Thứ Năm, 14/11/2024Mới nhất
Zalo

Chelsea: El Nino đã thực sự... hết thời

Thứ Bảy 08/12/2012 15:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ở tuổi 24, Fernando Torres ghi bàn duy nhất trong trận chung kết, đem về cho TBN chức vô địch EURO 2008, mở ra thời kỳ thống trị toàn bộ các giải đấu quốc tế của đội tuyển này. Vậy mà chỉ 4 năm sau, người ta đã phải bàn về tình trạng kỳ lạ: Torres đã “hết thời” ở tuổi 28?

THÀNH CÔNG NHƯ MỘT CƠN LỐC

EURO 2008 chỉ là đoạn kết hoàn hảo của một mùa bóng cực kỳ mỹ mãn đối với Torres. Đấy là mùa bóng đầu tiên mà tiền đạo có biệt danh “El Nino” xuất hiện trên sân cỏ Anh, và Torres không mất chút thời gian nào để hòa nhập. Chẳng những vậy, “El Nino” còn thật sự gây sốc ở Premier League.

Anh trở thành cầu thủ đầu tiên của Liverpool sau Robbie Fowler ghi được hơn 20 bàn trong một mùa bóng ở giải VĐQG. Rồi anh trở thành cầu thủ đạt đến cột mốc 50 bàn thắng ở giải VĐQG sớm nhất trong toàn bộ lịch sử Liverpool. Lần đầu tiên kể từ năm 1946, giới hâm mộ Anfield mới được chứng kiến một cầu thủ Liverpool lập hat-trick trong 2 trận liên tiếp tại sân nhà.

fernando torres
 

Rồi Torres bắt kịp kỷ lục của Roger Hunt về việc ghi bàn trong 8 trận liên tiếp cho Liverpool ở giải VĐQG. Đến cuối mùa thì Torres chính thức xác lập kỷ lục về số bàn thắng do một cầu thủ nước ngoài ghi được trong mùa bóng đầu tiên thi đấu tại Anh (vượt qua kỷ lục của Ruud Van Nistelrooy ở M.U). Trong cuộc bầu chọn cầu thủ xuất sắc nhất Premier League mùa ấy, Torres chỉ đứng sau mỗi siêu sao Cristiano Ronaldo (Ronaldo cũng là chủ nhân của “Quả bóng vàng châu Âu 2008”).

Torres gia nhập Liverpool với tư cách cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử CLB này. Nhưng anh chẳng hề làm đội chủ sân Anfield lỗ chút nào, mà còn giúp Liverpool lời to. Năm 2011, Liverpool bán Torres sang Chelsea với bản hợp đồng kỷ lục trong làng bóng Anh (50 triệu bảng). Torres trở thành cầu thủ TBN có giá chuyển nhượng đắt nhất trong lịch sử.

Do chỉ gia nhập Chelsea vào giữa mùa bóng, nên phải đến mùa 2011/12 thì Torres mới khoác áo Chelsea trong một mùa bóng trọn vẹn. Và Torres trở thành nhà vô địch Champions League trong mùa bóng trọn vẹn đầu tiên ở Chelsea. Những sự kiện như thế đều chỉ diễn ra cách đây không lâu, nên càng khó tin là Torres giờ đã hết thời. Thế nhưng, đấy quả là điều khó chối cãi.

VÀ SA SÚT KHÔNG PHANH

Tại Premiership, Fernando Torres ghi được bình quân 1 bàn trong 107 phút thi đấu dưới sự dẫn dắt của HLV Rafael Benitez. Dưới thời của Roberto Di Matteo, Torres cần đến 212 phút để có 1 bàn. Tỷ lệ này là 613 phút dưới thời Andre Villas-Boas và 762 phút dưới thời Carlo Ancelotti. Trong số này, chỉ có Benitez dẫn dắt Torres ở Liverpool, còn lại đều là các HLV Chelsea.

Người ta nói đùa: hình như chính Torres là nguyên nhân khiến Ancelotti, Villas-Boas và Di Matteo đều phải lần lượt rời ghế HLV trưởng Chelsea. “Tội” của họ là không biết cách sử dụng Torres, dẫn đến hệ quả là anh trở nên khác hẳn một Torres tuyệt vời ở Liverpool - Torres mà ông chủ Roman Abramovich phải chi đến 50 triệu bảng để mua lại.

Bây giờ, Chelsea mời Benitez thay chỗ Di Matteo và HLV người TBN này tái ngộ tiền đạo con cưng Torres. Nhưng rút cuộc, Benitez cũng đâu thể giúp cho Torres tìm lại cảm giác ghi bàn! Ở vòng đấu cuối tuần qua, gặp đối thủ yếu West Ham, Chelsea áp đảo hoàn toàn, như thể đá với... con nít. Một chuyên gia bóng đá kỳ cựu đã thừa nhận là chưa bao giờ ông thấy Chelsea chơi thứ bóng đá đẹp mắt như thế, xuất sắc như thế.

