Ghi tới 7 bàn trong một trận đấu, có lý khi HLV Carlo Ancelotti nhìn nhận trận thắng Sunderland là ấn tượng nhất từ đầu mùa. Quả là một cú hích ý nghĩa trong mùa Đông giá lạnh, nhưng quan trọng hơn, đã bước đầu cho thấy cỗ máy Chelsea vẫn vận hành trơn tru khi vắng 4 trụ cột về dự CAN 2010.
Ấn tượng miếng “đánh biên”
Chưa bao giờ, Chelsea ghi nhiều bàn thắng như thế trong một trận đấu. Cũng chưa bao giờ, dưới sự dẫn dắt của HLV Carlo Ancelotti, The Blues tấn công biên hiệu quả đến vậy. Ngoài 2 bàn thắng của Anelka và Malouda xuất phát từ trung lộ, cả 5 bàn thắng sau đều được tổ chức bài bản và kết thúc hoàn hảo từ các pha phối hợp ở 2 bên cánh.
Thực tế, HLV Ancelotti từng khẳng định ông buộc phải có những điều chỉnh nhất định về cả chiến thuật, lối chơi lẫn con người trong bối cảnh nhiều trụ cột về dự CAN 2010. Đáng chú ý nhất trong sự thay đổi này là Ancelotti tạm gác lại sơ đồ hình kim cương ưa thích, thay vào đó trao nhiều cơ hội hơn cho các chuyên gia đá biên như J.Cole, Malouda hay Zhirkov…Chelsea đã thể hiện họ là đội bóng có lối chơi đa dạng bậc nhất nước Anh
Mong muốn của Ancelotti đơn giản chỉ là đạt kết quả tốt trong giai đoạn thiếu hụt nhân sự. Bản thân chiến lược gia người Italia không thể ngờ các học trò lại thích ứng nhanh đến thế. A.Cole có lẽ đã ghi bàn thắng đẹp nhất trong sự nghiệp. Ballack, Lampard và Anelka ung dung ghi điểm sau từng cú tạt chính xác của đồng đội từ 2 cánh.
Vẫn biết mọi sự thay đổi bao giờ cũng chứa đựng tính rủi ro, nhưng HLV Ancelotti nên yên tâm bởi chỉ từ khi ông xuất hiện, lối chơi biên của Chelsea mới bị hạn chế đi nhiều. Còn trước đó, từ Mourinho, Grant đến Hiddink, phương án đánh biên bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Thế mới có chuyện những nhân tố như Malouda, Joe Cole, Roben, Duff… từng rất được cưng chiều tại Stamford Bridge.
Không chỉ là tạm thời?
Bóng đá Italia khác bóng đá Anh ở tốc độ chơi bóng. Điều đó lý giải vì sao khi còn ở AC Milan, Ancelotti không thể lạm dụng tấn công biên. Sơ đồ kim cương khi đó hẳn là lựa chọn tối ưu. Nhưng môi trường Premiership với đa phần các cầu thủ có thể lực tốt, tốc độ cao và khả năng tạt bóng điêu luyện có vẻ chưa thực sự hợp với lối đá trung lộ. Thực tế ấy từng khiến “hình kim cương” Ancelotti cố gắng lắp vào Stamford Bridge gặp nhiều bất cập.
Thế nên, chiến thắng 7-2 trước Sunderland, với 5 bàn thắng là kết quả từ miếng đánh biên, đã gợi mở cho Carlo Ancelotti nhiều điều. Trong đó, quan trọng nhất chính là sự kết hợp, đan xen giữa phong cách chơi trung lộ - sở trường của Carletto - với lối đá biên mà nhiều ngôi sao Chelsea đã được đào tạo bài bản. Nếu làm được điều đó, không những Ancelotti sẽ không lâm vào cảnh khiên cưỡng “bắt cá leo cây”, mà có thể sau quãng thời gian làm việc trên đất Anh, ông sẽ tích lũy được vốn kinh nghiệm mới, nếu thực sự quyết tâm điều chỉnh bản thân mình để thích ứng.
Phát biểu với báo giới sau khi đưa ĐT Anh dự VCK World Cup 2010, HLV Fabio Capello từng thổ lộ, không phải ông buộc các tuyển thủ Anh phải thay đổi theo ý tưởng và phong cách chơi đậm chất Italia của ông mà thực chất, chính Capello đã tự làm mới mình để có thể hòa nhập với trường phái bóng đá Anh.
Ancelotti, dĩ nhiên, không phải Capello. Nhưng phàm là những người Ý cầm quân trên đất Anh thì đều có những thuận lợi, khó khăn chung. Capello đã cùng người Anh bước qua thử thách đầu tiên. Còn Carletto, Chelsea với đặc trưng đá biên kiểu Anh truyền thống, sẽ không chỉ cùng ông vững bước qua mùa Đông?
(Theo báo Bóng Đá)