Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Chuyển nhượng Premier League: Đầu tư "bom tấn"

Chủ Nhật 27/07/2008 15:18(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Đã qua rồi, cái thời các đại gia nước Anh bỏ qua 20 triệu bảng để mua 10 ngôi sao tiềm năng về nuôi dưỡng. Giờ đây, cả Chelsea, Man Utd, Liverpool, hay Arsenal đều đã sẵn sàng phá két để làm nên những bản hợp đồng đình đám. Thực tế đã chứng minh, đó là một sự lựa chọn thành công. Ít ra là cũng hơn hẳn kiểu đầu tư nghiêng hẳn về “lượng” như trước đây.

1. Hợp đồng mua đứt Carlos Tevez của Man Utd có thể xem là một quyết định mạnh tay. 19 bàn thắng trong 48 trận, cùng những đóng góp không nhỏ vào lối chơi của Quỷ đỏ - Tevez đã khẳng định được tầm quan trọng và giá trị của mình. Nhưng dù sao, con số kỷ lục 32 triệu bảng (có thể lên đến 35 triệu bảng) vẫn là một điều gì đó khiến cho người ta phải ngạc nhiên.


Ronaldo tới M.U với giá 12 triệu bảng, Rooney tới Old Trafford khi được xem là một thần đồng với giá 27 triệu và để có trung vệ số 1 Rio Ferdinand, M.U chỉ mất 29 triệu bảng. Ở một phương diện nào đó, bản hợp đồng của Tevez sẽ không chỉ có ảnh hưởng tới Man Utd. Rất có thể, cả nước Anh sẽ xem nó như một hiệu ứng để định giá cầu thủ trong tương lai.

2. Xu hướng phá giá cầu thủ đã phát triển chóng mặt trong những năm qua. Và song hành cùng điều này, còn có một xu hướng khác cũng đã xuất hiện: Đầu tư “chất”, thay vì “lượng”. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng ở tứ đại gia của Premier League, tất nhiên là có phần trừ… Chelsea, đội bóng được hậu thuẫn quá lớn về tài chính và thường xuyên dùng rất nhiều tiền để mua những gì không thể mua bằng tiền.
 
Arsenal đã đưa về Samir Narsi - một ngôi sao đã được công nhận, và có thể xem là gương mặt đáng kể nhất của Wenger trong 4 năm qua (phí chuyển nhượng từ 13-15 triệu bảng). Các CĐV Arsenal đã phải trải quả 4 mùa bóng để được chứng kiến một hợp đồng như thế, kể từ sau khi Reyes phá kỷ lục chuyển nhượng tại CLB với 16,5 triệu bảng.
 
Liverpool, sau hàng loạt những vụ mua bán nhì nhằng với giá trị thấp, cũng đã quyết định mạnh tay với thương vụ Fernando Torres. Chỉ sau 1 mùa bóng, El Nino đã khẳng định anh là một trong những tiền đạo hay nhất châu Âu. Nhưng dĩ nhiên, trước đó, gã khổng lồ vùng Merseyside cũng đã phải chấp nhận phá mọi kỷ lục chuyển nhượng ở Anfield để có anh (20 triệu bảng). Mùa hè này, Liverpool lại tiếp tục khiến các CĐV hy vọng với lời đề nghị 20 triệu bảng cho Robbie Keane.

3. Trên thực tế, nếu sử dụng hiệu quả, một CLB sẽ có thể gặt hái thành công với 1, hoặc 2 cầu thủ trụ cột có giá trị cao trong đội hình, hơn là 7 hay 8 người ở trình độ thấp ngang nhau. Những cuộc đầu tư lớn đương nhiên có tính rủi ro riêng của nó. Nhưng bù lại, các ông chủ lại có thể “thu hồi vốn” nhanh hơn, cũng như tạo ra những thành công lớn dễ dàng hơn.
 
Đào tạo cầu thủ trẻ, hay đầu tư trên diện rộng có thể mang lại sự cân bằng cho đội bóng, giảm quỹ lương, tiết kiệm tài chính, cũng như giúp các HLV dễ tạo được tính đồng đều trên sân cỏ. Nhưng mặt khác, xu hướng này lại tồn tại 2 thách thức: Thời gian phát triển, và sau đó là những cuộc đào tẩu của các tài năng. Ở phương diện này, Arsenal đã trở thành một “tấm gương sáng” cho cho cả nước Anh.

Ở Premiership, không chỉ các đội bóng lớn mới thể hiện khả năng “chịu chơi” ở tầm cao trong đầu tư nhân sự. Man City, sau khi bỏ ra 19 triệu bảng cho Jo, họ tiếp tục gây choáng với những lời đề nghị dành cho Ronaldinho. Tottenham hiện còn “dám” cạnh tranh với cả Real, Barcelona, Arsenal và Chelsea để theo đuổi David Villa - chân sút hàng đầu của Euro 2008 hiện đang có giá không dưới 30 triệu bảng. Rất nhiều những hợp đồng lớn đã tới nước Anh, thay vì làn sóng cầu thủ “thường thường bậc trung” như 1 thập kỷ trước. Điều đó đã mang tới những thay đổi rõ rệt về “chất” ở giải Ngoại hạng, một sự thay đổi gắn liền với những cuộc đổ bộ của tư bản nước ngoài trên đất Anh quốc.
 
Xóa dớp Nam Mỹ

Chỉ ra 35 triệu bảng để mua đứt, M.U đã mặc nhiên thừa nhận thương vụ Tevez đã mang lại thành công mỹ mãn trong mùa đầu tiên. Tevez không phải là chữ ký lớn đầu tiên của M.U dưới triều đại Ferguson. Năm 2001, Fergie từng đặt rất nhiều kỳ vọng ở Juan Veron, đồng đội của Tevez ở ĐT Argentina, từ Lazio với giá chuyển nhượng 28,1 triệu bảng. Nhưng chỉ sau 2 năm, ông đành để Veron ra đi vì thi đấu không hợp với phong cách Premier League. Trong mùa hè 2003, Fergie đã tin rằng Veron chỉ là trường hợp hy hữu và chuyển niềm tin sang tiền vệ Jose Kleberson, vốn cùng ĐT Brazil đăng quang tại World Cup 2002. Kết cục tương tự: Kleberson đã trở thành bài học đau đớn.

Mùa hè trước, Fergie bất ngờ quay lại với "hàng" Nam Mỹ, với Tevez và Anderson. Trong khi Tevez tỏa sáng với những bàn thắng quan trọng thì trong suốt 2/3 thời gian đầu của mùa, Anderson khiến người hâm mộ quên đi hình bóng Scholes. Như vậy, M.U đã phần nào xóa mờ nỗi ám ảnh Nam Mỹ, đồng thời tạo ra xu hướng mới ở Premier League. Man City đã chi ra 19 triệu bảng để có chân sút Jo từ CSKA Moskva. Arsenal tin tưởng Denilson đủ sức thay thế Flamini trong khi Chelsea đang chiêu mộ Robinho.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X