Người Pháp hay mỉa mai chữ “nếu”. Họ bảo rằng chỉ với chữ ấy thôi là có thể cho Paris vào trong một cái chai.
1. Tuần trước, David Beckham đưa cả 2 con trai Romeo và Brooklyn đến cổ vũ cho Man United tại Upton Park (trận đấu có kết quả hòa 2-2, và dẫn tới trận đá lại vào đêm nay). Sự xuất hiện ấy làm người ta nhớ lại chuyến viếng thăm của anh đến sân bóng này tháng 8/1998 – một trong những cuộc làm khách khó khăn nhất lịch sử Premier League.Evra và Sir Alex
Đó là khi mà đội tuyển Anh vừa bị loại khỏi World Cup 1998, điều mà theo quan điểm của phần đông CĐV nước này, có lỗi lớn của Becks, người bị đuổi trong trận gặp Argentina sau pha phạm lỗi với Diego Simone. Một “kẻ thù quốc gia” đúng nghĩa.
Gạch đá và chai lọ được ném về phía hàng ghế huấn luyện M.U trước khi bóng lăn. Becks bị la ó trong mọi pha phạm bóng. Đó là trận ra mắt của Dwright Yorke, người cuối mùa đoạt Chiếc giày Vàng, nhưng tỷ số là 0-0. Toàn bộ các thành viên M.U từ chối trả lời phỏng vấn sau trận.
M.U đã khởi đầu mùa giải 1998/99 đầy nhọc nhằn như thế. Sau 5 trận đầu, có 2 trận hòa trước West Ham và Leicester, thua đau đớn Arsenal 0-3. Đến tháng 12, lại một cú trượt nữa: 3 trận đầu tháng 12 bị cầm hòa, tiếp theo là một thất bại trước Boro.
Thế mà rồi mọi thứ trở thành huyền thoại. Một cú ăn 3 vào cuối mùa tạo ra vị thế của Man United như chúng ta thấy ngày hôm nay: CLB giàu có nhất thế giới, thương hiệu thể thao mạnh nhất thế giới, Sir Alex được phong tước Hiệp sỹ, tất cả đều đến vào mùa Hè năm 1999.
2. Sir Alex tuyên bố rằng đội hình ông đang sở hữu có thể so sánh với đội hình năm 2008, khi họ đoạt cú đúp Champions League và Premier League. Nhưng Patrice Evra, người có năng khiếu ngôn ngữ nhất trong đội hình M.U (thành thạo 5 ngoại ngữ), lại có một cách nói khác. “Tôi sẽ đồng ý với những gì sếp nói vì ông ấy là người lãnh đạo. Nếu chúng tôi đoạt cú ăn ba mùa này, tôi sẽ nói rằng đó là đội hình tốt nhất mình từng chơi cùng”.
Người Pháp hay mỉa mai chữ “nếu”. Họ bảo rằng chỉ với chữ ấy thôi là có thể cho Paris vào trong một cái chai. Nên cái việc thêm mệnh đề “nếu đoạt danh hiệu” của Evra vào thể hiện anh đang bình tĩnh hơn Sir Alex. Mà anh không chỉ dùng một lần. “Rất khó để so sánh. Nếu chúng tôi đoạt Champions League và Premier League, lúc đó mới so sánh được”. Và anh kết luận: “Cuối cùng thì chúng tôi vẫn sẽ phải có danh hiệu”.
3. Một hành trình đẹp chưa chắc đưa đến một cái kết tốt, và ngược lại. M.U đang trải qua một hành trình đẹp, nhưng thực tế lịch sử nói rằng chiến công vĩ đại nhất lịch sử của họ, không đến từ một mùa giải “thắng như chẻ tre” theo kiểu Barcelona năm 2009 hay 2011.
Quan trọng, đúng như lời Evra nói, là kết quả nào sẽ chờ đợi ở cuối mùa giải. Bởi thời gian qua đi, trí nhớ con người có hạn, thứ đọng lại sẽ chỉ là những danh hiệu, chứ không mấy khi là những khoảnh khắc ghi bàn của Van Persie.
Việc M.U liên tục thắng, chưa trải qua một chuỗi 3 trận liên tiếp nào không thắng suốt từ đầu mùa, chỉ nên coi là một tiền đề, chứ không phải là một biểu hiện của đẳng cấp. Tuyên bố rằng đội hình M.U đang đứng ở chỗ này, chỗ kia trong lịch sử thì dễ dàng quá. Evra phải “chỉnh lý” bằng cách thêm một chữ “Nếu” vào. Bởi rõ ràng, là những người phía Đông thành Manchester giờ phút này cũng vẫn có quyền nói những chữ “Nếu” của họ.
Đức Hoàng - Bongdaplus.vn