Đội bóng của Abramovich là vậy. Họ luôn gục ngã vì những chuyện ngoài bóng đá, những ồn ào ngoài bóng đá, những thứ đã khiến họ xao lãng nhiệm vụ chính của mình: chơi bóng trên sân.
1. Điểm suy sụp của Chelsea ở mùa bóng này bắt đầu từ đâu? Dường như chưa ai đặt ra câu hỏi ấy mà chỉ chú tâm vào hiện tượng những gì đang diễn ra ở hiện tại mà thôi?
Điểm suy sụp ấy bắt đầu từ trận thua M.U (2-3 vòng 9 Premier League). Đó là lần đầu tiên Chelsea thất bại 2 trận liên tiếp ở mùa giải này. Và hơn nữa, nó gắn liền với sự kiện trọng tài Clattenburg (đuổi 2 cầu thủ của Chelsea và công nhận bàn thắng trong thế việt vị của Chicharito), sự kiện đã khiến Chelsea hoàn toàn đổ vỡ.
Không phải Chelsea đổ vỡ chỉ vì quyết định của ông trọng tài ấy mà họ đổ vỡ từ chính bản thân mình. Thay vì tập trung vào chuyên môn, vào bóng đá, các cầu thủ đã sa lầy quá nhiều vào chuyện tranh cãi với một ông trọng tài (Mark Clattenburg) về chuyện có nói những lời miệt thị chủng tộc với Mikel hay không. Và khi đã không tập trung vào chuyên môn, thành tích kém cỏi là chuyện thường tình. Lúc ấy, người ta mới thấy cần một người HLV như Mourinho nhường nào.
Suốt thời gian Mourinho ở Stamford Bridge, Chelsea không hiếm những chuyện ồn ào. Nhưng tất cả những chuyện ấy dồn về một mối: phía Mourinho. Còn phần của các cầu thủ là gì? Chỉ là bóng đá và bóng đá mà thôi. Người đặc biệt đã giữ được cho học trò sự tập trung cao độ như thế và nhờ nó, ông đã tạo ra một Chelsea bất khả chiến bại.
2. Mùa bóng trước, điểm suy sụp của Chelsea bắt đầu từ sau trận thua QPR với cáo buộc phân biệt chủng tộc từ Anton Ferdinand đối với Terry. Kéo theo những kiện tụng kéo dài ấy, Chelsea thua Arsenal trong một trận đấu điên rồ; hòa Genk, thua Leverkusen ở Champions League và thua Liverpool trên sân nhà.
Tưởng như hồi đó họ đã gượng lại được nhưng khi Terry bị tước băng thủ quân tuyển Anh hồi đầu tháng 2/2012, Chelsea tiếp tục đợt suy sụp mới, đợt suy sụp dẫn tới việc Villas-Boas phải ra đi. Đội bóng của Abramovich là vậy. Họ luôn gục ngã vì những chuyện ngoài bóng đá, những ồn ào ngoài bóng đá, những thứ đã khiến họ xao lãng nhiệm vụ chính của mình: chơi bóng trên sân.
Khi Di Matteo lên thay Villas-Boas, HLV người Italia đưa Chelsea lội ngược dòng trước Napoli (thua 1-3 ở lượt đi và thắng lại 4-1 ở lượt về) rồi cuối mùa lên ngôi ở cả FA Cup lẫn Champions League. Đó là giai đoạn Chelsea tập trung cao độ nhất, giai đoạn không có Terry.
Hẳn nhiều người đã từng nghĩ rằng nếu Terry chơi trận chung kết Champions League trước Bayern, Chelsea chắc sẽ lại về nhì, y như hồi 2008, trước M.U, ở Moscow…
3. Benitez mới tuyên bố ông sẽ dựa vào Terry ở giai đoạn này. Nói như vậy, có thể ông nhận được sự ủng hộ của kiêu binh số 1 Stamford Bridge, một “đại ca” số 1 của Chelsea. Và biết đâu chừng, ông lại cùng Chelsea làm nên trò trống gì đó từ nay tới cuối mùa giải (nếu Rafa không bị sa thải).
Thật ra, Terry là một cầu thủ có tài và anh không sa sút quá mức như Ferdinand của M.U. Nhưng Terry sẽ lại làm mọi chuyện rối tung lên, nếu như, giữa đường anh gặp một scandal nào đó.
Thời Mourinho, người ta không thấy những vết nhơ của Terry. Không phải Mourinho giỏi dạy cầu thủ mà có lẽ, vì cái uy của Mou, cầu thủ khéo giấu mình hơn.
Mourinho ra đi, Terry dính từ vụ ngoại tình với bạn gái Wayne Bridge cho đến vụ phân biệt chủng tộc Anton. Bao nhiêu scandal dồn lên người đội trưởng Chelsea. Và tất nhiên, khi dính scandal, chất lượng bóng đá sẽ bị ảnh hưởng một phần tương đối.
Abramovich chắc đã đến lúc nhận ra rằng, để cứu Chelsea, không đơn giản chỉ là thay một vị tướng. Mời lại Mourinho có thể vẫn là ý hay nhưng loại bỏ những thành phần gây nhiễu, kiểu như Terry, cũng không hề là ý tồi.
Chỉ có cách đó, may ra, Chelsea mới bắt đầu thực sự chơi bóng…
Hà Quang Minh - Bongdaplus.vn