(Bongda24h) - Năm 2007 đã qua và năm 2008 vừa đến, những người yêu mến BĐ Anh hẳn cũng hướng về nền bóng đá này với những hoài niệm rất mới trong một năm nhiều biến động. Và điểm lại năm qua, chúng ta có 3 điều để suy ngẫm.
Macca: Kẻ khiến người Anh không còn “phớt Ăng-lê”
Người Anh luôn bảo thủ, đó là đặc tính truyền thống của một dân tộc thích “phớt” trước mọi vấn đề. Nhưng có lẽ trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, khi mà những chuẩn mực giá trị cứ thay đổi xoành xoạch thì cá tính trên cần xem lại. Có khi nước Anh cần học cách “thời đã thế, thế thời, thời phải thế” để có thể thích ứng nhanh với thời cuộc. Và “dấu son” cho việc này không có gì thích hợp hơn là một thất bại. Tại sao ư? Một điểm (mà tuyển Anh không thể kiếm nổi) đáng giá hơn…. một tỉ Bảng Anh chưa phải là một bài học quá đắt sao? Đấy là còn chưa kể những giá trị khác: thương hiệu “tam sư” hay việc quảng bá văn hoá qua bóng đá cấp đội tuyển chẳng hạn.
Kẻ giúp người Anh không còn "phớt Ăng-lê"
Sở dĩ nói như vậy để thấy rằng “công sức” của McClaren trong chuyện này không hề nhỏ. Ông HLV này đã “thành công” trong việc thay đổi tư duy và lối nhận định của nhiều người trong giới truyền thông, cả nước Anh và tất thảy những ai yêu mến đội bóng xứ sương mù.
Beckham là một “thương hiệu” và không chỉ nước Anh mới coi anh ta là con cưng. Thế nhưng Macca đã thẳng thừng “sút” Becks khỏi đội tuyển với một lý do giản đơn hơn bất kỳ lý do nào: chuyên môn. Lennon (Tottenham) trẻ trung và phù hợp hơn với thứ bóng đá mang hơi hướng phiêu lưu những ngày McClaren còn dẫn dắt Boro. Thẳng thừng mà nói, Macca cũng chẳng ưa gì Becks (anh ta điển trai quá chăng?) nên chuyện “một rừng hai hổ” là không thể.
Với Paul Robinson thì còn rõ ràng hơn, thủ môn này đã trở thành trò hề cho thiên hạ chê cười sau nhiều sai lầm ngớ ngẩn cả ở CLB lẫn đội tuyển. Việc chọn Scott Carson đồng nghĩa với mạo hiểm nhưng hãy nghĩ xem, trong một đêm xuất thần (chứ không phải ngớ ngẩn), thủ thành của Aston Villa có thể trở thành người hùng và Macca sẽ “lên mây xanh” với việc phát hiện ra một nhân tài trẻ tuổi.
Khổ thân, thời thế và cả những điều kém may mắn đã tựu trung trong cái trận đấu quái quỷ mà đội Anh thua trận bằng đội hình bất ổn nhất lịch sử. Thủ thành lóng ngóng và hay phạm sai lầm, hàng hậu vệ toàn những “kẻ đóng thế” kém cỏi, tuyến tiền đạo “chấp” hẳn đối phương hai chân sút chủ lực. Tất cả những điều này cộng thêm một HLV chuyên môn tồi thì kết quả ra sao ai cũng rõ. Macca có thể tồi tệ trong chỉ đạo nhưng ít ra ông ta cũng còn chút lý do để bào chữa cho thất bại và từ thất bại để chỉ ra cho người Anh thấy họ đã bảo thủ đến thế nào.
