Trong một mùa giải mà nhóm tứ đại gia chơi thiếu thuyết phục trước các đối thủ dưới cơ, việc Chelsea giành thắng lợi ở 6 trận trực tiếp là yếu tố quan trọng giúp họ cán đích ở vị trí số 1. Sự vươn lên của những đối thủ tiềm tàng như Man City hay Tottenham đã khiến cuộc đua về chức vô địch nhiều lúc bị xáo trộn. Nhưng trật tự cũ thì vẫn không thay đổi: Chelsea, Man Utd, và Arsenal bám sát nhau cho tới tận giai đoạn cuối. Sẽ không ai có quyền chỉ trích danh hiệu của thầy trò Ancelotti, nếu như họ đã là những người luôn biết cách chiến thắng ở những thời điểm quan trọng nhất. Ngoài chiến tích ở Anfield, 2 trận thắng trước Arsenal và Man Utd ở giai đoạn lượt về cũng là những bước ngoặt lớn cho ngôi đầu bảng của The Blues.
Khi bị đá văng khỏi Champions League ở ngay vòng knock-out, mùa giải đã không thể trở nên hoàn hảo đối với Ancelotti. Nhưng cho đến lúc này, có thể nói Chelsea vẫn tạo ra những dấu ấn đẹp đẽ đối với giới hâm mộ. Ở khía cạnh nào đó, họ đáng được tôn trọng khi thoát khỏi sức ép kinh khủng mà Man Utd đã tạo ra từ suốt 5 tháng qua. Ngoài ra, những màn thể hiện của họ ở giai đoạn Giáng sinh và năm Mới cũng rất đáng khen. Trong năm đầu tiên làm quen với Premier League, Ancelotti đã có sự chuẩn bị rất tốt cho một chiến trường hoàn toàn khác đối với Serie A. Việc ông giúp Chelsea chơi quá hay trong giai đoạn Kalou và Drogba trở về CAN 2010 cũng là một điểm nhấn đáng nhớ đối với các CĐV. Rất, rất nhiều khó khăn và rắc rối đã nảy sinh trong mùa giải này, nhưng gã khổng lồ phía Tây London vẫn vượt qua được, và chiến thắng theo cách của họ: Tấn công đối thủ và sẵn sàng trả giá vì điều đó!
Tất cả các ông lớn đều đã nằm lại dưới gót chân họ. Điều đó có nghĩa là Ancelotti đã trở thành một đối thủ lớn, và đáng được xem là đối trọng trong nhóm Big Four. Giống như Mou, và khác hẳn Scolari. Với Carletto, Chelsea đã không một mình băng về đích theo kiểu Người đặc biệt. Nhưng bù lại, đội bóng của ông lại mang tới những cảm giác thật tuyệt vời ở những pháo đài tưởng chừng khó đánh chiếm nhất: Emirates, Old Trafford, hay Anfield. Thắng ở những trận Big Bang luôn tạo ra một bầu không khí rất đặc biệt. Dù người ta đã không còn đánh giá cao chuyện đó cho điều kiện cần của một nhà vô địch (M.U mùa trước chỉ thắng mỗi 1 trận mà vẫn vô địch), nhưng ai dám nói rằng nó không quan trọng? Ít nhất, Chelsea đã có 1 món quà: 1, Tâm lý và sự tự tin, và 2, Ưu thế không phải bàn cãi ở những thời điểm nhạy cảm.
Với 95 bàn thắng, Chelsea đang sở hữu hàng công ấn tượng nhất nước Anh. Nhưng với 32 bàn thua, họ có vẻ đang hy sinh tính chắc chắn để chơi cống hiến hơn. Tuy nhiên, sau 6 trận với nhóm Big Four, việc The Blues chỉ để thủng lưới đúng 1 bàn lại cho thấy 1 điều khác: Họ không chỉ biết tấn công (ghi 12 bàn), mà còn gây ấn tượng khi phải phòng thủ, nếu cần. Nên nhớ, kể từ khi khái niệm “tứ đại gia” được biết đến năm 2003 (khi Abramovich sở hữu Chelsea), chưa có đội bóng nào thắng tất cả các đối thủ trong một mùa bóng như Chelsea hiện nay.
Chức vô địch đã ở rất gần The Blues. Giờ đây, viễn cảnh ăn mừng chiếc Cúp thứ 4 trong lịch sử ngay tại Stamford Bridge đang khiến các CĐV Chelsea cảm thấy hồi hộp hơn bao giờ hết. Xét cho cùng, có ai xứng đáng với món quà này hơn họ cơ chứ?
Họ xứng đáng vô địch Toàn thắng Big Four Không có gì thuyết phục hơn nếu lên ngôi vô địch mà đánh bại tất cả những đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Ở mùa giải này, Chelsea đã toàn thắng trong cả 6 lần chạm trán các đội bóng trong Big Four, và thậm chí chỉ để thủng lưới đúng một bàn. Drogba xứng đáng với tư cách là cầu thủ của những trận đấu lớn, bởi anh đã ghi tới 6 bàn thắng trong số đó. 04/10/09 Chelsea - Liverpool 2-0 (Anelka 60', Malouda 90') 08/11/09 Chelsea - M.U 1-0 (Terry 76') 29/11/09 Arsenal - Chelsea 0-3 (Drogba 42', Vermaelen 45'og, Drogba 86') 07/02/10 Chelsea - Arsenal 2-0 (Drogba 8', 23') 03/04/10 M.U - Chelsea 1-2 (Macheda 81' - J.Cole 20', Drogba 79') 02/05/10 Liverpool - Chelsea 0-2 (Drogba 33', Lampard 54') Hàng công "khủng" nhất Với chiến thắng vừa rồi, Chelsea đã nâng tổng số bàn thắng mà họ ghi được ở mùa giải này lên con số 95. Chỉ cần ghi 2 bàn thắng nữa vào lưới Wigan, họ sẽ san bằng kỷ lục 97 bàn mà M.U lập ở mùa giải 1999/2000. Trong lịch sử giải vô địch Anh, mùa bóng mà Chelsea ghi nhiều bàn thắng nhất là 1960/61 với tổng cộng 98 bàn thắng. Nhưng ngày ấy, giải hạng Nhất còn có tới 22 đội bóng, tức là thi đấu 42 vòng. Stamford Bridge vẫn là một pháo đài Mặc dù từng phải chịu một trận thua khá xấu hổ ở Stamford Bridge (2-4 trước Man City), nhưng Chelsea vẫn là đội bóng thi đấu hiệu quả nhất trên sân nhà với tổng cộng 49 điểm sau 18 trận (16 thắng, 1 hòa, 1 thua). Tiếp theo họ là M.U (46), Arsenal, Tottenham và Liverpool (cùng 44). |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)