Arsenal khó lòng tiến xa khi mà những chủ nhân của đội bóng, hai tỉ phú Stan Kroenke và Alisher Usmanov, không chấp nhận nói chuyện với nhau.
Khi thực hiện một trong những chuyến đi hiếm hoi của ông tới London thăm đội bóng thuộc sở hữu của ông mùa vừa rồi, Kroenke được những người làm công của mình đảm bảo về một tầm nhìn dài hạn và sự ổn định tài chính cho Arsenal. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, Kroenke hẳn đã nhận ra rằng ít nhất có một nhóm không nhỏ những CĐV ở Emirates không còn tin vào "mô hình bền vững" nữa.
Sự khác biệt là rất lớn giữa những cổ đông nhỏ, hầu hết là người hâm mộ muốn nhìn thấy các danh hiệu và một nhà đầu tư lớn coi Arsenal là khoản đầu tư để nhắm tới việc bán lại trong tương lai. Lá thư công khai gửi từ Usmanov, người sở hữu 30% CLB, trong tuần này đã bộc lộ rõ những chia rẽ ở đội bóng áo đỏ-trắng. Hai nhà tài phiệt là những cổ đông chính thậm chí không bận tâm gặp nhau lấy một lần từ trước đến giờ, cho tới khi cuộc chiến tranh công khai giữa họ bùng nổ.Kroenke (phải) và Usmanov không chấp nhận nói chuyện với nhau
Tình hình thật khó chịu. Arsenal thuộc sở hữu hai tỉ phú, nhưng không ai muốn bỏ tiền cho đội bóng. Kroenke và Usmanov là đối tác kinh doanh và cùng chia sẻ lợi ích chung tại Emirates, trên lý thuyết, nhưng họ không nói chuyện với nhau. Cả hai đều cần Arsenal thành công và giành những danh hiệu để có thể thu lợi từ khoản đầu tư của mình, nhưng không ai chịu ai trong việc làm điều đó như thế nào. Không cần phải là Warren Buffett mới nhận ra rằng đó không thể là cách điều hành thành công một doanh nghiệp.
Arsenal khó có thể đạt được những tiến bộ nghiêm túc nếu như tình trạng chia rẽ hiện giờ tiếp diễn. Tuyên bố của Usmanov bày tỏ sự thất vọng của ông về cuộc thương lượng đổ vỡ với Robin van Persie, ngoài việc thể hiện sự quan tâm, còn có ý đồ rất rõ là để tập hợp sự ủng hộ cho thay đổi, khi nhà tài phiệt người Uzbekistan từ lâu đã lăm le thôn tính luôn đội bóng từ tay Kroenke. Lựa chọn ở Emirates lúc này là khá rõ ràng: ủng hộ tỉ phú Mỹ và duy trì nguyên trạng, hoặc nếu không chống lại được những nhà giàu mới nổi, thì tốt nhất là trở thành một kẻ như thế.
Kết quả là hiện giờ xuất hiện hai phe phái chống đối khá rõ ràng ở Arsenal. Rất ít đội bóng có thể chiến thắng nếu bị chia rẽ như vậy. Tình hình thiếu lành mạnh này chỉ có thể khiến áp lực thêm gia tăng với HLV Arsene Wenger và các cầu thủ của ông. Trong khi chiến lược gia người Pháp luôn né tránh bày tỏ quan điểm của ông về việc ủng hộ hai trong số hai ông chủ và các cầu thủ hiếm khi dính líu tới việc kinh doanh tại CLB, rất khó tranh cãi là Arsenal đang chật vật với cấu trúc như hiện giờ.
Bầu không khí trong ban quản trị rất khác với quá khứ, khi những cuộc họp hàng tháng ở Highbury tề tựu các thành viên trong hội đồng đều là những CĐV lâu đời thảo luận mọi thứ về CLB từ mục tiêu dài hạn tới những vụ chuyển nhượng mới nhất. Hội đồng quản trị hiện giờ không những kém dân chủ hơn, mà do sự thờ ơ của Kroenke và mục tiêu không ngay thẳng của Usmanov, không ai suy nghĩ vì đội bóng. Mục tiêu lợi nhuận đang được đặt lên hàng đầu và Arsenal ngày càng giống một công ty Mỹ.
Ban quản trị đó cũng không chịu thay đổi về cấu trúc “bền vững”. Một người phát ngôn Arsenal mới đây chỉ ra rằng đội bóng đã có 15 mùa giải liên tiếp tham dự Champions League và không e ngại chi tiền trên thị trường chuyển nhượng với khoản chi mua sắm 75 triệu bảng năm tài khóa vừa rồi và đã bỏ thêm 20 triệu bảng trong mùa hè này, với triển vọng sẽ còn thêm những khoản khác nữa. Tuy nhiên, Premier League không phải là một giải đấu trong bối cảnh bình thường để có thể hài lòng với thành tích như thế, nhất là với những đối thủ như Chelsea và Manchester City.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)