- TTCN tại Premier League bất cập về mặt thời gian
- Cựu "Quỷ đỏ" Rio Ferdinand chính thức khoác áo tân binh Premier League
- Công nghệ bọt sơn tự hủy có thể xuất hiện ở Premier League
Những ví dụ từ quá khứ
Lúc này, Portsmouth đang phải vật lộn ở giải hạng Ba của nước Anh (League Two). Tuy nhiên, câu chuyện về sự phung phí của họ khi còn chơi tại Premier League vẫn còn nguyên tính thời sự.
Cách đây 7 năm, vào tháng 7 năm 2007, John Utaka trở thành bản hợp đồng kỷ lục trong lịch sử Portsmouth khi gia nhập từ Rennes với mức phí 7 triệu bảng. Thế mà anh chỉ mất hai năm rưỡi gắn bó để trở thành cục nợ của đội bóng.Premier League không thiếu hàng hớ giá cao như Andy Carroll của Liverpool, đến CLB với giá 35 triệu bảng cách đây 3 năm, một ví dụ điển hình của sự lãng phí.
Mùa giải đầu tiên của Utaka trong màu áo Portsmouth trôi qua khá ấn tượng, với 5 bàn trong 29 lần ra sân ở Premier League. Nhưng kể từ đó phong độ của Utaka xuống dốc thảm hại, trong khi Portsmouth rơi vào khủng hoảng tài chính đầu năm 2010 và vẫn phải è cổ trả khoản lương lên tới 80.000 bảng/tuần.
Chelsea buộc phải bán Steve Sidwell cho Aston Villa vào năm 2008 sau khi cầu thủ này chỉ ra sân đúng 7 lần mà vẫn hưởng lương lên tới 50.000 bảng/tuần. Các cổ động viên sân Villa Park không hề lấy làm vui vẻ với quyết định của HLV Martin O’Neill, khi mà cầu thủ này chỉ ra sân có 45 lần trong 3 năm và bị coi là một người thừa không hơn không kém.
Cũng trong năm đó, Tottenham chiêu mộ David Bentley với mức giá lên tới 20 triệu bảng cùng mức lương hậu hĩnh lên tới 50.000 bảng/tuần. Những gì cầu thủ này làm được trong 5 năm ở sân White Hart Lane chỉ là con số 42 lần ra sân ở Premier League, ghi 3 bàn, và liên tục gặp rắc rối vì say rượu.
Mức độ phung phí tăng lên
11 năm sau khi tờ Observer Sport đề cập đến những bản hợp đồng lãng phí tiền của, thì vẫn còn đó những vị chủ tịch, giám đốc điều hành, giám đốc kỹ thuật hay các HLV mắc kẹt với những con nợ “đắt tiền”. Năm 2003, Duncan Ferguson của Everton (10 mùa giải, 59 bàn) và Seth Johnson của Leeds (7 triệu bảng từ Derby, 15 lần đá chính, 1 bàn, 35.000 bảng/tuần) là những bản hợp đồng sai lầm đắt giá nhất. 7 năm sau, cùng với Utaka, Bentley là những Ryan Babel của Liverpool (ký hợp đồng 5 năm kèm mức lương 45.000 bảng/tuần) và một số cầu thủ của Newcastle, những người lĩnh lương tới hơn 50.000 bảng/tuần.
Theo hãng kiểm toán uy tín Deloitte, quỹ lương các đội bóng tại Premier League càng ngày càng có xu hướng vượt xa chi phí chuyển nhượng. Năm 2003, các đội bóng chỉ phải bỏ ra 548 triệu bảng để trả lương cầu thủ. 5 năm sau, con số này tăng lên tới 787 triệu bảng. Còn ở mùa giải năm ngoái (2013-14), 20 đội bóng tại Premier League đã chi tới 2,2 tỷ bảng để trả tiền lương cho các cầu thủ. Trong khi đó, cũng ở năm 2003, các đội bóng chi 248 triệu bảng để mua sắm cầu thủ. Mùa 2013-14, số tiền ấy đã tăng gần gấp ba, lên 760 triệu bảng.
Cựu HLV của Tottenham David Pleat đã phải than phiền về tình trạng này: “Tốc độ gia tăng của quỹ lương đang ở mức phi mã. Nói cách khác, các câu lạc bộ đang phải bỏ ra số vốn quá lớn trước khi nhìn thấy dòng tiền trở lại. Nếu bạn phải trả một mức phí quá cao, sẽ chẳng dễ dàng gì để thanh lý cầu thủ nếu kết quả không như ý. Có những trường hợp như Portsmouth đã phải trả giá quá đắt cho những gì họ coi là tài sản đầu tư vì mục tiêu ngắn hạn. Rất nhiều đội bóng sở hữu những cầu thủ thu nhập cao ngất ngưởng đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải”.
Chưa thể biết được mùa giải này mức độ phung phí của các đội tại Premier League ra sao. Nhưng những lời cảnh báo từ quá khứ rõ ràng không thừa chút nào.
Theo Thể Thao Văn Hoá