Cuộc họp khẩn ở Stamford Bridge về tương lai của Antonio Conte đã cho ra kết quả tốt đẹp, tạm thời hàn gắn rạn nứt đôi bên về vấn đề mua bán khiến HLV người Ý tức tối dọa bỏ việc chỉ sau một năm. Tuy nhiên, Chelsea chắc chắn phải ý thức rõ sức nặng trong những lời hứa hẹn đổi thay chính sách chuyển nhượng của mình, bằng không cái giá phải trả sẽ là cực đắt.
Tháng Tư 2016, khi Chelsea chính thức đặt Antonio Conte ngồi vào chiếc ghế nóng Stamford Bridge, Marina Granovskaia, nữ giám đốc CLB nắm vai trò đạo diễn cả thương vụ này, chỉ ra điểm tích cực duy nhất có thể nghĩ tới về quyết định bổ nhiệm một tân HLV khi mùa giải đương thời vẫn còn cả tháng nữa mới kết thúc. “Xúc tiến càng sớm, việc lên kế hoạch cho tương lai càng được đảm bảo.” – “Bà đầm thép” của bóng đá tự tin phát biểu.
Ngay ngày hôm sau, truyền thông Anh điên cuồng với các mục tiêu chuyển nhượng tin đồn của Chelsea. Leonardo Bonucci, Edinson Cavani, Gonzalo Higuain, Kalidou Koulibaly, Romelu Lukaku, Kostas Manolas, Radja Nainggolan, Miralem Pjanic, Paul Pogba và Arturo Vidal đều được nhắc tên trên các chuyên mục báo liên quan đến một triều đại mới ở Stamford Bridge.
Conte không thể hài lòng khi Chelsea liên tục thất bại với các mục tiêu chuyển nhượng sáng giá từ hơn một năm qua |
“Lên kế hoạch cho tương lai” đã được đưa lên thành một cấp độ hoàn toàn mới vô cùng hứa hẹn, để rồi hơn bốn tháng sau đó, khán giả Premier League nào cũng nhận thấy điểm chung giữa từng ngôi sao trong danh sách “rút gọn” 10 cái tên phía trên: Chẳng có bất cứ ai ký hợp đồng với Chelsea trong kỳ chuyển nhượng hè 2016.
Bao nhiêu trong đám cầu thủ đó mà Conte thực sự khát khao theo đuổi và vồ hụt trong nỗi thất vọng, khó nói lắm. Tuy nhiên, chắc chắn một điều rằng ông không tiếp quản công việc huấn luyện mới toanh ở Chelsea, một CLB lớn vừa trải qua một mùa giải thảm họa, với điều kiện chỉ cần chiêu mộ hai tân binh trước ngày 24/08 và người thứ ba đến hôm sau là một thủ môn dự bị (Eduardo). Tận đến giờ chót của phiên chợ hè, Chelsea như thể mua sắm trong hoảng loạn, với 53 triệu bảng chi ra cho những cái tên rất đáng nghi ngại lúc đó là Marcos Alonso và David Luiz.
Chân ướt chân ráo cập bến Stamford Bridge, Conte không ngần ngại bày tỏ sự thất vọng với chính sách chuyển nhượng của Chelsea, và ông có quyền thể hiện thái độ đó của mình. Người ta bảo ông chớ nên kêu ca phàn nàn khi đã sẵn có N’Golo Kante. Tiền vệ người Pháp đúng là đã đổi thay cả Chelsea trên hành trình vô địch Premier League 9 tháng sau đó, nhưng đó là điều khó ai có thể trông mong từ anh ngày mới cập bến một đội bóng khủng hoảng. Tất cả dường như quên đi rằng chính Conte đã chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt” và ứng biến với những gì mình có trong tay.
Đừng nghĩ Conte dọa suông chuyện bỏ việc, Chelsea nên nhìn vào bài học của Juventus mà rút ra kinh nghiệm |
Có lẽ đó cũng là điều ấn tượng nhất về Conte trong mùa giải đầu tiên ở Chelsea, hơn cả chuyện ông đăng quang ngôi vô địch Premier League thuyết phục ra sao với những kỷ lục khó tin như thế nào. Vị chiến lược gia người Ý làm được tất cả những thứ đó với không một cầu thủ nào mà ông thực sự mong muốn đưa về, thay vào đó là những phương án B, C hay thậm chí D kết hợp với bộ khung rệu rã mới lê bước qua một năm thảm họa. Chắc chắn rồi, Conte không thể sớm phóng tác ra một đội hình chiến thắng với David Luiz ở trung tâm hàng phòng ngự hay những Victor Moses và Marcos Alonso chạy hai cánh.
Chelsea không thiếu tiền, ông chủ Roman Abramovich cũng không ngại tiêu tiền, chưa bao giờ là vậy. Thế thì lý do nằm ở đâu khiến nhà ĐKVĐ nước Anh chưa thể có bất kỳ động thái khả quan nào trên phiên chợ hè 2017 này, khi hai đối thủ quốc nội lớn nhất là Man Utd và Man City đều đã đồng loạt nổ những quả bom tấn với tổng giá trị xấp xỉ 100 triệu bảng?
