Doanh thu từ bản quyền truyền hình của Premiership liên tục gia tăng nên nhiều CLB hàng đầu vẫn thoải mái tiêu tiền bất chấp tình trạng thua lỗ.
West Ham là một trong những CLB “chúa Chổm” tại Anh
Điều đáng nói là không chỉ những đội bóng thuộc Premiership làm ăn thua lỗ, bức tranh tài chính đen tối còn lan sang cả các giải đấu hạng dưới ở nước Anh. Tình trạng nợ nần giờ đây đang là nỗi ám ảnh lớn nhất tại Championship (hạng Nhất). Tổng nợ của giải đấu này hiện lên đến con số 560 triệu bảng. Tính ra, Championship gánh tới 80% số nợ của cả hệ thống Football League. Con số này nhiều khả năng sẽ gia tăng ở mùa giải tới bởi trong số 3 CLB vừa từ Premiership rơi xuống Championship có cả “chúa Chổm” West Ham.
Trước tình trạng bi đát về tài chính, mới đây FA đã mời 24 CLB thuộc Championship tham dự cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ. Phương án “mức lương trần” được đưa ra bàn thảo nhưng không nhận được sự nhất trí của phần lớn thành viên. Tuy nhiên các bên cũng thống nhất sẽ bàn bạc và đề ra một số quy chế nhằm ngăn chặn đà chi tiêu khủng khiếp hiện nay. Diễn biến trên phần nào cho thấy những người làm công tác quản lý bóng đá xứ Sương mù không còn hô hào suông như trước mà đã bắt tay tìm giải pháp.
Khác với tình hình ở Championship, các đội bóng thuộc Premiership lại tỏ ra khá dửng dưng dù đang phải gánh số tiền nợ khổng lồ. Dù làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất nhưng những CLB hàng đầu nước Anh vẫn chi đậm trên thị trường chuyển nhượng. Mới đây, Liverpool mua Henderson với giá 20 triệu bảng. Man United cũng chi tới 16 triệu bảng cho Phil Jones, một hậu vệ mới bước qua tuổi 19. Khác với Championship, doanh thu từ bản quyền truyền hình của Premiership liên tục gia tăng thời gian qua. Chính vì thế mà nhiều CLB hàng đầu vẫn thoải mái tiêu tiền bất chấp tình trạng thua lỗ. Có lẽ phải đến khi một ông lớn nào đó vỡ nợ, Premiership mới cảm thấy mối đe dọa của những khoản tiền đi vay đang ngày một lớn dần.
Theo Bongdaplus