Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Chelsea: Cái cũ và cái mới

Thứ Hai 26/11/2012 11:10(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chỉ còn Ashley Cole và Petr Cech là hai thành viên của thế hệ Chelsea vàng son ngày nào có mặt trên sân ở trận ra mắt của tân HLV Rafael Benitez đêm qua. Và sự có mặt của họ cũng chỉ là bất khả kháng.

1. Còn lại, không Lampard, không Terry (dù có thể biện minh bởi lý do thể chất) và điều đó đủ để nói lên được phần nào về sự thay đổi đang manh nha ở Stamford Bridge.

Trước trận đấu 2 ngày, Rafa Benitez cho biết đã nói chuyện thẳng thắn với Terry và kết quả là tích cực theo kiểu đôi bên cùng thỏa mãn. Sau lời ông tuyên bố 1 ngày, Terry đăng tải hình ảnh tháp Eiffel trên trang Facebook cá nhân nhưng cũng vội vã xoá ngay đi sau khi có nhiều đồn đoán. Song, dù nói gì đi nữa, có thể hiểu, sự tích cực của cuộc nói chuyện ấy là gì? Dễ hiểu, mùa Hè 2013 mở rộng cửa để Lampard đến Trung Quốc, còn Cole và Terry thoải mái lựa chọn PSG nếu muốn. Từ nay tới Hè 2013, họ muốn đóng góp cho Chelsea được gì thì tùy tâm, tất nhiên là phải với sự tích cực, vô tư chứ không phải là những cảm tính cá nhân vị kỷ.

rafa benitez
 

Đấy là cách của Rafa, cũng như bất kỳ HLV nào cùng hoàn cảnh sẽ làm, cách phải biết bỏ cái cũ để dọn chỗ cho những cái mới.

2. Cái mới không nhận được sự kiên trì của Chelsea đã bị thay thế khi Di Matteo bị cho thôi việc. Rafa đã trở lại với Premiership với đúng triết lý của mình, trong định dạng Chelsea. Đó là sự thận trọng, đề cao tính kiểm soát thay vì tính áp đặt lối chơi và đặt ưu tiên không cho đối phương triển khai tấn công lên trước việc chọc thủng phòng tuyến đối thủ. Rafa đã làm cho Liverpool ngày xưa quen đến nhuyễn với triết lý ấy. Thế nên, Liverpool đã từng không thắng giòn giã, không thắng dễ dàng nhưng khó ai có thể thắng được họ. Chelsea của Mourinho những ngày đầu tiên, hồi 2004, cũng như vậy. Nhiều khi họ chỉ thắng tối thiểu, thắng mà vẫn bị chê là quá tẻ nhạt vì nhiều lý trí quá.

Rafa đã dẹp đi cái cũ (của Di Matteo) để dọn chỗ cho cái “cũ hơn” (triết lý của mình), cái có điểm tương đồng với Chelsea thời Mourinho. Abramovich cũng phải ngồi lặng im, bởi ông phải thỏa hiệp với sự thay đổi trở về với thứ triết lý bóng đá vốn dĩ ông không ưa thích ấy vì muốn cứu được khối tài sản mang tên Torres. Abramovich đủ khôn ngoan để hiểu sau chuỗi trận không hiệu quả dưới tay Di Matteo, thỏa hiệp nhằm thay đổi cái “cũ” (của Di Matteo) để dọn chỗ cho cái “mới” kiểu cũ của Rafa cũng là điều cần phải làm.

3. Rafa ngồi lạnh tanh trên băng ghế huấn luyện và không thèm để ý đến những biểu ngữ trên khán đài kiểu như “Rafa cút đi” hay “Chúng tôi tin vào Di Matteo còn Rafa thì không bao giờ”. Bóng đá lúc này giống như ái tình vậy. Việc chinh phục “người tình” (là CĐV Chelsea) đối với Rafa quá khó. Quyến rũ một người không biết mình đã khó, quyến rũ kẻ luôn có ác cảm với mình từ đầu nhiều khi là bất khả.

Song ghét của nào trời trao của đó. Các CĐV Chelsea cũng nên học cách chấp nhận với cái mới, tức ông HLV đáng ghét của mình.

Vẫn biết con người ta hướng đến tương lai, đi thẳng đến tương lai với cái lưng dựa vào điểm tựa quá khứ nhưng nhiều khi cũng nên chỉ để quá khứ làm thứ mà hoài niệm và tham khảo chứ không phải là thứ để quyết định tương lai.

Việc Rafa nhận lời huấn luyện một đội bóng mà ông biết chắc ông sẽ “bị ghét” đủ cho thấy ông là người quả cảm. Đó là điều đáng qúy lắm rồi.

Và đáng quý hơn, Chelsea đang cần người truyền cho họ cá tính quả cảm, thứ bắt đầu lấp ló, đâu đó, trong trận gặp Man City đêm qua…

Hà Quang Minh - Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X