Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Canh bạc của Sir Alex: Từ van Nistelrooy đến Michael Owen

Thứ Bảy 04/07/2009 14:39(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) – Năm 2001, khi Sir Alex bỏ ra 19 triệu bảng để đưa “bệnh nhân Hà Lan” Ruud van Nistelrooy về Old Trafford, không ít người cho rằng ông già gân ấy đã mắc phải sai lầm chết người. Thế nhưng, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Và đúng 8 năm sau, ông lại chiêu mộ một “bệnh nhân” khác, đó là Michael Owen.

Thực ra, MU đã đạt được thỏa thuận với CLB chủ quản của van Nistelrooy bấy giờ là Eindhoven ngay trong năm 2000. Tuy nhiên, chấn thương rách dây chằng đầu gối của tiền đạo người Hà Lan khiến anh cập bến Old Trafford muộn một năm. Vượt qua những nghi ngại từ NHM và ám ảnh chấn thương, “van Gol” nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, ghi tới 23 bàn sau 32 trận ra sân ngay ở mùa giải đầu tiên. Sau 5 mùa giải khoác áo Quỷ đỏ, anh lập công tổng cộng 150 lần trong 219 trận ra sân, hiệu suất ghi bàn đáng nể. Được xem như tiền đạo xuất sắc nhất của MU dưới thời Sir Alex, sau Eric Cantona, van Nistelrooy thực sự là canh bạc mang lại thắng lợi lớn về mặt chuyên môn cho vị chiến lược gia người Scotland.

Cỗ máy ghi bàn siêu đẳng Ruud van Nistelrooy thậm chí
còn gặp chấn thương nặng hơn Michael Owen trước khi tới MU

Sau khi van Nistelrooy chia tay MU, đồng thời “sát thủ có gương mặt trẻ thơ” Ole Gunnar Solskjaer treo giày, đội chủ sân Old Trafford dường như vắng bóng hình ảnh của một tay săn bàn xuất chúng chơi ở vị trí tiền đạo cắm đích thực. Tháng 4/2009, thành Manchester xôn xao vì sự xuất hiện của “Gà son” Macheda, người ghi hai bàn thắng quan trọng vào lưới Sunderland và Aston Villa, quyết định chức vô địch Premiership của MU. Nhìn vào bản chất của vấn đề, người ta mới giật mình nhận ra Sir Alex phải mạo hiểm trao niềm tin cho “cậu nhóc” 17 tuổi người Italia, khi mà những Tevez, Rooney hay Berbatov không thể hiện được mình. Thế nhưng, ngay cả Macheda cũng cần phải rèn giũa thêm trước khi đủ sức gánh vác trọng trách trên hàng công Quỷ đỏ.

Với vẻn vẹn 68 bàn thắng được ghi, MU là nhà vô địch có ít bàn thắng nhất trong số những giải đấu hàng đầu châu Âu mùa 2008/09. Thậm chí, Inter Milan, CLB chơi ở Serie A khốc liệt và khoa học, cũng nhỉnh hơn Quỷ đỏ về số bàn thắng ghi được (70), chưa nói gì đến Barcelona (105). Ở đấu trường châu Âu, MU chơi ngày càng chặt chẽ, thực dụng; đánh mất phong cách tấn công đẹp mắt mà họ từng theo đuổi. Phải chăng, MU đang thiếu một poacher (tay săn bàn) để thổi lửa vào lối chơi của mình?

Nỗi niềm của các CĐV Quỷ đỏ bắt đầu biến thành sự lo lắng, bồn chồn khi Sir Alex mở toang cánh cửa Old Trafford để Ronaldo đến Madrid. Trong bối cảnh ấy, MU phải xắn tay “shopping” là điều tất yếu. Song, thay vì Benzema, David Villa hay Ribery, họ lại kí hợp đồng với cầu thủ “mãi không lớn”  - thần đồng bóng đá Anh Michael Owen. Đây thực sự là cú sốc lớn trong làng bóng đá xứ sở sương mù. Cựu  cầu thủ Liverpool, Real Madrid và Newcastle sẽ khoác áo Quỷ đỏ trong thời gian 2 năm, hưởng lương 30 nghìn bảng/ tuần (sẽ tăng thêm tùy vào phong độ và đóng góp cho đội bóng).

Larsson để lại sân Old Trafford 3 bàn thắng cùng những kỷ niệm đẹp

Nếu coi đây là một canh bạc lớn của Sir Alex sẽ không hoàn toàn chính xác. Bởi MU không phải chấp nhận nguy cơ rủi ro cao khi chiêu mộ Owen theo dạng chuyển nhượng tự do (không mất phí chuyển nhượng). Vì vậy, có thể nói đây là nước cờ độc đáo và đột phá mà Sir Alex hy vọng sẽ mang lại dấu hiệu tích cực cho MU mùa giải mới. Trong 4 năm khoác áo Newcastle, Owen sút tung lưới đối phương 23 lần sau 62 trận đấu, đạt hiệu suất 2,69 trận/ bàn. Với một đội bóng có quá ít nhân tài như Chích chòe, thiếu vắng những cây chuyền hàng đầu, thì hiệu suất ấy là khá ấn tượng. Trong khi Tevez chỉ lập công 34 lần trong 99 trận đấu ở Manchester United, đạt hiệu suất 2,97 trận/ bàn (riêng mùa vừa rồi là 3,4 trận/ bàn).

