(Bongda24h) - Đó là quan điểm của chủ tịch đội bóng thành London, Bruce Buck (Abramovich nắm quyền sở hữu toàn bộ nhưng không nắm chức chủ tịch). Theo Buck, dù muốn hay không, Chelsea sẽ phải tự đứng được trên đôi chân của chính mình trong vài năm tới, nhằm đáp ứng đạo luật "Tài chính công bằng" của UEFA.
Cần phải khẳng định, nhờ có nguồn tiền dư dả của tỷ phú người Nga mà Chelsea mới xác lập được vị thế đại gia tại đảo quốc sương mù. Trước khi, "Roman đại đế" tiếp quản The Blues vào năm 2003, đội bóng đã phải trải qua gần 50 năm trắng tay ở đấu trường quốc nội và tên tuổi của Chelsea khi đó chỉ ở mức "tầm thường". Abramovich đã đổ hàng trăm triệu bảng vào CLB, mang về những ngôi sao lớn cùng HLV tài ba Jose Mourinho và rất nhanh chóng, thành công đã đến với Chelsea với danh hiệu vô địch Premier League 2 năm liên tiếp. Những năm sau đó, thành tích của Chelsea rất ổn định. Giờ đây "gã nhà giàu" này đã trở thành một thế lực đáng ngại ở cả nước Anh lẫn châu Âu, một ứng cử viên vô địch cho mọi giải đấu. Thêm một bằng chứng hùng hồn cho sự phụ thuộc của Chelsea vào Abramovich: Dù đã tạo thương hiệu, dù đã đẩy mạnh các hoạt động thương mại nhưng Chelsea chưa thể kiếm tiền giỏi như MU hay Arsenal (hàng năm, luôn rơi vào tình trạng thua lỗ). Bởi thế, nếu muốn tăng cường lực lượng thì chẳng còn cách nào khác, The Blues lại phải trông cậy vào hầu bao của Abramovic. Có lần, Roman từng khẳng định ông sẽ không cấp tiền cho Chelsea nhưng rốt cục, để đảm bảo sức mạnh cho đội bóng, ông lại phải chấp nhận bỏ tiền túi.Bruce Buck và Roman Abramovich: Hai nhân vật đầu não của Chelsea
Tuy nhiên, Buck đã mạnh dạn tuyên bố, sự phụ thuộc đó sẽ sắp sửa chấm dứt: "Trước khi đạo luật tài chính công bằng (các CLB sẽ phải tự nuôi sống, không được dựa vào nguồn tiền bạc của các ông chủ và không được rơi vào tình trạng lỗ triền miên, bằng không sẽ không được tham dự các cúp châu Âu - PV) được hình thành, chúng tôi đã cùng thông nhất quan điểm rằng sẽ phải đến thời điểm, Chelsea không còn được dựa dẫm vào ngài Abramovich được nữa. Chúng tôi đã soạn ra một lộ trình trong dài hạn để tự đứng trên đôi chân của mình. Còn đạo luật tài chính công bằng thực chất chỉ bắt chúng tôi triển khai kế hoạch đó nhanh hơn mà thôi. Nếu hệ thống đào tạo trẻ của Chelsea được vận hành tốt, hàng năm sản sinh ra từ 1-2 gương mặt sáng giá thì chúng tôi sẽ tiết kiệm rất nhiều khoản tiền chi vào công việc chuyển nhượng cầu thủ bởi tổng chi phí cho đào tạo trẻ hàng năm chỉ rơi vào khoảng 5 triệu bảng. Tất nhiên, kinh doanh không phải là vấn đề đơn giản nhưng Chelsea sẽ luôn nỗ lực phấn đấu".
Buck tiết lộ thêm về con đường "tự cân bằng thu - chi" mà Chelsea sẽ theo đuổi: "Chúng tôi đã mở một văn phòng đại diện tại Singapore nhằm khai thác tối đa thị trường châu Á đầy tiềm năng. Chelsea sẽ phải gia tăng thu nhập từ việc tài trợ, giảm chí phí chuyển nhượng, ổn địng khung lương và tìm mọi cách tăng doanh thu kiếm được từ các trận đấu. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xem xét đến chuyện tận dụng thương quyền Chelsea". Đồng thời, nhà kinh doanh người Mỹ này cũng ra sức an ủi các CĐV đội bóng rằng việc họ phải tăng giá vé ở Champions League (hiện phải chịu rất nhiều chỉ trích) là việc làm bắt buộc, để bù đắp chi phí chứ chẳng phải họ muốn tận thu. Buck rất hy vọng người hâm mộ Chelsea sẽ thông cảm, chia sẻ cùng CLB và sẽ lại đến sân đông đảo.
Chẳng hiểu kế hoạch to lớn đó của Chelsea có trở thành hiện thực hay không nhưng bét ra trong khoảng 3-4 năm tới (bắt đầu từ năm 2014, đạo luật tài chính công bằng sẽ được thi hành), đội bóng này vẫn khó lòng sống nổi nếu thiếu Abramovich. Việc đầu tiên cần phải giải quyết ngay: nâng cấp hệ thống đào tạo trẻ để đạt đến mức độ "hoàn hảo" như Buck mong đợi chứ ai cũng biết nhiều năm qua sau thời John Terry, The Blues không thể cho ra lò bất cứ một gương mặt hứa hẹn nào.
Bảo Phương (Theo DailyMail/Vietnamnet)