Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Anh kết thúc năm 2009, hướng đến năm 2010: Hợp lý và điên rồ

Thứ Sáu 01/01/2010 10:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Một năm đã khép lại. Các fan xứ sở sương mù có thể mỉm cười hài lòng với nhiều niềm vui hơn nỗi buồn. “Tam sư” hoàn tất vòng loại World Cup 2010 khá ngoạn mục với tấm vé đi Nam Phi đầy thuyết phục, xoa dịu nỗi đau năm trước khi phải vắng mặt cay đắng tại EURO 2008. Premier League vẫn hừng hực khí thế là giải hàng đầu châu Âu, dù M.U không thể bảo vệ thành công vương miện Champions League. Nửa đầu mùa giải mới cũng đã diễn ra đầy ắp sự khốc liệt, hứa hẹn một năm khó quên trong lịch sử Premier League.

Với một “thương hiệu” lớn như đội tuyển Anh, việc có mặt tại World Cup thực ra không phải là thành tích lớn lao gì cho lắm. Thế nhưng sau nỗi đau EURO cùng hình ảnh một Steve McClaren ủ rủ dưới tán ô sặc sỡ, vực dậy “Tam sư” “ốm yếu” là nhiệm vụ chẳng dễ dàng gì khi niềm tin đã rơi xuống đáy. Quyết định lựa chọn Fabio Capello của FA đã được chứng minh là sáng suốt khi năm 2009, họ giành ngôi đầu bảng 6 cùng tấm vé World Cup 2010 trước 2 lượt trận với số điểm tuyệt đối.

Một thành tích không rẻ chút nào khi Capello hưởng lương tới 6 triệu bảng/năm, con số vô địch trong giới huấn luyện viên hiện nay. Nhưng “đắt xắt ra miếng”. Không chỉ khôi phục lại danh dự cho đội tuyển Anh, sớm đòi món nợ trước Croatia, cái tên đã làm nhục Wembley ở vòng loại EURO 2008 mà quan trọng hơn, Capello còn đang khiến người Anh tin rằng cơn khát vinh quang kéo dài 44 năm sẽ kết thúc tại Nam Phi.

Đội tuyển Anh khởi sắc dưới thời Fabio Capello


Trong màn hồi sinh đó, vai trò của Capello là quá rõ ràng. Vẫn những gương mặt được coi là “thế hệ vàng” bóng đá Anh nhưng họ là... vàng vọt, yếu đuối dưới thời từ Sven-Goran Eriksson đến McClaren. Phải nhờ đến một ông thầy người Italia cứng rắn, thực dụng, đội ngũ đó mới tìm được tính kỷ luật và phát huy tối đa sức mạnh. Sơ đồ 4-2-3-1 được xem là khai thác tốt nhất sở trường của Wayne Rooney cũng như Steven Gerrard. Ngay cả ấn tượng rằng Gerrard với Frank Lampard không tài nào kết hợp được ở giữa sân cũng tan biến dưới bàn tay Capello.

Và niềm vui của các fan càng trọn vẹn hơn khi kết quả bốc thăm World Cup 2010 đưa đội tuyển Anh vào một bảng khá “mềm” với các đối thủ chỉ là Mỹ, Slovenia và Algeria. Thế nhưng, nếu cần một chút cảnh báo thì đó chính là các thất bại giao hữu trước Tây Ban Nha và Brazil trong năm 2009. Hai cái tên trên chính là các ứng cử viên thực sự tại Nam Phi mà nếu muốn mơ đến vàng, “Tam sư” phải khuất phục được những đối thủ nặng ký như vậy. Một chút lạc quan là trong các trận thua trên, Capello không có trong tay đội hình mạnh nhất và giao hữu cũng luôn chỉ là giao hữu mà thôi.

Xét cho cùng, một năm 2009 thành công cho đội tuyển Anh là hợp lý. Họ không thiếu những tài năng. Và khi đội ngũ đó được huấn luyện bởi một ông thầy đẳng cấp như Capello, màn trình diễn vừa qua ở vòng loại World Cup là điều tất yếu. Nhưng câu chuyện trong mùa Hè tới mới là tâm điểm. Liệu đã đến lúc họ trở lại đỉnh cao thế giới sau quá nhiều năm mòn mỏi ngóng đợi hay không, đó sẽ là câu hỏi lớn nhất của bóng đá Anh trong năm 2010.

Bước ngoặt cho Premier League?

Với giải Ngoại hạng, năm 2009 có thể chia làm 2 giai đoạn: nửa cuối mùa giải 2008-09 và nửa đầu mùa giải 2009-2010. Chặng đường nào cũng đầy ắp những sự kiện đáng nhớ.

