Thứ Năm, 26/12/2024Mới nhất
Zalo

Cầu thủ nước ngoài "bóp nghẹt" tài năng trẻ Anh

Thứ Ba 04/09/2007 19:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Đích thân Giám đốc phát triển của LĐBĐ Anh đã phải thốt lên điều này khi chứng kiến làn sóng ồ ạt các ngôi sao nước ngoài chuyển tới nước Anh mùa hè vừa qua và thực trạng "ngồi trên đống lửa" của Steve McClaren trước vòng loại Euro 2008.

Trevor Brooking, Giám đốc phát triển của FA

Chỉ còn 4 ngày nữa thôi, ĐT Anh sẽ bước vào 2 trận đấu quyết định vận mệnh của họ tại Vòng loại Euro 2008 - gặp ĐT Israel vào thứ 7 (8/9), ĐT Nga vào giữa tuần sau, và người ta đang chứng kiến Steve McClaren phải "vò đầu bứt tai" vì có quá nhiều trụ cột trên hàng công vắng mặt.

Wayne Rooney, David Beckham, Lampard dính chấn thương, Peter Crouch bị treo giò trận gặp Israel. Cựu HLV Boro đã buộc phải gọi trở lại tiền đạo tưởng như đã hết thời Emile Heskey và cầu thủ trẻ chưa mấy tên tuổi Ashley Young, bên cạnh những cái tên chỉ ở mức trung bình Defoe, Andy Johnson và Alan Smith.

Trong bối cảnh đó, thật trớ trêu khi niềm tin lớn nhất của xứ Sương mù được đặt vào Michael Owen - cầu thủ vừa mới trở lại sau 1 năm vật lộn chấn thương và vẫn đang chỉ là dự bị tại St James Park. Thực tế đáng buồn này không khỏi khiến những người chăm lo cho sự phát triển của bóng đá Anh lo nghĩ.

Phát biểu trên BBC, Giám đốc phát triển của LĐBĐ Anh Trevor Brooking khẳng định: "Kiến tạo và ghi bàn luôn là thách thức lớn đối với những trận đấu của ĐT Anh trong những năm qua và nó sẽ không thể cải thiện trừ khi chúng ta tập trung vào việc phát triển tài năng trẻ".

Những tài năng trẻ như Theo Walcott ít có dịp được cọ xát

Nhưng điều quan trọng nằm ở chỗ cái mà vị lãnh đạo này nói về "tập trung phát triển tài năng trẻ" lại đang bị đe dọa nghiêm trọng tại nước Anh bởi sự gia tăng số lượng cầu thủ nước ngoài tại Premiership - cơ hội cọ xát và phát triển của cầu thủ nội địa ngày càng bị "bóp nghẹt" và không đâu khác, ĐTQG là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất, như tình cảnh đề cập ở trên. 

Con số thống kê

* Chỉ có 37% cầu thủ ra sân chính thức ở vòng đầu tiên Premiership mùa này là người Anh, giảm quá nhiều so với con số 76% năm 1992.

* Năm 1992, chỉ có 23 cầu thủ (10%)  ra sân chính thức ở vòng đầu tiên không thuộc Vương quốc Anh, con số đó giờ đã là 123 (56%).

* Tính tới hết vòng 5, các cầu thủ nước ngoài là tác giả của 69% tổng số bàn thắng của Premier League. Trong 3 bàn phản lưới nhà, họ cũng sở hữu tới 2.

Chỉ mới có 7 tiền đạo người Anh "nổ súng", chiếm vỏn vẹn 9 (7,62%) trong tổng số 118 bàn thắng được ghi

Theo thống kê mới nhất của BBC, chỉ trong một năm qua số tiền mà các CLB "ném" vào thị trường chuyển nhượng tăng vọt từ 333 triệu lên tới 531 triệu bảng, trong đó phần lớn dành để mua những cầu thủ không phải người Anh.

Sự gia tăng đột biến này, theo Brooking, khiến các tài năng trẻ nội địa ngày càng bị thu hẹp cơ hội ra sân và chính nó giải thích tại sao ĐT Anh gần đây không giành được kết quả đáng hài lòng trong những giải đấu lớn.

Ông cho biết: "Mùa giải trước, có 40% cầu thủ ra sân trong đội hình chính thức tại Premiership là người Anh, song nhìn vào những cuộc mua bán rầm rộ mùa hè này, con số đó có thể giảm xuống dưới 1/3 (!). Vậy thì thử hỏi cơ hội nào dành cho các tài năng trẻ người Anh từ 17-21 tuổi ra sân trong đội hình chính thức?

Nếu bạn nhìn vào Italia khi họ giành World Cup cách đây 1 năm, tôi dám khẳng định cầu thủ nội địa của họ chiếm tới 70% giải VĐQG. TBN, Pháp và Hà Lan cũng ở gần con số đó. Đức không thực sự vượt trội so với Anh nhưng quan trọng là chúng tôi giữ tỷ lệ thấp nhất trong nhóm những nước có nền bóng đá phát triển".

Trevor Brooking bức xúc, đó là điều dễ hiểu nhưng hiện tại, thực trạng vẫn là thực trạng, tài năng trẻ bóng đá Anh vẫn đang bị "bóp nghẹt" trước làn sóng ồ ạt của các ngôi sao nước ngoài. Ông nói riêng và FA nói chung đang phải chấp nhận nó, đặc biệt là khi làn sóng các ông chủ nước ngoài tràn vào sở hữu các đội bóng Anh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

(Theo Dân Trí)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X