Câu chuyện xung quanh trọng tài Mark Clattenburg đang ngày càng nóng lên, đặc biệt là những cáo buộc mới đây về việc ông sử dụng từ ngữ có hàm ý phân biệt chủng tộc với tiền vệ Mikel của Chelsea. Nếu điều đó là sự thật, sự nghiệp của vị trọng tài này coi như chấm dứt ngay từ trận "Super Sunday" vừa qua.
Ngược lại, nếu Clattenburg vô tội, điều mà những thành viên trong hội đồng trọng tài vẫn tin, Chelsea chắc chắn cần một tiếng nói mạnh mẽ hơn lên FA. Một quan chức cấp cao cho rằng “Clattenburg chẳng hề nói gì cả”. Sự thật lại không dễ dàng như thế.
Cảm giác chung từ những đồng nghiệp của Clattenburg là sự ngạc nhiên, bởi từ xưa đến nay chưa bao giờ ông để lộ ra những câu nói mang tính xúc phạm hay có thành kiến với bất kì ai. Họ muốn FA làm sáng tỏ sự việc, như để làm dịu đi diễn biến mới nhất liên quan đến trận Chelsea - M.U nóng bỏng vừa qua.
Đội chủ sân Stamford Bridge cho rằng ông vua sân cỏ đến từ vùng Tyneside đã tuôn ra những câu nói không đúng mực với hai cầu thủ của mình. Clattenburg bị cho đã gọi Mikel là “đồ con khỉ” khi rút thẻ vàng với cầu thủ này chỉ ít phút sau bàn thắng gây tranh cãi của Javier Hernandez. Một tình huống khác sau đó, ông bị tố cáo gọi Juan Mata là “đồ ngu ngốc”. Đó là còn chưa kể đến việc Chelsea còn ấm ức với hai chiếc thẻ đỏ dành cho Torres và Ivanovic.
Chelsea đã sẵn sàng đi đến cùng vụ việc. Đội bóng này tuyên bố có ít nhất ba cầu thủ sẵn sàng đóng vai trò nhân chứng cho Mikel và Mata. The Blues còn cho biết thêm ngay sau trận đấu, tiền vệ người Nigeria đã hầm hầm đi vào phòng thay đồ để tìm Clattenburg. Mikel được cho là một trong số ít những cầu thủ hiền lành bậc nhất của bóng đá xứ sương mù. Thế nên phải có điều gì đó quá quắt mới khiến anh xử sự như vậy. Liệu có phải là lời đề nghị Clattenburg phải bình tĩnh hơn? Hay là cầu thủ này muốn hỏi lại xem ông đã nói gì với mình?
Sự thật sẽ được phơi bày từ những chiếc micro. Nếu có bất kì lời nào phát ra từ Clattenburg nhằm vào Mikel và Mata, hẳn hai trợ lý Michael McDonough, Simon Long cùng trọng tài thứ tư Michael Jones sẽ biết rất rõ. Đó là điều mà hội đồng trọng tài đang thảo luận để nhằm tìm cách bảo vệ cho thành viên của mình.
Một trọng tài đáng mến, luôn hướng thiện
Trước khi có sự vụ gây xôn xao này, cái tên Mark Clattenburg nhận được rất nhiều lời ngợi khen từ các đồng nghiệp ở nước Anh. Ông cùng với Howard Webb là hai trọng tài đang tạo được uy tín lớn đối với làng bóng đá thế giới. Bản thân FIFA cũng thừa nhận điều đó khi giao cho Clattenburg làm nhiệm vụ ở trận chung kết Olympic London vừa qua. Đây cũng là một ứng cử viên sáng giá trong danh sách những người làm nhiệm vụ ở vòng chung kết World Cup trên đất Brazil sau đây gần hai năm nữa.
Ông được Premier League thừa nhận là một trong những trọng tài uy tín bậc nhất. Danh tiếng của Clattenburg được biết đến nhờ những hoạt động từ thiện không ồn ào và hào nhoáng của mình. Clattenburg từng cùng với người đồng nghiệp Mark Halsey tranh tài ở giải chạy Great North Run với mục đích quyên góp cho một quỹ từ thiện hỗ trợ các bệnh nhân ung thư.
Tất cả những thành quả đó là rất đáng trân trọng. Nhưng chỉ có FA mới là người đưa ra phán quyết liệu Clattenburg có tội trong vụ việc này hay không. Còn trên sân, trọng tài đến từ vùng Tyneside này thể hiện thái độ thân thiện với các cầu thủ, không giống với những đồng nghiệp khác, đồng thời luôn biết cách kiểm soát mọi tình huống. Ông cũng tỏ ra rất chu đáo, sẵn lòng dành thời gian để học hỏi từ những trọng tài có kinh nghiệm.
Câu chuyện liên quan đến Clattenburg càng cho chúng ta thấy được áp lực mà các trọng tài xứ sương mù phải đối mặt lớn như thế nào. Họ cần trí tuệ như của nhà Vua Solomon, kiên nhẫn như nhà tiên tri Job, sức mạnh của Mo Farah hay khả năng bứt tốc như điện xẹt của Usain Bolt. Và không trọng tài nào muốn cái tên mình được đưa lên trang nhất của một tờ báo nào đó sau khi trận đấu kết thúc.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)