Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Cận cảnh "thủ phạm" khiến Rooney suýt phải treo giày

Thứ Hai 10/09/2012 13:22(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nhìn vào vết cắt của vết thương trên đùi Rooney, hẳn ai cũng thấy rùng mình. Không chỉ vì người ta vốn hãi khi nhìn thấy máu, mà còn vì những lý do khác nữa…

Ở trận M.U thắng Fulham 3-2, pha va chạm giữa Rodallega với Rooney đã khiến chủ công của tuyển Anh phải vắng mặt ở 2 trận đầu vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Âu. Vết cắt trên đùi Rooney dài và sâu đến nỗi theo chẩn đoán, nếu chỉ ăn sâu thêm 1mm nữa thôi, tình trạng mất máu ồ ạt sẽ xảy ra, và có thể dẫn đến tử vong nếu nạn nhân không được cấp cứu trong vòng 10 phút. Quy kết lại là Rodallega đã quá nhiệt và dữ dằn khi vào bóng. Nhưng không chỉ mình Rodallega đủ khiến Rooney chấn thương đến mức độ ấy. Tiếp “chân” cho Rodallega chính là “lưỡi dao sát thủ”: đôi Vapour VIII của Nike.

 

Được mang cái tên mỹ miều (Vapour có nghĩa là “hơi nước” trong tiếng Anh), Vapour VIII mang kỳ vọng lớn nhằm giúp các cầu thủ đạt tốc độ bùng nổ hơn nữa. Đó chính là lý do các cầu thủ chạy cánh rất ưa chuộng đôi giày nhẹ, thời trang và nhiều trợ năng này. Nhưng chính những cấu tạo từ sợi carbon, hợp kim nhôm và nhựa để cấu thành những chiếc đinh dẹt, (mà tiếng Anh dùng từ “lưỡi dao” để mô tả), lại là hung thần với những ai lỡ đụng độ với Vapour VIII. Những chiếc đinh dẹt sắc lẹm của Vapour VIII rất dễ gây rách cơ, đứt mạch máu hoặc gãy xương bàn chân cho các nạn nhân. Chính vì lẽ đó, sau chấn thương của Rooney, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) đã quyết định điều tra tác hại của giày đinh dẹt trong bóng đá.

Còn nhớ tháng 9/2005, sau chấn thương gãy xương bàn chân của Roy Keane cũng vì giày đinh dẹt, HLV Ferguson đã kêu gọi cấm cửa loại giày này trong bóng đá Anh. Cùng lên tiếng với ông còn có nhiều nhân vật khác nữa như HLV Neil Warnock và cả Ian Millward, HLV môn bóng bầu dục. Ở bộ môn bóng bầu dục vốn rất cần tốc độ, giày đinh dẹt là thời thượng và đã gây ra nhiều vụ chấn thương trầm trọng hơn cả bóng đá. Nhưng tiếng nói của họ đều lọt thỏm vào hư không trong trào lưu “nhanh hơn, mạnh hơn”. Và, với ý thức của một người có uy tín, Fergie tuyệt đối cấm cầu thủ M.U dùng giày đinh “lưỡi dao”. Vì theo ông, “Nike đang cổ súy lũ trẻ con mua những đôi giày ấy theo thần tượng của mình”.

Giày đinh “lưỡi dao” được ra mắt hồi thập niên 90 và nhanh chóng được ưu chuộng khi bóng đá ngày càng đòi hỏi tốc độ. Nó được coi là một cải tiến và có thể nói, những chiếc đinh “lưỡi dao” bây giờ đã chiếm đa số trên thị trường giày bóng đá so với loại đinh tán tròn truyền thống. Nhưng Vapour VIII, thứ được coi là nhỏ và nhẹ ấy, hóa ra đang đem tới vấn đề không nhỏ và nhẹ chút nào. Nhiều cầu thủ dính chấn thương trầm trọng từ loại đinh dẹt nhỏ nhẹ ấy đã phải ngậm ngùi vì tác hại về sau của vết thương. Thậm chí Vapour VIII đã làm hỏng sự nghiệp đầy tương lai của họ.

Đã đến lúc người ta cần nghiêm túc xem lại lời kêu gọi cấm giày đinh “lưỡi dao” của Fergie 7 năm trước và nhìn nhận việc ông cấm cầu thủ M.U sử dụng loại giày đó là một bước tiên phong mang đầy tính văn minh. Thời hạn kiểm nghiệm 7 năm cũng đã là quá đủ đối với một chiếc đinh nhỏ và nhẹ như thế rồi…

Trọng tài phải nhận một phần trách nhiệm

Người ta có thể trách Rodallega vào bóng ác ý; trách Nike thiết kế loại giày “sát thủ” nhưng người ta cũng cần phải trách những trọng tài khi họ bị xem là đã “tiếp tay” cho loại giày lưỡi dao bởi sự vô trách nhiệm của mình.

Nếu bạn vào sân và còn đeo dây chuyền hay nhẫn, trọng tài sẽ buộc bạn phải tháo ra bởi nó có thể gây chấn thương cho đối thủ. Nhưng hầu như chưa ai chấn thương, dù một số cầu thủ vẫn được mang nhẫn vào sân (Raul chẳng hạn). Còn chấn thương vì giày lưỡi dao thì đầy mà tiếc thay, chưa trọng tài nào bắt thay giày khi nhìn thấy cầu thủ vào sân cùng những cái đinh sắc nhọn dưới đế.

Ở ca chấn thương của Rooney, Hiệp hội cầu thủ nhà nghề Anh đang làm rõ liệu trọng tài Phil Gibbs có kiểm tra kỹ giày của Rodallega trước khi anh vào sân hay không. Và nếu có xem lại băng video, kể cả Phil Gibbs có kiểm tra đi nữa, ta sẽ nhận ra việc kiểm tra đó chỉ là lấy lệ.

Các trọng tài bàn khi dẫn cầu thủ ra thay người vẫn yêu cầu cầu thủ lật gầm giày lên để kiểm tra. Song điều ta vẫn thấy qua TV dường như là họ nhìn như chiếu lệ mà thôi. Đơn giản, cầu thủ toàn đi giày của những thương hiệu lớn như Adidas, Nike, Puma… Và chính vì “tin tưởng” vào các thương hiệu toàn cầu ấy mà trọng tài bỏ qua luôn chuyện những cái đinh sắc lẹm ra sao, có khả năng gây nguy hiểm đến thế nào.

(Theo báo Bóng Đá)

 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X