Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Các HLV người Anh: Thất thế ngay trên “sân nhà”

Thứ Sáu 23/12/2016 13:15(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h.vn) – Có một thực tế có thể sẽ khiến tất cả phải bất ngờ, đó là chưa có một HLV người Anh nào giành được danh hiệu Premier League trong lịch sử. Hơn nữa, thành tích của họ ngày càng trở nên khiêm tốn và nghèo nàn.

Trong vài năm trở lại đây, người Anh đang rất đau đầu khi những cầu thủ bản địa tài năng của họ ngày càng hiếm và có ít ảnh hưởng đến với bóng đá châu lục cũng như thế giới. Tại VCK EURO 2016 vừa qua, một Rooney dù xuống phong độ, vẫn là ngôi sao sáng nhất của ĐT Anh, chừng đó là đủ để hiểu tại sao đội tuyển này trắng tay trong suốt nửa thế kỷ qua, đồng thời bị Iceland đá văng khỏi nước Pháp một cách đáng xấu hổ. Tuy nhiên, một vấn đề không kém phần nghiêm trọng nhưng ít được nhắc đến hơn đang ngày càng trở nên trầm trọng, đó là người Anh khan hiếm một HLV giỏi.

Cac HLV nguoi Anh That the ngay tren san nha hinh anh goc
Alan Pardew bị sa thải khiến người Anh chỉ còn 3 HLV tại Premier League

Việc Alan Pardew bị Crystal Palace sa thải chỉ 3 ngày trước lễ Giáng sinh đã khiến số lượng những HLV người Anh có mặt tại Premier League lúc này chỉ còn ở con số 3. Đó là Sean Dyche (Burnley), Mike Phelan (Hull City) và Eddie Howe (Bournemouth). Trong số này, Eddie Howe là niềm hy vọng lớn nhất và duy nhất của người Anh hiện tại. Những gì mà ông đã làm được cho Bournemouth trong những năm qua thực sự là một kỳ tích, nhưng thành tích ấy vẫn chưa thấm vào đâu so với thực trạng đi xuống ồ ạt của những HLV người Anh.

Mùa giải trước, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Anh, không một HLV người Anh nào dẫn dắt một đội bóng có mặt trong top 10 của Premier League vào cuối mùa. Tình trạng đó hoàn toàn có thể tái diễn trong mùa 2016/17 này nếu như Eddie Howe không thể làm nên bất ngờ. Rõ ràng Burnley hay Hull City chỉ có thể là những đội bóng cố gắng trốn tránh suất xuống hạng.

Eddie Howe thua nhan tran thua tam phuc khau phuc
Eddie Howe là niềm hy vọng duy nhất của người Anh lúc này

Thêm một thống kê nữa đáng hổ thẹn, đó là kể từ năm 2000 đến nay, mới chỉ có 2 HLV người Anh đưa được một CLB lọt vào top 4, đó là Sir Bobby Robson với Newcastle năm 2003 và Harry Redknapp với Tottenham năm 2010 và 2012. Trong số này thì huyền thoại Bobby Robson đã không còn, trong khi Redknapp cũng phiêu bạt sang tận Jordan ở tuổi 69. Ngoài ra, Roy Hodgson và Sam Allardyce và thế hệ trẻ hơn chút như Stuart Pearce, Nigel Adkins đều đang thất nghiệp và dần chuyển sang công tác bình luận.

Đó là những thực tế không thể chối cãi mà người Anh đang đi tìm hiểu gốc rễ của vấn đề. Nổi bật và dễ thấy nhất chính là sự phát triển quá vững chắc của giải bóng đá ngoại hạng Anh. Premier League ngày càng nổi tiếng và có sức hút trên toàn thế giới, cơ hội cho những cầu thủ người Anh và cả các HLV người bản địa cũng vì thế mà hẹp đi.

Bằng chứng là trong giai đoạn kể từ năm 1956 đến 1985, các HLV Anh đã giành 24 danh hiệu châu Âu lớn nhỏ, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, nhưng kể từ đó cho đến nay, họ mới chỉ có đúng 1 danh hiệu, đó là chức vô địch cúp Liên lục địa mà Sir Bobby Robson giành được năm 1997 với Barcelona. Thành tích đó không những thua xa các HLV của Ý, Tây Ban Nha hay Hà Lan, mà còn bị Scotland, Romania hay Thuỵ Điển vượt mặt.

Cac HLV nguoi Anh That the ngay tren san nha hinh anh goc 2
Gary Neville đã thất bại thảm hại ở Valencia

Các HLV trẻ người Anh nếu như không phải tự mình đưa đội bóng đến với Premier League như Sean Dyche hay Eddie Howe, thì họ sẽ không bao giờ có cơ hội thể hiện tại giải đấu được cho là hấp dẫn nhất hành tinh này. Championship chắc chắn không phải một giải đủ tầm để giúp họ khẳng định được bản thân, vì thế mà cơ hội dành cho những chiến lược gia trẻ tuổi người Anh ngày càng bị thu hẹp.

Cơ hội chuyển sang nước ngoài làm việc đối với họ cũng gặp phải rất nhiều rào cản, đặc biệt là về ngôn ngữ. Bất kỳ HLV nào có trình độ tại châu Âu cũng có thể giao tiếp tiếng Anh thông thường với các cầu thủ, để họ có thể làm việc tại Premier League mà không đối mặt với rào cản, nhưng ngược lại, không phải HLV người Anh nào cũng biết tiếng Pháp, Đức, Italia hay Tây Ban Nha. Những trường hợp thất bại gần nhất của Gary Neville tại Valencia, hay David Moyes ở Real Sociedad đã cho thấy tất cả.

Có thể nói rằng chính việc chậm chạp trong thay đổi phong cách thi đấu cũng như các phương pháp huấn luyện đã khiến các cầu thủ và HLV người Anh dần đánh mất chỗ đứng so với những người đồng nghiệp ngoại quốc. Và khi Premier League ngày càng trở nên toàn cầu hoá như hiện nay, cơ hội để người Anh lấy lại được bản sắc ngày càng bị thu hẹp và họ sẽ càng thụt lùi hơn.

Hàn Phi – (Thể Thao Việt Nam)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X