Không chỉ vì Rafa Benitez là thầy cũ của Torres mà người ta nói rằng Abramovich mua ông về nhằm đánh thức khả năng săn bàn nơi anh. Giữa chiến lược gia người TBN và cậu học trò còn có sự tương đồng đến kỳ lạ: không phải chuyên gia ở những cuộc đua đường trường nhưng hết sức có duyên ở các giải đấu cúp.
Đóng góp của Torres trong kỳ tích vô địch Champions League của Chelsea ở mùa trước là một minh chứng. Tính cho đến trước trận bán kết lượt về với Barcelona, Torres chỉ ghi được vỏn vẹn 2 bàn trong trận thắng Genk 5-0 ở vòng bảng. Tại Camp Nou, anh cũng chỉ được vào sân ở phút 80, khi đội nhà đang bị dẫn 2-1 và chơi thiếu người (Terry nhận thẻ đỏ). Kết quả: Torres ghi bàn gỡ hòa ở phút bù giờ thứ nhất để đưa Chelsea vào chung kết. Một tháng sau, dù ĐT Tây Ban Nha ưa thích sơ đồ không tiền đạo 4-6-0, nhưng Torres vẫn ghi được 3 bàn tại VCK EURO 2012, để trở thành vua phá lưới của giải. Và đừng quên rằng 4 năm trước, cũng chính Torres là người hùng của ĐT Tây Ban Nha với bàn thắng duy nhất trong trận chung kết vào lưới tuyển Đức, giúp La Roja phá cái dớp 44 năm không danh hiệu.
Kể từ ngày sang Anh, không biết đã bao lần Torres tuyên bố với báo giới rằng anh rất ghét việc bị gọi là El Nino. Đó là cái biệt danh từng gắn liền với Torres trong suốt 7 mùa giải gắn bó cùng Atletico Madrid. 91 bàn thắng cho đội bóng áo sọc đỏ trắng là một thành tích ấn tượng, nhưng Torres đã quyết định ra đi để trưởng thành hơn, thay vì tiếp tục bị ru ngủ với biệt danh Hoàng tử thành Madrid, vốn chỉ được dùng cho Raul Gonzalez trước đó. Cái cách mà anh ra đi cũng giống như Aguero sau này (tới Man City), và sắp tới là Falcao nữa.
Thật dễ nhận thấy rằng kể từ ngày tạm biệt Atletico Madrid, Torres đã giành được nhiều danh hiệu hơn, nhưng đó cũng là lúc anh mang hai bộ mặt: hoặc tịt ngòi cực lâu, với sự vô duyên đến khó tả, hoặc bất chợt bùng sáng vào những thời điểm mà chẳng ai dám kỳ vọng vào anh. Anh từng là nỗi sợ hãi của Nemanja Vidic vào thời điểm trung vệ người Serbia có phong độ tốt nhất, nhưng sau đó lại có thể im tiếng hoàn toàn trước một đối thủ yếu cỡ... Wolves. Điều đó phản ánh tâm lý thiếu ổn định của Torres, và khi bản năng săn bàn phải dựa vào cảm hứng, đó không phải là một dấu hiệu tích cực đối với một tiền đạo đẳng cấp.
Mùa giải năm ngoái, khi Di Matteo mới nhậm chức, rất nhiều người đã tưởng Torres đã hồi sinh khi anh ghi 3 bàn vào lưới Leicester và Villa, lập hat-trick trước QPR và tỏa sáng tại Camp Nou. Nhưng rồi đâu lại vào đấy. Sau khi trở thành Vua phá lưới EURO 2012, Torres lại gây thất vọng trong màu áo Chelsea. Việc Torres tiếp tục là trung phong duy nhất tại CLB đã khiến anh không hề có ý thức cạnh tranh, thiếu đi sự ích kỷ và cay cú cần thiết của một chân sút.
Và bây giờ, sau khi Torres lập liên tiếp hai cú đúp, vào lưới Nordsjaelland và Sunderland, người ta lại kỳ vọng anh sẽ hồi sinh. Nhưng dấu hiệu lạc quan nhất có lẽ không phải là 4 bàn thắng ấy, mà là sự bình thản trong cách mà anh đón nhận nó. Torres sẽ cần phải coi việc ghi bàn là bình thường trong cuộc sống của anh. Cúp thế giới các CLB sẽ là một cơ hội để Torres tiếp tục thể hiện cái duyên của mình ở đấu trường cúp thế giới. Ngoài ra, Torres cũng phải ghi bàn, vì tương lai của chính anh. Khi thị trường chuyển nhượng mùa đông sắp mở cửa, mối đe dọa từ Falcao cũng cận kề.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)