Nhưng Chelsea “trong mơ” ấy chỉ thắng 1-0 khi hiệp đầu kết thúc, với Torres bỏ lỡ khá nhiều cơ hội tốt. Sang hiệp 2, West Ham thay đổi hoàn toàn và họ thắng ngược 3-1. Benitez lập tức trở thành HLV có 3 trận khởi đầu kém cỏi nhất ở Chelsea trong kỷ nguyên Abramovich.

Giả sử Torres đừng quá phí phạm cơ hội, mọi chuyện có thể đã khác. Nhưng bây giờ, vấn đề không còn gói gọi trong trận thua West Ham nữa. Hình ảnh Torres “chân gỗ”, phí phạm cơ hội ghi bàn, là điều đã trở nên quen thuộc suốt 1-2 năm nay. Đây chính là chỗ dẫn đến lập luận: Torres đã hết thời.

LẠC LÕNG TỪ CLB ĐẾN ĐTQG

Không khó kể lại hàng loạt cơ hội tốt mà Torres đã bỏ lỡ khi gặp Italia hoặc Croatia tại EURO 2012. Xa hơn một tí, Torres vốn đã không được trọng dụng trong đội hình ĐT Tây Ban Nha tại World Cup 2010. Nguyên nhân dễ thấy nhất vẫn chỉ là chuyện anh không khai thác triệt để cơ hội ghi bàn, cũng không biết tự tạo cơ hội cho mình.

“Tự tạo cơ hội”? Đây là vấn đề lối chơi. Ở Atletico Madrid hoặc Liverpool, Torres thường đứng rất cao trong một đội hình chơi thiên về thủ. Từ đó, anh có dịp đón những đường chuyền phản công khoảng 50m và vận dụng tốc độ để ghi bàn trong tình thế xung quanh trống trải.

ĐT TBN không chơi như thế trong cách đá Tiqui-Taca của họ. Chelsea cũng không chơi như thế, bởi lý do đơn giản: một đội đầy sao như Chelsea đâu thể chỉ dựa vào mỗi Torres để ghi bàn. Trong một đội bóng chơi bằng kỹ thuật, có những tiền vệ sáng tạo, thì tiền đạo cắm phải vừa có kỹ thuật tương xứng, vừa biết cách di chuyển thông minh để phối hợp hoặc tìm chỗ nhận bóng và ghi bàn. Torres thường chỉ chờ đợi cơ hội, chứ anh rất ít di chuyển để “tạo cơ hội” cho đồng đội chuyền bóng về phía mình.

Bảo rằng Torres lạc lõng trong lối chơi Tiqui-Taca cũng được. Tóm lại, tình trạng “hết thời” của Torres đang diễn ra ở cả CLB lẫn ĐTQG. Không chỉ có số bàn thắng, mà cả số lần dứt điểm đúng hướng khung thành của Torres cũng ngày càng ít đi, từ năm 2008 đến nay. Giảm đều, chứ đấy đâu phải là chuyện trồi sụt phong độ!

MICHAEL OWEN CŨNG TỪNG NHƯ VẬY

Ở tuổi 18, Michael Owen đã để lại ấn tượng sâu đậm trên sân cỏ World Cup bằng pha đi bóng dũng mãnh và ghi bàn thắng đẹp vào lưới Argentina. Ở tuổi 21, Owen đoạt “Quả bóng Vàng châu Âu”, trong thời kỳ mà những Luis Figo, Rivaldo, Zinedine Zidane, Pavel Nedved, Andriy Shevcheko, Francesco Totti, Raul, David Beckham, Thierry Henry... đều đang ở vào đỉnh cao phong độ.

Giống như Torres, Owen cũng có ưu điểm về tốc độ, thành công bằng lối chơi tốn sức, và nhanh chóng tàn lụi ở độ tuổi mà đa số cầu thủ khác đang ở đỉnh cao phong độ (26-29). Một mặt, tốc độ là thứ người ta không thể duy trì mãi. Mặt khác, lối chơi của Owen và Torres tuy dũng mãnh nhưng đơn giản, dễ bị đối phương “bắt bài”. Họ dũng mãnh nhưng không xông xáo (kiểu Wayne Rooney), tầm hoạt động thật ra rất hẹp.

Cả Torres lẫn Owen đều chỉ thành công trong hoàn cảnh đội bóng thường bị dồn ép, chơi với đội hình thấp, và khi có bóng thì hậu vệ hoặc tiền vệ chuyền dài thật nhanh để Torres hoặc Owen bắt tốc độ, thắng trung vệ đối phương.

Yêu cầu đặt ra là đồng đội phải chuyền bóng vào đúng tầm di chuyển thì Owen hoặc Torres mới khai thác tốt cơ hội ghi bàn, chứ bản thân họ không giỏi trong việc di chuyển để chọn vị trí nhận bóng. Không phải ngẫu nhiên mà Owen và Torres đều chỉ rực sáng trong đội hình Liverpool.

Kinh Thi - Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X