Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Chelsea này là cho Pep, không phải cho Mou...

Chủ Nhật 10/11/2013 20:20(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hòa West Brom ngay tại Stamford Bridge ngay sau trận thua đáng xấu hổ trước Newcastle, Chelsea của Mou đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất kể từ đầu mùa giải. Vấn đề ở chỗ, “tinh thần Mourinho”, điều từng được xem là thương hiệu của đội bóng Tây London giờ đây đã không còn thường xuyên hiện hữu.

Dù Mourinho đã thành danh và từng lên ngôi ở Champions League với cả Porto lẫn Inter, song Chelsea mới là đỉnh cao trong sự nghiệp huấn luyện của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha. Cách đây gần một thập kỷ, "The Blues” không chỉ liên tiếp có danh hiệu, mà điều quan trọng hơn là họ đã phát triển được lối chơi phòng ngự phản công mang thương hiệu Mouinho lên đỉnh cao. Thời điểm ấy, Chelsea đã trình diễn một lối chơi “xấu xí” nhưng đầy hiệu quả, đủ làm nản lòng bất kỳ đối thủ nào.

Mourinho đang gặp khó khăn trong việc thổi hồn vào lối chơi của Chelsea
Mourinho đang gặp khó khăn trong việc thổi hồn vào lối chơi của Chelsea

HLV người Bồ đã được tỉ phú Roman Abramovich nhắm tới ngay từ khi ông còn chưa cùng Porto bước vào trận chung kết Champions League 2004 với Monaco. Mọi thương vụ ông chủ người Nga thực hiện trong mùa Hè năm đó đều nhằm thỏa mãn vị tân thuyền trưởng đã khiến ông phải bỏ ra tới hơn 4 triệu bảng chỉ để trả lương mỗi mùa. Lần lượt Didier Drogba (tiền đạo đã khóc nức nở khi Mou rời Stamford Bridge năm 2007), Ricardo Carvalho và Paulo Ferreira (các học trò theo chân Mou từ Porto), rồi Tiago Mendes, Michael Essien (người gọi Mou là "cha")… đã cập bến London với mức phí xấp xỉ 70 triệu bảng để chiều lòng “Người đặc biệt”.

Không phụ sự trông đợi và những thương vụ đầu tư được đánh giá là “điên rồ” ở thời điểm đó từ ông chủ Roman, Mourinho đã thực sự nâng tầm Chelsea, cả về chuyên môn lẫn hình ảnh. Họ thực sự đã là một CLB lớn với 2 lần liên tiếp giành danh hiệu Premier League, cùng với đó là thành tích ấn tượng mỗi khi chạm trán “tam đại gia” M.U, Arsenal và Liverpool. Nhưng để lại dấu ấn đậm nét nhất phải kể tới lối chơi đậm chất Mourinho: phòng ngự chắc chắn, phản công hiệu quả và hệ quả là những chiến thắng 1-0 “xấu xí” cứ tới đều đặn mỗi tuần, là thành tích chỉ thủng lưới 15 bàn sau khi kết thúc mùa 2004/05.

Có thể nói, Mou đã thành công rực rỡ như vậy là nhờ những con người hoàn toàn hiểu ý ông, không chỉ trên sân cỏ mà còn trên băng ghế huấn luyện (Mou đã bê nguyên cả “bộ sậu” gồm trợ lý Baltemar Brito, HLV thể lực Rui Faria, tuyển trạch viên Andre Villas-Boas, và HLV thủ môn Silvino Louro theo chân mình tới London).

Thế nhưng, ở nhiệm kỳ thứ 2 của Mourinho tại Chelsea, câu chuyện đã không còn như trước. Mourinho trước khi trở lại Stamford Bridge không phải là lựa chọn số một của Roman, mà là bậc thầy về chiến thuật Pep Guardiola. Abramovich có vẻ như đã cố gắng xây dựng một đội hình theo ý thích của HLV 42 tuổi người Tây Ban Nha, để rồi lại phải miễn cưỡng trao nó cho Mourinho khi cựu HLV Barca nhận lời dẫn dắt Bayern. Juan Mata, Oscar, David Luiz hay Fernando Torres chưa bao giờ là những mẫu cầu thủ ưa thích của “Người đặc biệt”, ít nhất là trước khi ông trở lại Chelsea.

Nhìn Chelsea thi đấu với West Brom hôm qua và trước đó là với Newcastle, có thể nhận thấy sự khổ sở của Mourinho trên băng ghế chỉ đạo. Dường như các cầu thủ và ông đã không còn là một thể thống nhất. Ông bế tắc trong dùng người tới mức độ phải chấp nhận đặt niềm tin vào các học trò cũ như Samuel Eto’o, Frank Lampard hay John Terry, những người hoàn toàn hiểu ý ông nhưng đã qua thời đỉnh cao từ quá lâu… “Tinh thần Mourinho” vẫn còn đó, nhưng không triệt để. Đã có những trận tinh thần ấy được nhen nhóm, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Chelsea đã thủng lưới tới 10 bàn sau 11 vòng đấu, trong khi con số ấy của họ cả mùa 2004/05 chỉ là… 15.

Stamford Bridge, nơi từng là một “pháo đài” thực sự trong giai đoạn 2004-2007 nay cũng đã phần nào đánh mất đi cái uy nghiêm của nó, cái uy đã giúp Chelsea-Mourinho chưa 1 lần bại trận. Lẽ ra, nếu không vì quả penalty oan nghiệt ở phút bù giờ, cái pháo đài đang lung lay ấy đã bị đánh sập bởi một West Brom “bé nhỏ” (như lời HLV Steve Clarke thừa nhận), cũng giống như cái cách đội bóng của cựu trợ lý Chelsea từng đưa NHM M.U vào “cơn ác mộng” ngay tại Nhà hát Old Trafford cách đây hơn 1 tháng.

Nếu vấn đề là ở con người thì hiển nhiên lỗi không phải của Mou, nhưng rốt cuộc mọi hậu quả chẳng ai khác mà chính ông là người phải gánh chịu. “Người đặc biệt” đã cố gắng hết sức, đã thay người với hy vọng cải thiện được tình hình, đã chỉ trích trọng tài như cá tính của ông, nói tóm lại, đã làm hết những gì người ta trông đợi Mourinho-đặc-biệt cần phải làm. Tuy nhiên, Chelsea dường như vẫn chưa trở lại với hình ảnh sắc sảo trước đó.

NHM “The Blues” vẫn tin vào Mourinho – người được cho là sinh ra để dẫn dắt Chelsea - bởi ông cũng đã từng áp đặt được dấu ấn của mình lên một Porto yếu đuối, cũng như một Inter "khôn nhà dại chợ". Đó là lý do ông được trao cơ hội trở lại Stamford Bridge để bắt đầu lại từ đầu. Nhưng thời gian không có nhiều, Mou cần nhanh chóng lấy lại sự "đặc biệt" của ông, nhanh chóng thổi được tinh thần thi đấu máu lửa vào đôi chân các học trò. Có thế, Chelsea mới thực sự là dành cho Mou, và bản thân ông mới thực là “người hạnh phúc” như từng tuyên bố.

Theo Việt Dũng - Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X