"Thật thật, giả giả. Giả giả, thật thật". Trong bóng đá, không tiền đạo mà vẫn nguy hiểm hơn cả dàn tiền đạo. Ấy là cái hay của chiến thuật.
1. Gần đây, người ta hay nhắc tới chuỗi trận ấn tượng của Chelsea và Arsenal mà điển hình là trận Chelsea thắng Aston Villa 8-0 và trận Arsenal thắng Newcastle 7-3. Tất cả đều nhìn nhận một cách lạc quan coi đó như một sự hồi sinh mạnh mẽ của hai đội bóng lớn thành London. Và tất nhiên, họ hy vọng nhiều sau những màn trình diễn như thế.
Nhưng rồi, sau những hy vọng đến từ cơn mưa bàn thắng, vòng 21 là bi kịch của hai CLB ấy. Cả hai đều không ghi nổi một bàn thắng và Chelsea thậm chí còn thảm thương hơn, khi ngay tại sân nhà họ bị đội chót bảng Premiership là QPR giành lấy 3 điểm trọn vẹn. Hai kết quả ấy, hay cụ thể hơn là hai sự tịt ngòi đó, có đôi chút đối lập với nhau.HLV Benitez của Chelsea không có nhiều lựa chọn trên hàng công
Trong khi ở Arsenal, lực lượng tiền đạo rất đông, gồm Giroud, Chamakh, Gervinho, Podolski và Walcott thì ở Chelsea, những tiền đạo thực thụ chỉ là Torres, Moses và phần nào là Hazard mà thôi. Tình trạng đối lập ấy là sự đối lập giữa thiếu và thừa. Nhưng cả đội thiếu lẫn đội thừa đều rắp tâm săn tiền đạo ở giai đoạn mùa Đông này. Dễ hiểu, họ biết với thực lực hiện tại, họ khó duy trì được khả năng ghi bàn đều đặn. Mà bóng đá, dù là triết lý gì đi nữa, bàn thắng vẫn là cái đích mà các đội vươn tới.
2. Hơn một thế kỷ trước, trong trận bóng đá quốc tế đầu tiên của lịch sử môn thể thao này, trận Scotland gặp Anh ngày 30/11/1872, đội tuyển Anh xuất quân với 7 tiền đạo và chơi với đội hình chiến thuật 1-2-7. Còn đối thủ của họ, tuyển Scotland, ra quân với đội hình 2-2-6, với số tiền đạo cũng tương đương.
Quả là một cuộc biểu dương lực lượng tuyệt vời của các chân sút. Và kết cục của trận cầu ấy là như thế nào? Là 0-0, không đội bóng nào có thể kiếm tìm được cái mà bóng đá cần: bàn thắng. 135 năm sau ngày đầu tiên ấy, người ta bắt đầu manh nha một thứ bóng đá mới, thứ bóng đá được gọi là “không trung phong”.
Khởi đầu từ những toan tính của Sir Alex ở trận M.U gặp AS Roma lượt về tứ kết Champions League 2006/07 sau khi đã thua 1-2 ở lượt đi, M.U đã đối diện Roma với đội hình trên sân là 4-2-4-0. Còn Roma, họ chơi theo sơ đồ 4-1-4-1-0 và đôi khi là 4-1-5-0 với Totti chơi cao nhất trong số 5 tiền vệ dù anh là một số 10 điển hình. Kết thúc trận cầu không trung phong ấy, M.U thắng 7-1, một kết quả khác hẳn 135 năm trước khi hai đội bóng có đến 13 tiền đạo trên sân.
Và sau mùa bóng đó, Fergie đã biến thể M.U nhiều, bằng cách thêm một vị trí cầm nhịp ở giữa sân, để biến đổi đội bóng của mình đôi khi chơi thành 4-3-3-0. Mùa ấy, M.U vô địch Premiership lẫn Champions League.
3. Hồi mùa 2009/10, Chelsea vô địch Premiership với 103 bàn ghi được, số bàn thắng nhiều nhất trong lịch sử đội bóng ấy ở Premiership. Và trong đội hình, họ chỉ có Drogba, Anelka và hai cầu thủ trẻ là Kakuta, Borini là có khả năng chơi trung phong mà thôi. Đó là quân số vừa đủ một cách hoàn hảo. Song, hoàn hảo hơn là vì họ có thứ khác. Đó là cả một đội hình (trừ thủ môn) biết cách ghi bàn khi cần.
Mùa trước, Van Persie là Vua phá lưới của Premiership nhưng Arsenal chỉ ghi được có 74 bàn. Van Persie là một trung phong hoàn hảo song Arsenal lại không phải là đội bóng hoàn hảo. Đơn giản, họ có một tập thể không biết cách ghi bàn khi cần. Và câu chuyện cuối cùng, sau vòng 21 không có bàn thắng của Chelsea lẫn Arsenal (1 cầu thủ Southampton đá phản lưới nhà), chính là câu chuyện của bóng đá hiện đại hôm nay.
Đó là hãy tìm những cầu thủ biết ghi bàn thay vì chỉ tìm quân số những người được gọi là trung phong…
Hà Quang Minh - Bongdaplus.vn