Lời giải thích đơn giản nhất cho thành công của Man City và Chelsea vài năm qua: Họ đã đổ hàng trăm triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng. Họ là trọc phú ăn xổi, không có truyền thống, và tự hào.
1. Chelsea đã trở thành một thế lực thực sự dưới kỷ nguyên Roman Abramovich, với 3 chức vô địch Premier League, 4 FA Cup và một Champions League. Man City là đội chơi hấp dẫn và có chiều sâu nhất giải Ngoại hạng vào thời điểm này. Nhưng quan niệm về họ chưa thay đổi. Đây vẫn chỉ là chiến tranh kim tiền, không phải của truyền thống, lịch sử, và màu cờ.
Chelsea và Man City, trên thực tế, là những CLB lâu đời bậc nhất của bóng đá Anh. Chelsea là đội bóng của giới cần lao ở London, có lịch sử 108 năm. Man City còn lâu đời hơn thế: 134 năm. Họ là đội đầu tiên lập kỷ lục về số khán giả trong một trận đấu ở nước Anh, với hơn 84 nghìn khán giả đến sân Maine Road để xem trận đấu giữa họ và Stoke ở vòng 6 FA Cup.
Tiền chỉ là chất xúc tác để những trang lịch sử ấy được lật lại. Và thật ra, không có đội bóng nào thành công mà không cần đến nó cả: Hãy hỏi Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich, hay bất kỳ CLB lớn nào trên Thế giới. Nếu nói về sự xa hoa, thì chính sách Galacticos của Madrid mới là chiến dịch chuyển nhượng đắt đỏ và phá nhiều kỷ lục nhất trong lịch sử.
2. Tiêu tiền chỉ đáng bị chỉ trích khi bị dùng sai mục đích. Không ai cho rằng 38 triệu bảng mua Sergio Aguero là phung phí hơn 35 triệu bảng mà Liverpool đã từng bỏ ra cho Andy Carroll. Mùa Hè này, Tottenham mới chính là đội tiêu “hoang” nhất trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè, với chi phí hơn 100 triệu bảng, nhưng vẫn thi đấu bết bát.
Chelsea và Man City đã đi qua một quãng đường không hề dễ chịu: Họ đối mặt với rất nhiều định kiến, trải qua nhiều thất bại, tiêu những đồng tiền vào không khí và phải mất rất nhiều thời gian mới tìm ra được một công thức tương đối dẫn đến thành công. Họ đã dùng rất nhiều tiền trong một thời gian ngắn để mua cầu thủ, nhưng để tạo ra một đội bóng chiến thắng, thì tiền là không đủ. Một nhà vô địch luôn là một tập thể tuyệt vời, và rất nhiều cầu thủ của Chelsea lẫn Man City hiện tại đều đã từng là nhà vô địch Premier League.
Nhưng họ đang phủ nhận quá khứ của chính mình, theo cách không thể tồi hơn. Jose Mourinho công kích rằng Man City chỉ là một đội bóng dành cho danh hiệu tức thời, một kẻ ăn xổi. Manuel Pellegrini cũng đáp lại: “Đó là đội bóng đã vung vãi tiền bạc trong 10 năm qua và luôn mua sắm tốn kém nhất ở kỳ chuyển nhượng.”
3. Hơi trớ trêu là những đội bóng đã khẳng định được tầm vóc của họ lại chĩa đại bác và bắn vào quá khứ của chính mình, sau khi chính họ đã phải chịu những lời dè bỉu xuất phát từ định kiến trong nhiều năm. Chính họ đã từng cảm nhận được cái nghiệt ngã của những thất bại, bởi vì khi anh đã đổ ra thật nhiều tiền để đi tìm thành công, thì anh nhận được rất ít sự bao dung.
Chelsea và Man City đã từng đi qua sự khinh miệt vô lý ấy để có ngày hôm nay, nhưng chính họ cũng không tin rằng đó một là con đường. Một con đường mà Real Madrid, đội bóng vĩ đại nhất Thế kỷ XX, đã mạnh dạn đặt cho nó một cái tên, Galacticos, và khoác cho nó một thứ văn hóa mỹ miều: Đây là đội bóng chỉ mua những cầu thủ tốt nhất, bằng mọi giá.
Có lẽ là đội bóng áo trắng trở thành vĩ đại cũng chính vì sự tôn trọng bản thân ấy. Và có lẽ Chelsea hay Man City vẫn mãi là trọc phú, vì thiếu đi điều đó.
Theo Thể Thao Văn Hoá