Từ một đối thủ “cá mập” trên thị trường chuyển nhượng, Chelsea đã trở thành một trong những đội bóng thực thi chính sách tiết kiệm bậc nhất Premiership. Việc đội chủ sân Stamford Bridge im lặng hoàn toàn trong các thương vụ trong tháng Một, trước khi đưa về “thùng rác vàng” Ricardo Quaresma đã khiến người hâm mộ không chỉ nghi ngờ về thành tích của thầy trò Scolari trong phần còn lại của mùa bóng. Một câu hỏi lớn hơn đã xuất hiện: Phải chăng, đế chế Roman Abramovich đang lung lay?
Tất cả mọi người đều muốn biết, đằng sau chính sách thắt chặt chi tiêu của tỷ phú người Nga là gì? Trước hết, các CĐV của Chelsea đều đã cảm nhận được những tín hiệu xấu, sau khi xuất hiện những tin đồn về việc ông chủ Abramovich đang “chán” bóng đá, và đã có ý định bán lại CLB phía Tây London. Chưa biết những thông tin đó có phải là sự thật hay không, nhưng rõ ràng, cách xử sự với Chelsea của nhà tài phiệt vừa bị phế truất khỏi ngôi đầu những ông chủ bóng đá giàu nhất nước Anh đã thể hiện điều đó.
Chelsea đã hết thời
Kể từ khi tới xứ sương mù năm 2003, Abramovich không chỉ được ngưỡng mộ với tổng tài sản gấp vài chục lần Nữ hoàng Anh (trên 7 tỷ bảng). Trong thời điểm đó, ông chủ của Chelsea còn là người luôn có mặt trên khán đài, thậm chí cả trong phòng thay đồ của cầu thủ, mỗi khi CLB của ông thi đấu. Còn giờ đây, có vẻ như tình yêu bóng đá của tỷ phú xứ bạch dương cũng tỷ lệ thuận với sự sụt giảm những đồng rúp trong két sắt của ông. Khi là một doanh nhân thành đạt, Roman đã tạo ra một Chelsea khủng khiếp trong mọi vụ mua bán. Nhưng trong bối cảnh cơn bão khủng hoảng tài chính đang lan rộng, dường như cái gọi là lòng trung thành, hay sự hy sinh là điều quá xa xỉ với người đàn ông 42 tuổi này.
Nếu như các CĐV của Chelsea đã từng cười nhạo Arsenal, hay mỉa mai Man Utd hoặc Liverpool trong những thương vụ bom tấn trong quá khứ, thì nay, tình thế đã đổi chiều. Như một quy luật của kinh tế thị trường, giờ đây, thay vì khiến các đối thủ khác phải e sợ, chính The Blues sẽ phải đối mặt với viễn cảnh chảy máu nhân tài. Ngay khi đội bóng áo xanh chơi bết bát tại giải Ngoại hạng, những Lampard, Terry, Drogba... đã được các đại gia khác theo đuổi công khai. Có lẽ, ở một phương diện nào đó, việc Scolari đưa người học trò cũ Quaresma về để tăng cường lực lượng lại còn khiến các đối thủ “xem thường” tiềm năng của Chelsea hơn. Khi mạnh, người ta sẽ có được uy quyền trong tiếng nói. Còn trái lại, khi đã “xuống vận”, điều gì cũng có thể dễ dàng chấp nhận, dù anh có hài lòng hay không. Một người từng trở thành ông chủ chỉ sau 1 đêm, nhờ chính sách tư nhân hoá ồ ạt của nước Nga như Abramovich sẽ thừa hiểu chân lý đó.
Nếu Chelsea có một mùa giải thất bát, Scolari sẽ phải ra đi. Nhưng với các CĐV nhiệt thành của Stamford Bridge, điều đó chắc hẳn không còn quan trọng nữa. Nếu như đế chế Roman đang thực sự lung lay, thì chuyện ai là người cầm quân sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa.
Vẫn biết, đồng tiền luôn có mặt trái của nó. Vẫn biết, cuộc sống không hoàn hảo. Cũng như ai cũng hiểu, chẳng có gì mãi mãi. Nhưng những trái tim The Blues vẫn sẽ nhói đau, một khi lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh của họ bị tổn thương.
Đó là lúc Abramovich nở nụ cười quen thuộc, và nói: “Xin chào, tôi đi đây”!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)