Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Chelsea và miền Viễn Tây hoang dã của bóng đá

Thứ Năm 11/09/2014 08:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Chelsea hiện có 26 cầu thủ đang thi đấu cho các đội khác theo dạng cho mượn, còn nhiều hơn danh sách đăng ký chính thức chơi ở Premier League cả mùa của họ.

Hệ thống cho mượn cầu thủ đang trở thành miền Viễn Tây hoang dã của bóng đá, khi các CLB trở thành những anh cao bồi lợi dụng việc luật lệ còn thiếu chặt chẽ để hành xử theo cách thu về lợi ích tối đa bất chấp những hậu quả với cộng đồng bóng đá.

Từ AC Milan tới Chile

Tuần này các cầu thủ thuộc sở hữu Chelsea phải về phục vụ ĐTQG sẽ quay lại CLB, nhưng tới 26 người không trở lại sân tập của đội bóng ở Surrey, mà là khắp nơi ở Anh, châu Âu, và trong trường hợp của hậu vệ cánh Cristian Cuevas, Chile xa xôi. Rất nhiều người trong số đó chưa một lần khoác lên người chiếc áo xanh của Chelsea, và không ít người sẽ không bao giờ có cơ hội đó.

Fernando Torres (phải) và Marco van Ginkel (trái) đều đang được Chelsea đẩy sang AC Milan theo dạng cho mượn.
Fernando Torres (phải) và Marco van Ginkel (trái) đều đang được Chelsea đẩy sang AC Milan theo dạng cho mượn.

Quy mô của hệ thống cho mượn cầu thủ tại Chelsea nhằm tận dụng việc luật lệ với vấn đề này chưa chặt chẽ đã đặt ra nhiều câu hỏi về quản trị bóng đá, với những hậu quả khó lường không thể đoán trước. Mùa giải này, cả một đạo quân các cầu thủ Chelsea mang cho mượn sẽ chơi ở Premier League, Football League (hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Anh dưới Premier League), cùng rất nhiều đội ở khắp châu Âu trên thực tế là sân sau của đội bóng London ở Hà Lan, Pháp, Đức, TBN và Italy.

Những cầu thủ được cho mượn, có giá tổng cộng vào khoảng 100 triệu bảng, bao gồm từ những tuyển thủ quốc gia kỳ cựu với các khoản phí chuyển nhượng lớn như Marco van Ginkel và Victor Moses, cho tới những cậu bé non choẹt mới 16-17 tuổi từ nước ngoài chuyển tới và chưa xin được giấy phép lao động.

Ngay cả Fernando Torres, chữ ký kỷ lục của CLB, cũng đang bị mang “cho mượn” ở Milan với thời hạn 2 năm. Với việc Torres cũng còn lại đúng 2 năm hợp đồng với Chelsea, không ai nghĩ anh sẽ còn có ngày quay về Stamford Bridge. Chelsea cũng không phải là đội duy nhất tận dụng hệ thống cho mượn cầu thủ. Một số chữ ký lớn, như Radamel Falcao chuyển tới Man United, cũng núp bóng một thỏa thuận mượn cầu thủ.

Tuy nhiên, Chelsea là đội thu hút nhiều sự chú ý nhất. Họ sẽ tranh luận rằng đội bóng đã mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để phát triển một mạng lưới tuyển lựa cầu thủ quốc tế, xây dựng quan hệ với các CLB khác và tạo mọi cơ hội cho các cầu thủ của mình phát triển sự nghiệp.

Lợi ích lớn cho Chelsea

Chelsea cũng không làm gì khuất tất. Trang chủ của họ liệt kê đầy đủ các cầu thủ được mang cho mượn đồng thời theo dõi sự tiến bộ của họ ở các giải đấu. Đã đầu tư mạnh tay cho hệ thống đào tạo trẻ với các đội bóng giành cả 2 chức vô địch FA trẻ và Premier League trẻ mùa trước, mạng lưới cho mượn cầu thủ của họ lại càng dễ hiểu.

Giám đốc kỹ thuật của đội, Michael Emenalo, là một trong những người bảo vệ chiến lược này nhiệt thành nhất. “Chúng tôi cho rằng đó là cách tốt nhất. Chúng tôi xác định với các cầu thủ trẻ, giai đoạn 18-21 tuổi là khó khăn và quan trọng nhất, giai đoạn quyết định xem họ có đủ sức chơi cho đội 1 Chelsea hay không”, Emenalo nói. “Tốt hơn hết là họ ra đi theo dạng cho mượn tới những nơi họ được ra sân và cạnh tranh vì điều đó. Vì cả những lý do phát triển thể chất và tâm lý, ở lứa tuổi đó như thế là tốt nhất cho họ”.

Tài chính là một lý do khác. Trong 1 năm, thậm chí vài năm, Chelsea có thể loại tên những người họ mang cho mượn khỏi danh sách lĩnh lương (thường thì đội mượn cầu thủ sẽ trả lương, kèm theo một khoản phí hoặc không), và qua đó giúp họ tuân thủ tốt hơn luật công bằng tài chính (FFP) của UEFA.

Cuối cùng, Chelsea gần như đã tự họ phát triển một ngành kinh doanh mới trong lĩnh vực cho mượn cầu thủ. Romelu Lukaku, chân sút người Bỉ từng được ca ngợi là Didier Drogba mới khi tới CLB vào năm 2011 với mức phí 19 triệu bảng, đã được bán cho Everton mùa hè qua với giá 28 triệu bảng sau 2 mùa cho mượn liên tục ở West Brom và Everton. Thibaut Courtois là một ví dụ khác. Anh tới từ Genk năm 2011 với giá 7,9 triệu bảng, nhưng sau 2 mùa chơi rất hay ở Atletico Madrid theo dạng cho mượn, anh trở lại Chelsea, lấy mất chỗ của thủ thành kỳ cựu Petr Cech và giờ được định giá ít nhất phải 30 triệu bảng.

Tuy nhiên, trong khi Chelsea được lợi, nhiều mặt trái của hệ thống này đã không được đánh giá đầy đủ.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Nhân dịp Arsenal đang đạt được vị thế một ứng cử viên cho chức vô địch Premier League mùa giải này dựa trên “nền móng” là cặp trung vệ Gabriel Magalhães và William Saliba, sẽ rất thú vị nếu chúng ta tiến hành một cuộc “điều tra” về tình trạng hiện tại của các tổ hợp trung vệ còn lại ở giải đấu này.

Video

Xem thêm
top-arrow
X