Chắc gì Robinson sẽ đứng vững trước các chân sút Bankan? Chắc gì cho Becks vào sớm hơn là thay đổi được cục diện? Và quan trọng hơn cả, nếu “Tam sư” vượt qua vòng bảng, chắc gì người ta nhận ra “thế hệ vàng” tuyển Anh đã “tan chảy” từ lâu lắm rồi. Vâng, Macca, cảm ơn ông vì tất cả, kể cả thất bại! Nó đã làm cho người Anh không còn “phớt Ăng-lê”
Và nhìn từ Premiership
Tiền có thể mua được danh tiếng của một giải đấu nhưngh không mua được danh dự một nền bóng đá
Thật đáng buồn cho nước Anh xét từ góc độ tình cảm (dù sao chúng ta cũng đã quen với “món ăn” Premier League từ lâu rồi). Nhưng trên cơ sở của lý tính mà nói, thất bại nặng nề (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) của nền bóng đá từng một thời hùng mạnh hoá ra lại hay ho. Tự dưng lại nhớ một câu hát của ban nhạc Bức tường: “Có những lúc ta tự nhìn lại chính ta. Kẻ thua đau đo lại mình mà đứng lên”. Chắc thế, phải đo lại giá trị thực của mình thôi người Anh, để “đứng lên” sau nỗi đau và lòng kỳ vọng lần sau cao hơn lần trước. Và dĩ nhiên, chúng ta lại nhắc đến Macca, như là một người “khai sáng” cho lối suy nghĩ cổ hủ về một đội tuyển hùng mạnh (trên lý thuyết), trong một chiến tích nào đó ở… tương lai.
Nhưng có ổn không trong cái năm mà 3/4 các đại diện bóng đá xứ sương mù đã lọt vào đến bán kết Champions League (dù chỉ có mỗi.. Milan là nhà vô địch). Mùa này tất cả họ cũng đều vượt qua vòng bảng. Vâng, rất không ổn! Những chuẩn mực của bóng đá Anh đã không còn phù hợp với sự “xâm lăng” của những cầu thủ ngoại, các HLV nước ngoài và những ông chủ không phải người bản địa. Nó góp phần mang lại những hợp đồng bản quyền truyền hình kếch xù, khiến cả thế giới biết đến BĐ Anh nhưng cũng khiến cho nền bóng đá này mất phương hướng trong việc tìm lại những vinh quang xưa.
Đồng rúp (Nga), đồng Bath (Thái) và đồng đôla (Mỹ) đã mang đến cho Premier League những cầu thủ tốt nhất, danh giá nhất, nổi tiếng nhất và tăng giá trị cho giải đấu được biết đến nhiều nhất hành tinh song nó cũng mang đến những giá trị văn hóa khác khiến các quy chuẩn của người Anh đâm ra… dở hơi. Và thế rồi trong cái năm thành công dẫu chẳng phải là tột bật của nền bóng đá này với những CLB tại Premiership khuynh đảo cả trời Âu thì đại diện của họ, ĐT Anh đã tủi nhục rời Wembley với thất bại để rồi trao tấm vé vào VCK EURO 2008 cho nước Nga.
Premiership rẩt giàu và nổi tiếng nhưng nó cũng là nguyên nhân gây nên thất bại của BĐ Anh (thứ văn hóa Wags - vợ, bồ cầu thủ chẳng hạn)
Và Capello
Chờ đợi phép màu từ Capello
Tháng 12/2007, người Anh không cần phải chờ đến Boxing day mới có thể nhận quà, FA đã mang đến Capello như là một đảm bảo vàng về thành công trong tương lai của BĐ Anh.
Người đàn ông đến từ Địa Trung Hải hứa hẹn sẽ mang lại luồng gió ấm áp cho xứ sở sương mù, có thể lắm chứ. Những năm tháng cầm quân của mình, HLV người Ý luôn biết cách đem lại thành công cho các đội bóng mà ông dẫn dắt và bảng thành tích dài đằng đẵng đã chứng minh FA không sai lầm, ít ra là trên lý thuyết, khi tuyển mộ ông ta.
Cá tính mạnh mẽ của Capello cũng sẽ khiến những đứa trẻ cứng đẫu cỡ Rooney hay các “lão làng” trong đội bóng như Gerrard, Lampard, Terry,… không dám ho he gì. Và đấy là cơ sở cho những thành công?
Dù sao những cột mốc mà Capello xác lập sẽ nằm ở thì tương lai chứ không phải hiện tại. Vậy thì cứ chờ một thời gian đã, cho việc “giao mùa” với “kỷ nguyên Capello” sẽ khiến bộ mặt Tam Sư thay đổi ra sao….
- Ái Nga