Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Bí ẩn keo kiệt Wenger không bao giờ muốn hé lộ

Thứ Tư 21/08/2013 08:38(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

 Arsenal luôn nổi tiếng là câu lạc bộ giỏi làm ăn kinh tế và phát triển thương hiệu, nhưng sự chi li đôi khi quá mức của Pháo thủ đã làm hại chính họ.

Một lời đề nghị trị giá 10 triệu bảng cho Yohan Cabaye của Arsenal đã được Alan Pardew thẳng tay ném vào sọt rác cùng lời bình luận: "Một hành động khiếm nhã". Chỉ từng ấy thôi đã đủ nói lên tình thế của đội bóng áo đỏ trắng lúc này: Họ có tiền nhưng lại ngần ngại không dám mạnh tay.

Điểm mặt những bom tấn mà The Gunners đã từng tạo ra trong quá khứ, sự lo lắng ấy không thừa. Antonio Reyes chìm nghỉm tại Highbury, Andrei Arshavin ra đi không kèn không trống. Chỉ duy nhất Santi Cazorla là vẫn tiếp tục tạo dựng được tên tuổi, nhưng cứ với cái đà phập phù của đội bóng, chưa biết cố gắng của tiền vệ người Tây Ban Nha sẽ tồn tại trong bao lâu.

Chưa gì Wenger đã phải đau đầu về bài toán nhân sự
 

Nói như thế để thấy rằng, đội bóng phía bắc thành London luôn ở trong cảnh "chim sợ cành cong". Họ sẵn lòng trả một vài trăm nghìn bảng, thậm chí là 1, 2 triệu tượng trưng để rước về hàng đống "lúa non" như Fabregas, Senderos (2003), Diaby, Vela, Mannone (2005), Jenkinson, Eisfeld (2011), Sanogo (2013), nhưng lại kỳ kèo một vài đồng tiền lương để mang về những ngôi sao như trường hợp của Fellaini mùa hè này.

Arsene Wenger, người đang hưởng mức thu nhập 7,6 triệu bảng/năm được trả tiền để tính toán tất cả những phi vụ như vậy. Một điểm đáng chú ý, Giáo sư luôn là người quyết định cuối cùng về việc Pháo thủ có mua một cầu thủ hay không.

Điều này rất khác với những gì đang diễn ra tại Chelsea, Man City hay Tottenham những đội bóng đang cùng đội bóng áo đỏ trắng cạnh tranh chức vô địch. Ở Stamford Bridge, Mourinho có Michael Emenalo. Ở Etihad, Pellegrini được bộ đôi Ferran Soriano và Txiki Begiristain giúp sức. Ở White Hart Lane, Villas-Boas có Franco Baldini phò tá. Quan trọng là, những giám đốc thể thao hay trợ lý huấn luyện viên của các đội bóng này nhận được sự tin tưởng rất lớn của các vị thuyền trưởng.

Còn tại Emirates, câu chuyện không diễn ra như thế. Cánh tay phải của Wenger, Steve Rowley chịu trách nhiệm xem giò cẳng của các mục tiêu chuyển nhượng, không được giao toàn quyền quyết định. Ông phải báo cáo cho chiến lược gia người Pháp mọi số liệu rồi để Giáo sư ra quyết định. Sẽ không bao giờ có chuyện, Rowley khuyên Wenger mua người này hay bỏ người kia.

Chính cách tổ chức như vậy làm Arsenal luôn bị chậm chân hơn các đội bóng khác. Điển hình là trường hợp của Zaha. Pháo thủ là đội tiếp cận anh này đầu tiên, nhưng khi mà Rowley mất quá nhiều thời gian để quan sát và báo cáo cho Steve Bould, trợ lý huấn luyện viên của Arsene Wenger thì MU đã nhanh chóng vào cuộc và thống nhất số tiền với Crystal Palace chỉ trong vòng 1 ngày.

Có một thực tế tại Anh, đó là các huấn luyện viên đóng vai trò một nhà quản lý (manager), chứ không đơn thuần chỉ là một người huấn luyện thuần túy (coach). Vì vậy, họ luôn được quyền can thiệp rất sâu vào những công tác ngoài chuyên môn, như chuyển nhượng, đề bạt các trợ lý... Và Arsene Wenger là một "manager" điển hình. Ông biết đến từ ngõ ngách mọi công việc của Arsenal, mà việc xây sân Emirates chính là minh chứng hùng hồn nhất.

Là một "kiến trúc sư trưởng", chiến lược gia 63 tuổi kiêm luôn cả nhiệm vụ hoạch định chiến lược và kiểm soát tài chính. Vì thế mới có một câu chuyện khá hài hước như sau. Năm 2011, Chamberlain sang Arsenal với một điều khoản cực dị trong hợp đồng: Pháo thủ phải trả thêm cho Southampton 10.000 bảng/trận (hơn 300 triệu đồng), nếu như cầu thủ chạy cánh này chơi quá 20 phút/trận.

Vậy là sao mai người Anh có một loạt những trận đấu được vào sân từ sau phút 70 ở mùa trước như: Stoke (72), Liverpool (73), Coventry (72), Fulham (76), Tottenham (86), West Ham (73), Swansea (71), Reading (75). Sự chi li quá mức cần thiết này đã khiến Wenger không thể tập trung hoàn toàn vào công việc quan trọng nhất lúc này: nâng cấp đội hình.

Cũng giống như Sir Alex Ferguson tại MU trước đây, Arsene Wenger được giao quyền lực tối thượng ở Emirates, nhờ công lao giúp câu lạc bộ giành 3 danh hiệu Premier League và 4 cúp FA. Trở lại câu chuyện chuyển nhượng, Giáo sư luôn yêu cầu các tuyển trạch viên để ý kỹ 3 yếu tố của một tân binh: tốc độ, sức mạnh và sự thông minh. Còn yếu tố cuối cùng, "tinh thần của một nhà vô địch" phải được chính Wenger xem xét.

Triết lý ấy đã giúp ông tạo ra một thế hệ vàng gồm Vieira, Henry, Bergkamp, Pires, Ljungberg, những nhà vô địch thực thụ, những người luôn có một mục tiêu mới để phấn đấu hàng ngày.  Còn bây giờ, ông không còn (hoặc có rất ít) những học trò như vậy. Những mầm non hứa hẹn ngày nào giờ quay lại "hành" ông, điển hình là "cục nợ" Bendtner, người đã được trả về Đan Mạch từ 3 tuần nay nhưng vẫn đều đặn lĩnh lương 55.000 bảng/tuần.

Một đội bóng mạnh phải được tạo thành từ những con người tài năng và hết lòng vì công việc. Đáng tiếc, Arsene Wenger của ngày hôm nay đã không còn là chính ông của gần chục năm về trước.  Vì vậy, mặc kệ những tấm biển "Spend, spend, spend" (Hãy chi tiền) của các cổ động viên tràn ngập khắp khán đài Emirates, vị Thạc sĩ kinh tế của Đại học Strasbourg lúc này, vẫn còn bận rộn lắm với những câu chuyện kiểu như 10.000 bảng của Chamberlain.

(Theo VTC)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X