Năm ngoái, Premier League lần đầu tiên lập kỷ lục với cột mốc 1 tỉ bảng được chi trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng "cơn điên" ấy có lẽ vẫn chưa là gì so với mùa hè 2017 khi quá nhiều tiêu chuẩn mới được thiết lập.
"Điên cả rồi" - Rafa Benitez không biết nói gì khi chứng kiến chuyển nhượng Premier League mùa hè 2017. Trở lại Ngoại hạng Anh cùng Newcastle, Benitez cảm thấy chóng mặt vì liên tục những bản hợp đồng bom tấn được thiết lập trong kỳ chuyển nhượng mùa hè 2017. Cho đến lúc này, Newcastle mới chi 17,5 triệu euro cho hai bản hợp đồng Florian Lejeune (Eibar), Christian Atsu (Chelsea).
|
Mới trôi qua một nửa nhưng chuyển nhượng Premier League mùa hè 2017 đã gây náo động lớn. |
Con số đó quá nhỏ bé nếu so với những gì các đội bóng lớn bỏ ra để mua cầu thủ từ đầu mùa hè đến nay. Chelsea đã chi 35 triệu euro, Man City là 102 triệu, Liverpool (42 triệu), Arsenal (53 triệu), Man Utd (xấp xỉ 120 triệu) hay "cơn điên" Everton cũng chi ra đến 98 triệu euro. Ngay đến đội bóng mới lên hạng Huddersfield Town cũng chịu chi 43.1 triệu euro để tăng cường lực lượng trong lần đầu tiên được hít thở bầu không khí Premier League.
Sự điên cuồng ấy dự kiến mới chỉ là khởi đầu, bởi kỳ chuyển nhượng mới trôi qua một nửa chặng đường nên phần nhiều các CLB vẫn sẽ tiếp tục mua sắm. Tiêu biểu như Chelsea sẽ chi không dưới 60 triệu euro cho một chân sút đẳng cấp khác thay thế Diego Costa, Man City cần mua thêm 1-2 hậu vệ cánh, Man Utd hè này theo tuyên bố của Jose Mourinho sẽ đón 4 bản hợp đồng mới nhưng đến lúc này mới hoàn tất 2 vụ,...
Theo thống kê từ Deloitte, tổng số tiền các CLB tại Premier League chi ra cho chuyển nhượng từ đầu mùa hè tới nay đã vượt ngưỡng 500 triệu bảng. Deloitte cũng dự đoán rằng kỳ chuyển nhượng hè 2017 sẽ phá kỷ lục 1.165 tỉ bảng của năm trước đó. Chuyên gia tài chính bóng đá Rob Wilson nhận xét rằng thị trường chuyển nhượng tại xứ sở sương mù đang trong cơn "siêu lạm phát", bởi các đội bóng Anh thường bị ép giá: "Ít nhất 40% hoặc không cũng phải là 50% so với mức giá thực cho mỗi bản hợp đồng".
Sự điên rồ trên thị trường chuyển nhượng tại Premier League thể hiện qua thương vụ Jordan Pickford chuyển từ Sunderland sang Everton với mức giá 30 triệu bảng, trở thành thủ môn người Anh đắt giá nhất. Jon Smith, một tay cò cầu thủ nay đã giải nghệ khẳng định rằng thương vụ này sẽ tạo nên một tiêu chuẩn mới cho các thương vụ tại Premier League: "Những cầu thủ như anh ta vài năm trước chỉ có giá 12 triệu bảng nhưng giờ hẳn là 30 triệu bảng. Đó là số tiền rất lớn nhưng đã trở thành một tiêu chuẩn mới".
|
Cột mốc 1 tỉ bảng của chuyển nhượng Premier League mùa hè 2016 dự kiến sẽ bị phá. |
Điều gì tạo nên sự điên rồ? Tiền. Rất nhiều tiền là câu trả lời. Chris Stenson, chuyên viên tư vấn cấp cao của Deloitte nhận xét: "Doanh thu tăng đều, phần lớn đến từ tiền bản quyền truyền hình giúp các câu lạc bộ ở Premier League giờ có nhiều tiền hơn, dẫn tới làn sóng đổ tiền mua cầu thủ"
"Đây là giải đấu có nền tảng tài chính vững mạnh nhất trên thế giới, sự tăng trưởng về mặt hình ảnh lại giúp thu hút các hợp đồng quảng cáo và tài trợ. Chúng tôi ước tính các đội bóng đã chi 500 triệu bảng từ đầu kỳ chuyển nhượng hè 2017, cao hơn nhiều so với con số 340 triệu ở cùng thời điểm này năm ngoái".
