Rất nhiều người đã chờ đợi một phản ứng dây chuyền nào đó, khi Man City có được chữ ký của Patrick Vieira từ Inter. Nhưng rồi sau vào ngày ầm ỹ, câu chuyện về sự “già hoá” giải Ngoại hạng đã bị lấp kín bởi hàng loạt trận đá bù. Hoặc các ông lớn thực sự không có nhu cầu tăng cường lực lượng, hoặc là những mục tiêu của họ đều chưa đến. Dù thế nào đi nữa, sự thờ ơ của Big Four cũng như phần còn lại đã khiến các chuyên gia dự đoán chưng hửng. Trong suốt 1 năm qua, một xu hướng đi xuống đã được hình thành. Premiership bán nhiều hơn mua, mua trong nội bộ nhiều hơn nhập ngoại, và thay vì bỏ tiền, họ vẫn đang trung thành với các kế hoạch mượn, hoặc đưa về các cầu thủ tự do.
Năm trước, Premiership đã có tới 7 bản hợp đồng đạt giá trị trên 10 triệu bảng. Đó là thời điểm Man City làm tan băng thị trường chuyển nhượng với những cú áp phe ngoạn mục. Lúc ấy, ngay cả một Arsenal “thắt lưng buộc bụng” cũng rất nỗ lực đàm phán để đưa về ngôi sao Andrei Arshavin từ Zenit. Tính cả tháng 1-2009, Premiership đã chi tổng cộng 175 triệu bảng cho mua sắm. Vào lúc này, chắc chắn không ai dám nói tới con số ấy.
Patrick Vieira: Bản hợp đồng đáng chú ý nhát đến thời điểm này của nước Anh |
Trên thực tế, ngay từ mùa Đông năm ngoái, giải Ngoại hạng đã có dấu hiệu đi xuống cùng cơn bão khủng hoảng tài chính. Dù đã đạt doanh số đáng ngưỡng mộ, nhưng xu hướng mượn cầu thủ đã lan tràn khắp Premiership. Khi ấy, ngoài khoản đầu tư của Arsenal cho Arshavin, cả Chelsea và Liverpool đều không mua, trong khi M.U chỉ đưa về 2 cầu thủ trẻ. Năm nay, mọi chuyện dường như lại tái diễn. Bất chấp những cảnh báo về lực lượng và lịch thi đấu dày đặc, các đội bóng lớn đã tiếp tục ngoảnh mặt với những thương vụ từ lâu tưởng chừng chỉ dành riêng cho họ.
Cho đến hết ngày 24-1, trên 2/3 số hợp đồng chuyển nhượng ở Premiership đều là mượn và cho mượn. Cái tên “chịu chơi” nhất giải Ngoại hạng là... Birmingham, với thương vụ được công bố là... 3 triệu bảng với Michel từ Sporting Gijon. Số còn lại, nếu không là chuyển nhượng từ do hoặc cho mượn, thì cũng là các hợp đồng nhỏ không tiết lộ giá trị. Tất nhiên, trong những ngày cuối của kỳ chuyển nhượng, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhưng khi hầu hết các đội bóng sừng sỏ đều công bố quỹ đầu tư hạn chế và các khoản nợ khổng lồ, đó chẳng nào một tuyên bố bỏ cuộc.
Khi Aston Villa nói chỉ sẵn sàng bỏ ra khoảng 5 triệu để mua trong mùa Đông, điều đó chẳng khác nào chuyện họ giữ nguyên lực lượng. Còn với Arsenal, ngay cả khi Wenger được phép sử dụng tới 30 triệu, các Pháo thủ vẫn chưa biết họ sẽ có thêm một cầu thủ nào ngoài tài năng trẻ Galindo và lão tướng Sol Campbell. Sau khi sử dụng Diouf ở vài trận vừa qua, Man Utd cũng không có ý định mua thêm khi chưa tận dụng hết những hợp đồng từ mùa hè. Chelsea nói không, và Liverpool cũng im lặng.
Từ mùa đông năm 2009 cho tới mùa hè, Premiership đã tạo ra xu hướng chỉ toàn bán, và mua cầm chừng. Tới lúc này, xu thế tiết kiệm, hoặc bảo vệ bền vững của đội hình đã hiện rõ. Không thể nói các đội bóng lớn đều đang ổn định và không bị khủng hoảng lực lượng, nhưng rõ ràng, họ đều đang thắt chặt kinh tế vì một lý do nào đó. Hoặc bởi sức ép từ các khoản nợ của họ, hoặc tất cả đang chờ tới mùa hè.
Có lẽ, người ta sẽ tin vào vế thứ nhất nhiều hơn.
"Đại gia" mùa Đông: Birmingham Trong bối cảnh những đội bóng giàu có im tiếng trên thị trường chuyển nhượng, hiện tượng của mùa giải này là Birmingham đã trở thành "đại gia" của mùa Đông. Hai vụ mua sắm đắt giá nhất của Premier League ở kỳ chuyển nhượng tháng Giêng này đều thuộc về Birmingham: mua Michel từ Sporting Gijon và mới nhất là Craig Gardner từ Aston Villa cùng giá 3 triệu bảng. Birmingham hiện đang theo đuổi Ryan Babel của Liverpool và có tin đồn họ sẵn sàng chi ra 9 triệu bảng. |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)