Việc Owen tới Old Trafford khiến NHM Quỷ đỏ nhớ lại nhiều kỷ niệm đẹp trong quá khứ. Đó là thành công ngoài mong đợi của van Nistelrooy và gần đây nhất là bản hợp đồng cho mượn gây chấn động làng bóng đá châu Âu của Henrik Larsson đầu năm 2007. Tưởng rằng sẽ trở về quê nhà “dưỡng già”, thì cựu cầu thủ của Barcelona lại tìm đến MU theo lời mời của Sir Alex và để lại dấu ấn khó phai trên cả ba đấu trường: FA Cup, Premieship và Champions League.

So với Larsson, Owen vẫn còn khá trẻ và chưa hề bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Ở tuổi 29, anh có thể chơi bóng ở phong độ cao nhất thêm vài mùa giải nữa. Điều đáng ngại duy nhất chính là chấn thương liên miên của Owen trong suốt 4 năm khoác áo Chích chòe. Tuy nhiên, một khi thoát khỏi ám ảnh giường bệnh, Owen hứa hẹn sẽ tiếp bước thành công của van Nistelrooy năm nào.

Owen và Rooney sẽ lại tái hợp trong màu áo MU và Tam Sư?

Bản hợp đồng vừa được kí sẽ là bước ngoặt cho nhiều phía, từ Michael Owen, Sir Alex Ferguson, Fabio Capello, Wayne Rooney, Manchester United tới ĐT Anh. Dưới tầm ảnh hưởng quá lớn của Ronaldo, thành tích ghi bàn của Rooney ở hai mùa giải gần đây cứ giảm dần. Anh lập công tổng cộng 38 lần, so với con số 67 của Ronaldo. Thay vì vai trò trung phong cắm cao nhất trên hàng công như trước, R10 phải thích ứng với lối chơi giạt sang cánh trái để hỗ trợ đồng đội, lãng phí tài năng của một “mãnh thú” săn bàn đã được khẳng định.

Một khi đá cặp cùng Owen, người đồng đội một thời trong màu áo Tam sư, khả năng săn bàn của Rooney chắc chắn sẽ được cải thiện đáng kể. Cùng với nhau, họ đã sát cánh trong 29 trận đấu ở ĐT Anh; trong đó có 17 trận thắng, 5 trận hòa và ghi được 54 bàn thắng. Owen sẽ có cơ hội tập dượt cùng Rooney trên hàng công trước thềm World Cup 2010. Tuy nhiên, việc đầu tiên anh cần làm lúc này là thuyết phục được Fabio Capello triệu tập trở lại ĐTQG. Tài năng trẻ được khám phá ở World Cup 1998 đã không có tên trong danh sách tuyển thủ Tam Sư từ tháng 3/2009 khi để mất vị trí vào tay Darren Bent và Gabriel Agbonlahor. Ở Manchester United, thách thức và cũng là vinh quang đang chờ đợi Quả bóng vàng châu Âu 2001 chinh phục!
 

Có Owen, MU sẽ chơi với chiến thuật nào?

HLV Ferguson có thể giữ nguyên chiến thuật mà ông ưa dùng ở mùa giải vừa rồi, nhất là giai đoạn cuối mùa bóng. Đó là kéo Rooney giạt sang cánh trái, mặc dù R10 không hẳn thích thú với vị trí này, để Dimitar Berbatov hỗ trợ cho Owen trong sơ đồ 4-2-3-1. Để khả năng này xảy ra, Owen phải chứng thực được phong độ cao và ổn định của mình, đủ sức chơi ở vị trí cao nhất trên hàng công.

Tuy nhiên, Sir Alex chắc hẳn chưa thể mạo hiểm với trung phong cắm duy nhất Owen, ít nhất là thời điểm khởi đầu mùa bóng. Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, anh sẽ không đơn độc trên hàng công khi chơi cặp cùng một tiền đạo khác trong hệ thống 4-4-2, được sự hỗ trợ từ số đông tiền vệ bên dưới. Những trận đấu với các đối thủ “nhẹ kí” hơn sẽ là cơ hội tốt nhất để Owen thể hiện mình trong sơ đồ này.

Cuối cùng, một khả năng khác rất dễ xảy ra cũng được nhắc tới, đó là Owen sẽ đóng vai trò giống như Solskjaer trước đây: một siêu dự bị biết ghi những bàn thắng quan trọng!?


  • Phong Hải

Có thể bạn quan tâm

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Từ kiên cố như Arsenal đến bất ổn như Man Utd: Các tổ hợp trung vệ ở Premier League đang chơi thế nào?

Nhân dịp Arsenal đang đạt được vị thế một ứng cử viên cho chức vô địch Premier League mùa giải này dựa trên “nền móng” là cặp trung vệ Gabriel Magalhães và William Saliba, sẽ rất thú vị nếu chúng ta tiến hành một cuộc “điều tra” về tình trạng hiện tại của các tổ hợp trung vệ còn lại ở giải đấu này.

Video

Xem thêm
top-arrow
X