Năm 2013, Premier League thu về 3 tỉ bảng từ tiền bản quyền truyền hình cho giai đoạn 2013-2016, kéo theo đó là ba mùa giải liên tiếp tăng đều về số tiền các CLB chi ra để mua cầu thủ (835 triệu bảng mùa hè 2014, 870 triệu mùa hè 2015 và đạt mốc 1.165 tỉ bảng mùa hè 2016).
Việc kỷ lục về số tiền chuyển nhượng các CLB chi ra trong mùa hè 2017 sẽ tiếp tục phá vỡ kỷ lục là điều đã được dự đoán trước, bởi mùa hè 2017 là kỳ chuyển nhượng đầu tiên Premier League giải ngân gói tiền bản quyền truyền hình giai đoạn 2016-19. Theo công bố trước đó, Premier League thu về 5.136 tỉ bảng từ tiền bán bản quyền truyền hình giai đoạn 2016-19, tăng 71% giá trị so với gói trước đó. Vậy nên, việc các CLB gia tăng chi tiêu là điều dễ hiểu.
Để thấy sự liên quan giữa việc các CLB nhận được nhiều tiền từ bản quyền truyền hình với số tiền chi ra cho chuyển nhượng, hãy so sánh mùa hè 2014 và 2017 - hai kỳ chuyển nhượng đầu tiên sau khi giải ngân gói bản quyền truyền hình giai đoạn mới.
Năm 2014, Chelsea bán Romelu Lukaku cho Everton với giá 28 triệu bảng, còn Swansea chiêu mộ Sigurdsson từ Tottenham với giá 6.8 triệu bảng. Năm 2017, Lukaku rời Everton đến tới Man Utd với giá 75 triệu bảng (tăng 168%), còn Sigurdsson được cho cũng sắp rời Swansea để tới Everton với giá được cho là 50 triệu bảng (tăng 635%).
Tất nhiên những sự so sánh này vẫn khá khập khiễng bởi sau ba năm, việc các cầu thủ tăng giá là chuyện bình thường nếu phong độ tốt. Tuy nhiên, việc giá trị tăng một cách chóng mặt (168% hay 635%) vẫn thể hiện sự bất thường.
|
So sánh 10 thương vụ đắt nhất tại chuyển nhượng Premier League mùa hè 2014 và 2017. |
Để có cái nhìn chính xác hơn, hãy so sánh những bản hợp đồng đắt nhất giữa năm 2014 và 2017. Trong cả mùa hè 2014, Angel Di Maria từ Real Madrid đến Man Utd là bản hợp đồng có giá trị chuyển nhượng cao nhất có giá 59.7 triệu bảng, đồng thời cũng chỉ có 5 bản hợp đồng có giá trị trên 30 triệu bảng.
Nửa kỳ chuyển nhượng mùa hè 2017 trôi qua, Premier League chứng kiến 9 bản hợp đồng có giá từ 30 triệu bảng đổ lên, trong đó đắt nhất là Romelu Lukaku với con số 75 triệu bảng khi chuyển từ Everton đến Man Utd.
Rob Wilson, giảng viên Đại học Sheffield Hallam thừa nhận xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn: "Tôi cũng không biết giá trị của những bản hợp đồng chuyển nhượng tại Premier League có tăng lên không, bởi lẽ các kênh như Sky Sports hay BT Sports vẫn chưa đạt đến số lượng thuê bao họ mong muốn. Thông thường thì giá trị chuyển nhượng sẽ không tăng lên trong vòng 5 năm tới, dù cho các gói bản quyền truyền hình quốc tế sẽ tăng lên".
* Bài viết có sử dụng số liệu thống kê từ BBC.
Như Đạt (TTVN)