- Chelsea chỉ là ứng viên vô địch thứ yếu tại Champions League
- Chelsea chuẩn bị trói chân Hazard bằng mức lương kỷ lục
- Cesc Fabregas: "Giám đốc nghệ thuật" của Chelsea
Tháng 12/2013, trước khi gặp West Ham: “Mùa sau chúng tôi sẽ mạnh hơn.” Tháng 1/2014, sau khi kỳ chuyển nhượng mùa đông kết thúc: “Mùa sau chúng tôi sẽ có thêm hai thương vụ và sẽ mạnh hơn.” Tháng 4/2014, sau khi bị loại khỏi Champions League: “Atletico đã chơi rất tốt, nhưng mùa sau chúng tôi sẽ trở lại và mạnh mẽ hơn.” Còn rất nhiều ví dụ khác.
Mourinho luôn thành công ở mùa thứ hai
Đây không chỉ đơn thuần là một niềm tin. Ricardo Carvalho, một học trò cưng của Người Đặc Biệt tại Porto và Chelsea trước kia từng lý giải vì sao đội bóng của ông thầy luôn thành công trong mùa giải thứ hai: “Đó là bởi các cầu thủ đã hiểu nhau rõ hơn và hiểu ông ấy [Mourinho] rõ hơn.”
Rui Faria, trợ lý đã gắn bó với Mourinho từ năm 2003, từng tiết lộ trong một buổi thuyết giảng tại Mỹ rằng khi họ mới cùng nhau đến một CLB, mọi thứ có thể phân tích được từ mùa giải kề trước đều chỉ là câu chuyện của một HLV khác. “Sau một mùa, chúng tôi phân tích được cặn kẽ hơn bằng dữ liệu của chính mình. Nhìn 12 tháng vừa trải qua, chúng tôi có tới gần 60 trận đấu để tự đánh giá.”
Đó chính là lý do vì sao Mourinho luôn thành công trong mùa thứ hai: ông nắm được những thứ mình cần sau một quá trình tự đánh giá công phu để bổ sung một cách phù hợp. Với triều đại thứ hai tại Chelsea, câu trả lời của ông là Cesc Fabregas và Diego Costa.
“Chơi trước mặt Cesc Fabregas là một giấc mơ của Diego Costa” - Mourinho tâng bốc học trò trước thềm trận khai màn chiến dịch Champions League. Dĩ nhiên, giấc mơ ấy của Costa không bỗng nhiên trở thành hiện thực.
Tiền đạo mang hai quốc tịch Brazil và Tây Ban Nha được coi là phù hợp với Chelsea ngay từ khi những tin đồn mới xuất hiện với mật độ “mỏng” ở cuối mùa trước. Tại Atletico Madrid, anh là một đầu tàu thực thụ với nhiệm vụ kéo tập thể về phía trước. Không phủ nhận rằng những cỗ máy sau lưng Costa luôn hoạt động mạnh mẽ, nhưng anh phải làm quá nhiều điều. Từ tự cầm bóng đột phá, kéo giãn hàng thủ đối phương, càn quét từ xa và mang về bàn thắng - tất cả đều nằm trong phạm vi nhiệm vụ của anh.
Ở Chelsea, mọi thứ đã khác khi mặt bằng chất lượng cầu thủ là vượt trội. Costa cho đến nay chỉ phải thực hiện một nhiệm vụ duy nhất: chọc thủng lưới đối phương. 7 bàn sau 4 trận là một thành tích quá đáng nể cho bất kỳ chân sút nào. Chưa kể rằng Costa mới chỉ “chân ướt chân ráo” đến với Premier League, thành tích này đã đưa anh vượt qua Didier Drogba huyền thoại.
Phép cộng hoàn hảo
Nhưng không phải ngẫu nhiên Costa lại nổ súng liên tục. Đúng như Mourinho nói, công lớn vẫn là của Fabregas - gã “bồi bàn” lý tưởng cho kẻ “đói khát” bàn thắng như cựu cầu thủ Atletico.
Đến nay, Fabregas đã có 4 pha kiến tạo cho Costa, tương đương 67% tổng thành tích “dọn cỗ” của anh. Mối liên kết giữa hai cầu thủ tưởng chừng trái ngược hoàn toàn nhau lại hiện hữu chắc chắn đến bất ngờ.
Với Mourinho, Fabregas được thỏa sức “tung hoành” trong một lối chơi đầy tốc độ mà anh chính là bộ não quan trọng nhất. Tại Barcelona, dù có những thống kê về hiệu suất thi đấu đầy ấn tượng nhưng rõ ràng sự chậm rãi trong cách chuyền qua lại đã khiến Cesc không thể hiện được hết điểm mạnh của bản thân. Mỗi trận tại Barca mùa trước, anh tạo ra 1.61 cơ hội, trong khi con số ấy mùa này là 4 - sự gia tăng quá đáng kể.
Vậy chúng ta nên khen cặp Fabregas - Costa cho sự hòa nhập nhanh chóng của họ, hay nên dành sự tán thưởng cho Jose Mourinho? Nghĩ lại lời khẳng định “thêm hai thương vụ” của Người Đặc Biệt, dường như mọi thứ chưa bao giờ là một sự thử nghiệm, đánh cược đơn thuần về khả năng hòa nhập của tân binh. Mourinho vẫn luôn tin, luôn biết rằng mình sẽ đúng. Chelsea sẽ vươn xa bao xa trong mùa giải này?
Theo Thể Thao Văn Hoá