Không phá được cái dớp bảo vệ ngôi báu Champions League dù đã lọt vào trận chung kết với Barcelona nhưng M.U vẫn giữ vị thế thống trị ở đấu trường quốc nội. Trong kịch bản quen thuộc của một chuyên gia marathon, họ năm thứ 3 liên tiếp đăng quang bằng màn bứt phá ở nửa sau cuộc đua. Trong 20 trận sau của mùa giải 2008-09, M.U gặt hái được tới 52 điểm/60 điểm tối đa mà đặc biệt là những bứt phá kể từ sau Giáng sinh. Quá đủ để nhấn chìm Liverpool trong một năm mà họ tưởng như đã đến gần với vinh quang hơn bao giờ hết. Và dù M.U có thua tâm phục khẩu phục trước Barcelona, Premier League vẫn tự hào khi “tứ đại gia” tiếp tục khẳng định sức mạnh tại châu Âu bằng việc cùng nhau lọt sâu vào Champions League 2008-2009.

Nếu nửa đầu là kết quả quen thuộc và hợp lý như vậy thì nửa sau đầy ắp những điên rồ của một mùa giải hứa hẹn khốc liệt nhất trong lịch sử Ngoại hạng. Chelsea trở lại vị thế ứng cử viên sáng giá cùng ông thầy mới Carlo Ancelotti. M.U yếu đi rõ rệt sau khi bán Cristiano Ronaldo cho Real Madrid. Liverpool rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ, từ kẻ bám đuổi sát nút mùa trước thành mắt xích yếu nhất trong quyền lực “tứ đại gia” vốn lấn át phần còn lại của Premier League suốt 5 năm qua. Tệ hại hơn, họ còn bị loại sớm ở vòng bảng Champions League, khiến người ta đặt câu hỏi rằng phải chăng đã đến thời điểm mà sức mạnh Anh suy yếu sau nhiều năm làm mưa làm gió đấu trường châu lục?

Đúng là các quyền lực quen thuộc đang “hom hem”. Việc Chelsea dù sa sút phong độ cả tháng cuối năm vẫn đàng hoàng ngự trị bảng tổng sắp là một minh chứng. Đâu là lí do? Tiền bạc xem ra là cách lí giải thuyết phục nhất. Sự vượt trội mà “tứ đại gia” thể hiện trong những năm qua được giúp sức rất nhiều từ nguồn lực tài chính. Trong một năm 2009 mà thế giới chao đảo bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sân cỏ cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Thay vì dễ dàng vung tiền củng cố lực lượng, các đại gia giờ đều thắt lưng buộc bụng. Sắm một ông thầy mới như Ancelotti, Chelsea cũng không tậu thêm nhiều hảo thủ như những đợt shopping rầm rộ mở màn cho triều đại Jose Mourinho. Bán Ronaldo với mức giá kỷ lục 80 triệu bảng, M.U vẫn tằn tiệm từng chữ ký. Liverpool thì khốn khổ cùng những ông chủ Mỹ lo tất tả đáo nợ. Và trong bối cảnh đó, một cuộc cách mạng đã hình thành từ nhóm thách thức vốn đang tự tin hơn bao giờ hết.

Đó là một Man. City nổi lên nhờ sự giàu có của những ông chủ Ả-rập. Đó là một Tottenham vốn có lực lượng khá dày dặn giờ “chín” hơn với huấn luyện viên giàu kinh nghiệm Harry Redknapp. Đó là một Aston Villa vốn đã dần hun đúc được bản lĩnh qua cuộc lật đổ bất thành năm ngoái. Chưa bao giờ, trật tự “tứ đại gia” mong manh như năm nay trong một mùa giải điên rồ mà một người trong cuộc như Wayne Rooney phải thốt lên. Nửa chặng đường, M.U của Rooney đã thua tới 5 trận, nhiều hơn cả số trận thua trọn mùa năm ngoái (4) nhưng vẫn đang đầy hy vọng lập kỷ lục 4 lần liên tiếp vô địch Premier League. Liverpool thua tới 7 trận, gần gấp 4 lần tổng số trận thua năm ngoái (2) song cũng chỉ kém vị trí thứ 4 đang thuộc về Tottenham có 4 điểm. Một hình ảnh đông đúc, chen chúc ở nửa trên bảng xếp hạng còn ghi nhận cả những tiến bộ vượt bậc như của Birmingham.

Với sự điên rồ đó, quá khó cho một nhận định về hồi kết. Cuộc đua nào giờ đây cũng đầy ắp yếu tố khó lường. Đến đỉnh vinh quang chắc chắn chỉ có Chelsea, M.U và Arsenal nhưng cũng chưa cái tên nào nổi trội mà tốp này còn hứa hẹn nhiều biến động sắp tới khi người cầm cờ là Chelsea sẽ khó khăn không nhỏ về lực lượng bởi giải vô địch các quốc gia châu Phi (CAN) 2010. Suất còn lại trong top 4 cũng là ẩn số nan giải khi thế cân bằng được tái lập với Man. City hưng phấn trở lại cùng Roberto Mancini, Liverpool phần nào tự tin hơn còn Aston Villa lại sa sút. Đến ngay khu vực khốn khổ lo trụ hạng cũng đầy mù mờ nếu xét đội đứng thứ 10 là Sunderland chỉ hơn Portsmouth bét bảng có 9 điểm! Đây là hồi kết không thể hấp dẫn hơn cho Premier League năm 2009. Nó báo hiệu một năm 2010 đầy bất ngờ và rất có thể sẽ là cuộc lật đổ những kịch bản quen thuộc…

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X