Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Anh một năm nhìn lại: Giật mình giữa ảo mộng

Thứ Năm 31/12/2009 09:10(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tháng Tư, khi Liverpool vừa mới “dẫm nát” Real Madrid tại Champions League, không ai nghĩ rằng chỉ 8 tháng sau, họ đã trở thành ƯCV vô địch của… Europa League. Và đó không chỉ là câu chuyện của riêng Liverpool, mà dường như còn là của toàn bộ Premiership.

Nhìn xa hơn những chiến thắng ấn tượng của Liverpool và việc M.U hai năm liền lọt vào chung kết Champions League, nhìn xa hơn cái mà báo chí châu Âu gọi là “sự thống trị của người Anh”, là những ngày tháng tươi đẹp cùng với số tiền khổng lồ được ném ra TTCN, là những kỷ lục chi tiêu liên tục bị phá. Những CLB Anh đã bán tương lai để mua hiện tại, mua một cơn ảo mộng kéo dài.

Và rồi cơn ảo mộng kết thúc chỉ sau một mùa Hè. Ngày trả nợ đến. M.U bán Cristiano Ronaldo, Liverpool bán Alonso, Arsenal bán Adebayor và Chelsea “cắn răng” mua thêm được một cầu thủ mà cho đến lúc này vẫn chưa biết dùng vào việc gì (Zhirkov). Premiership mang một bộ mặt u ám.

Liverpool: Đội bóng sụp đổ nhanh nhất trong năm nay

Liverpool bị loại khỏi Champions League chỉ là phần nổi của tảng băng, với phần chìm bên dưới lớn hơn rất nhiều, với sự sa sút thấy rõ của Big Four tại Premiership, nơi họ đã luôn lấy điểm từ phần còn lại dễ như lấy từ trong túi áo.

Những CLB Anh đã quá chủ quan với bản hợp đồng BQTH trị giá 1,6 tỷ bảng của BskyB. Đã có lúc họ thống trị thật, nhưng cái giá để trả cho hư danh ấy quá lớn, lớn hơn những gì họ có thể kiếm được. Ngay từ giữa mùa giải trước, giới chức bóng đá Anh và châu Âu đã lên tiếng lo ngại về những khoản nợ khổng lồ của 20 CLB Premiership. Và lời cảnh báo đã có dấu hiệu thành hiện thực ngay trong năm 2009 này.

2009 là năm Premiership giật mình. Giật mình vì hóa ra CLB có doanh thu lớn thứ nhì hành tinh (M.U) cũng làm ra không đủ tiền để… trả lãi ngân hàng. Giật mình vì sau khi tỷ phú Bjorgolfur Gudmundsson phá sản, thì West Ham cũng trở thành một kẻ khốn cùng. Giật mình vì ông chủ Abramovich của Chelsea đã nói thẳng với chủ tịch UEFA Platini rằng ông đã chán ghét việc mất cân bằng thu chi. Giật mình trước những lời dọa dẫm của UEFA về việc cấm thi đấu tại đấu trường châu Âu.

Đến Richard Scudamore, GĐĐH Premiership mới chỉ một năm trước thôi còn gân cổ lên chỉ trích FA vì “dám” quan ngại cho tình hình nợ nần của giải đấu, năm nay cũng đã “giật mình” mà tính chuyện thanh tra tài chính các CLB.

Và khi Premiership giật mình tỉnh giấc, thì người Anh lại bắt đầu nuôi một cơn ảo mộng khác, như một căn bệnh cố hữu.

Đội tuyển Anh đã lọt vào VCK World Cup 2010 với thành tích thắng 9/10 trận vòng bảng. Và bây giờ, ngoại trừ chính Fabio Capello, thì từ John Terry, Frank Lampard cho tới báo chí Anh, ai cũng nói về “chức vô địch World Cup”.

Đúng là thành công của đội tuyển Anh là rất đáng ghi nhận, và nó trở thành điểm sáng lớn nhất trong một năm Premiership đang có dấu hiệu chững lại. Nhưng lại một lần nữa, người Anh đưa khái niệm “lạc quan thái quá” lên một tầm cao mới. Và cũng như sự lạc quan tếu của Premiership, rất có thể chính sự chủ quan sẽ làm hại họ.

Ảo mộng và niềm tin chính đáng cách nhau một lằn ranh rất mỏng. Năm 2009 đã nói lên điều đó. Và hy vọng rằng, năm 2010, khi VCK World Cup diễn ra, mệnh đề ấy không được nhắc lại.

5 nét chấm phá của bóng đá Anh năm 2009

Bức tranh đa sắc của bóng đá Anh năm 2009 để lại rất nhiều ấn tượng. Trong đó, có lẽ đáng nhớ nhất phải kể đến những nét vẽ chủ đạo mang tính quyết định dưới đây.

Cristiano Ronaldo chia tay Premiership

Việc C.Ronaldo chạy theo bản hợp đồng kỷ lục 80 triệu bảng sang Real Madrid không chỉ là tổn thất của riêng M.U. Premiership vẫn chưa thể cạnh tranh với La Liga về độ hấp dẫn những ngôi sao đắt giá nhất thế giới. Làng bóng xứ Sương mù cũng mất đi ngôi sao được nói đến nhiều nhất, cả trong và ngoài sân bóng.

Tam Sư hồi sinh

Đội tuyển Anh dưới triều đại HLV Fabio Capello tiếp tục “lột xác”. Tam Sư giành quyền dự VCK World Cup 2010 với thành tích hết sức thuyết phục: thắng 9/10 trận vòng bảng (4 trận diễn ra từ cuối năm 2008, thất bại trên đất Ukraine chỉ xảy ra khi họ đã chắc suất sang Nam Phi). Một năm hoàn hảo của thầy trò Don Fabio được hoàn tất bằng việc may mắn được rơi vào bảng đấu “dễ thở” với ĐT Mỹ, Algeria và Slovenia.

Liverpool sa sút

Đối lập với mảng sáng của ĐT Anh là mảng tối của Liverpool. Trên đấu trường Champions League, The Kop không thể qua nổi vòng bảng. Trở về mặt trận Premiership, “Vua đấu cúp hết thời” thậm chí còn thể hiện bộ mặt đáng thất vọng hơn. Sau 20 vòng, đội quân do HLV Rafael Benitez dẫn dắt chỉ có được vị trí thứ 7 khiêm tốn, kém đối thủ dẫn đầu Chelsea tới 12 điểm.

Portsmouth 2 lần đổi chủ

Chỉ trong vòng một năm, Portsmouth lần lượt thuộc về 3 chủ sở hữu khác nhau: Alexandre Gaydamak, Sulaiman Al Fahim và Ali al-Faraj. Chi tiết ấy đủ cho thấy các đội bóng Anh tiếp tục bị những ông chủ nước ngoài thao túng như thế nào.

“2 hat-trick” của M.U

Bất chấp những thay đổi tích cực hay tiêu cực của các đối thủ, Quỷ Đỏ vẫn thể hiện sức mạnh ổn định đáng khâm phục. M.U trở thành CLB đầu tiên 2 lần thực hiện thành công kỳ tích giành 3 chức vô địch liên tiếp tại hạng đấu cao nhất nước Anh (Huddersfield Town, Arsenal và Liverpool trước đây chỉ đủ sức lập “hat-trick vô địch” một lần).

(Theo báo Bóng Đá)
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X