Bổn cũ soạn lại, Conte lại phải lên tiếng về các kế hoạch bán mua chẳng hiểu được tính toán và thực thi như thế nào của giới thượng tầng, và ông tiếp tục đúng. Lần này, những bất đồng đôi bên dường như có chiều hướng trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến cuộc họp khẩn để quyết định tương lai của chính Conte. Viễn cảnh khiến NHM Chelsea lo sợ rất đã không xảy ra, Conte quyết định tiếp tục gắn bó, nhưng đồng thời cũng thử thách lòng kiên nhẫn của chính mình trong hơn hai tháng hè còn lại.
Conte hiểu và ông cần BLĐ Chelsea hiểu giống mình, rằng vô địch Premier League là một chuyện mà bảo vệ nó là chuyện khác, nhất là khi thầy trò ông giờ còn phải san sẻ mối bận tâm cho đấu trường Champions League. HLV người Ý có những yêu cầu khắt khe về chuyên môn cần nhận được sự hậu thuẫn 100% từ giới chủ. Và đừng nghĩ Conte chỉ biết dọa suông, chính Juventus đã phải trả giá năm 2014 với đơn từ nhiệm của ông vì không đáp ứng ngân sách shopping phục vụ cho cuộc viễn chinh ngoài trời Âu.
Không được đáp ứng hoàn chỉnh những yêu cầu mua bán dẫn đến sự xuống dốc về thành tích, cả Jose Mourinho và Carlo Ancelotti đều phải ra đi trong tức tưởi |
Stamford Bridge đang phảng phất cái cảm giác déjà vu. Những phiên chợ hè mua bán trầy trật của Conte phản chiếu mùa chuyển nhượng 2015 của tiền nhiệm Mourinho, giai đoạn báo hiệu cho khoảng thời gian cuối cùng trong kinh hãi của ông trên ghế nóng Chelsea. “Tiến đến mùa giải mới với đội hình nguyên si năm ngoái, trong khi các đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều đầu tư tiền tấn để tăng cường lực lượng, là một thách thức lớn.” – “Người đặc biệt” thở dài về tình hình chợ búa ảm đạm của đội nhà.
Chelsea đúng là đã đáp lại lời thỉnh cầu của Mourinho, nhưng sự chiều chuộng của họ thì như một trò đùa, với bốn “thùng rác vàng” Baba Rahman, Kenedy, Papy Djilobodji và Michael Hector. Mourinho cố gắng “cào cấu” gãy lưỡi mới được Pedro vừa kịp deadline, nhưng rồi bản hợp đồng 21 triệu bảng chỉ chứng tỏ được giá trị của mình sau đó tận một năm, thời điểm mà Mourinho đã đi xa lắm rồi, đã đi xa trong sự tức tưởi.
Không phủ nhận Mourinho phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho mùa giải thảm họa của Chelsea và trả giá bằng chính công việc của mình ngay trước thềm Giáng Sinh. Vậy nhưng có thể nói, chính BLĐ đội chủ sân Stamford Bridge đã tự tay đưa bút để ông ký vào trát sa thải và cả tờ giấy báo tử mang tên mình.
Đối xử phũ phàng với các thuyền trưởng trong chuyện mua bán dường như đã là truyền thống khó hiểu của Chelsea, từ thời Carlo Ancelotti. Phần thưởng cho cú đúp danh hiệu quốc nội ngay mùa giải đầu tiên cho Carletto chỉ là hai bản hợp đồng tầm trung Ramires và Yossi Benayoun. HLV người Ý buộc phải đôn năm cầu thủ trẻ chất lượng không cao lên từ học viện, để rồi 9 tháng sau cũng chịu kết cục tương tự Mourinho sau này.
Conte buộc phải nổi loạn gây rạn nứt nội bộ với giới chủ vì những gì tốt đẹp nhất cho Chelsea |
Trông vào bài học của hai người tiền nhiệm tài danh, Conte tự khắc biết mình phải đón đầu Chelsea trước, gây áp lực bằng chính chuyện đi ở của mình để thức tỉnh giới thượng tầng dường như vẫn đang ngủ quên trên chiến thắng. Một suy luận đơn giản: Nếu có phải ra đi thật, ai chẳng thích mình đường hoàng bước ra bất chấp mọi níu kéo, hơn là bị đá ra đường trong sự tức tưởi.
Kể cả chuyện bất đồng đã được giải quyết ổn thỏa hay có cơ hội làm việc với những HLV nền tính biết chấp nhận, cam chịu hơn Conte hay Mourinho, BLĐ Chelsea cũng không thể nhìn vào đó mà huyễn hoặc lúc nào cũng có thánh nhân giải quyết tốt đẹp mùa hè chuyển nhượng dở tệ của họ bằng một mùa giải phi thường tiếp nối.
Vì thành công không ngừng của đội bóng và duy trì yên ổn trong lòng nội bộ, Chelsea buộc phải chiều lòng Antonio Conte mà chơi lớn đến cùng trong kỳ chuyển nhượng hè 2017 này. Và với những mục tiêu Leonardo Bonucci, Kalidou Koulibaly, Tiemoué Bakayoko, Alexis Sanchez hay đặc biệt các tiền đạo Romelu Lukaku và Andrea Belotti trong thời buổi bão giá này , chỉ có lạc quan tếu lắm mới tin rằng kỷ lục 50 triệu bảng của Fernando Torres vẫn sẽ còn đứng vững ở Stamford Bridge sau hơn bảy năm.
Gia Khoa (TTVN)