhất là trừng phạt nặng tay như trừ điểm hay hơn thế là cấm tham gia chuyển nhượng 1 năm (như đề xuất trước đây của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter, người nổi tiếng về những ý tưởng kỳ lạ!). Thế nhưng nếu nhìn nhận khách quan, "đi đêm" có thể ví như là hành động vượt tốc độ trong "giao thông" chuyển nhượng. Mà mức giới hạn tốc độ này thì đang ngày càng mở rộng với bóng đá hiện đại khi cầu thủ được trao nhiều quyền tự do. Phải chăng, đã đến lúc cần một sự điều chỉnh mềm mỏng hơn cho luật "đi đêm"?

...Có ngày gặp ma!

Theo luật FIFA, nếu một CLB bị phát hiện "đi đêm" thì có thể bị phạt tiền và nặng hơn là trừ điểm. Tuy nhiên, đại đa số những vụ việc đều mới chỉ dừng ở mức độ chế tài là phạt tiền. Điển hình là trường hợp Chelsea và Ashley Cole, câu chuyện "đi đêm" ầm ĩ nhất Premier League nhiều năm trở lại đây. Ban đầu FA phạt A.Cole 100.000 bảng, Chelsea 300.000 bảng và Mourinho 200.000 bảng. Sau đó, ở phiên "phúc thẩm". Mức phạt cho A.Cole và Mourinho được giảm xuống còn 75.000 bảng. Người đại diện Barnett bị treo giấy phép hành nghề 18 tháng và cũng bị phạt 100.000 bảng. Nghe thì to tát nhưng với mức thu nhập của các nhân vật này, khoản tiền đó chẳng đáng là bao (như A.Cole thì còn chưa bằng 1 tuần lương). Và nó cũng không ngăn cản được vụ chuyển nhượng A.Cole sang Chelsea diễn ra 1 năm sau đó!

 Alex Ferguson từng nhiều lần bị chỉ trích “đi đêm”

Sir Alex từng không ít lần bị các CLB đối địch cay cú chỉ trích là "đi đêm". Ngoài vụ Berbatov mới đây, trong quá khứ PSV từng nổi đóa với cách tiếp cận của HLV này với Japp Stam hay Ruud van Nistelrooy. Thậm chí với một tên tuổi chẳng nổi gì là David Bellion, Sir Alex cũng bị Sunderland lên án. Nhưng xôn xao nhất phải là vụ Dwight Yorke. HLV John Gregory của Aston Villa thời đó đã giận dữ: "Ông ta cứ liên tục nói rằng muốn ký hợp đồng với Yorke. Và tôi thấy thật lạ lùng khi Sir Alex được phép thoải mái đề cập trên báo chí về tương lai một cầu thủ đang thuộc diện hợp đồng của chúng tôi".

Câu chuyện năm đó không khác mấy vụ Berbatov hiện nay. M.U chỉ dạm giá 8 triệu bảng trong khi Aston Villa cho rằng Yorke xứng đáng gấp đôi con số đó và tiền đạo này vẫn còn 2 năm hợp đồng. Yorke sau đó đòi được ra đi khiến Gregory có tuyên bố để đời: "Nếu tôi mà có một khẩu súng, tôi hẳn đã cho cậu ta một phát". Rồi Yorke có phản ứng đầy tiêu cực trong trận Aston Villa-Everton khi không thèm dốc sức trên sân. Và thế là khi M.U trở lại với đề nghị 12,6 triệu bảng, Aston Villa chẳng còn cách nào khác ngoài việc miễn cưỡng gật đầu.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X