Trong buổi họp báo đầu tiên ngày trở lại Chelsea, Mourinho nói ông đã “điềm tĩnh và trưởng thành hơn”. Nhưng ai cũng hiểu, bản chất thì chẳng thể thay đổi.
Bản chất của Mourinho là tinh quái. Mọi lời nói, cử chỉ, thậm chí một cái nháy mắt của ông cũng đều phục vụ cho mục đích nào đó. Thế nên nhiều người rất thắc mắc khi Mourinho nhắc đến từ “hạnh phúc” tới 22 lần trong buổi họp báo đầu tiên, tự gọi mình là “Người hạnh phúc”, và nói đến… Rooney, một cầu thủ của M.U rằng “Cậu ấy giống tôi, muốn được hạnh phúc”.
Mourinho đã bắt đầu có những động thái mạnh trên TTCN |
Mourinho thèm khát Rooney
Hóa ra, mục tiêu của một chuỗi những từ “hạnh phúc” ấy của Mourinho là để nhắm vào Wayne Rooney. Không còn giấu diếm gì nữa, Chelsea của Mourinho đã đưa ra lời đề nghị trị giá 60 triệu bảng cho Rooney (bao gồm lương trong 5 năm), hứa trả anh mức lương 240 nghìn bảng/tuần (nghĩa là tương đương mức đang nhận ở M.U, 250 nghìn bảng/tuần), để sở hữu Rooney.
Lời đề nghị của Chelsea gần như làm thỏa mãn mọi yêu cầu mà Rooney đã đưa ra với Arsenal, đội theo đuổi anh đầu tiên, nhưng bất thành: được làm việc trong một đội bóng tham vọng, được đá tiền đạo và nhận mức lương tương xứng.
Chelsea hiện có rất nhiều cầu thủ giỏi, cả già lẫn trẻ. Nhưng một tiền đạo cắm mạnh về ý chí, thể lực và có hiệu suất ghi bàn ổn định thì họ chưa sở hữu. Demba Ba và Torres kém xa Drogba, Milito và Ronaldo của Mourinho, ở những đội bóng ông đã đi qua. Và vì thế, Mourinho cần thêm những tiền đạo khác.
Ban đầu, người ta cứ ngỡ Edinson Cavani sẽ là “Drogba mới” của Chelsea. Nhưng rốt cuộc, khao khát sở hữu Cavani của Mourinho và Abramovich không đủ lớn để Chelsea chi ra hơn 50 triệu bảng cho tiền đạo người Uruguay. Cavani ghi nhiều bàn , nhưng có thói quen mất tích trong những trận lớn, lại hoàn toàn xa lạ với giải Ngoại hạng Anh. Mua anh, rủi ro lớn hơn hẳn Rooney, người có thể chơi mọi vị trí trên hàng công, có thể phòng ngự khi Mourinho cần và là mẫu cầu thủ sẵn sàng hy sinh vì đội bóng.
Sự giằng xé của Rooney
Lời đề nghị của Chelsea đến đúng thời điểm Rooney có vẻ đã quyết ở lại M.U. Đây là thành quả của nỗ lực hòa giải từ tân HLV David Moyes, khi ông tuyên bố: Không muốn bán Rooney. Trước đó, Rooney một mực cho rằng, cựu HLV Alex Ferguson phải lên tiếng xin lỗi, vì đã tuyên bố anh đã đòi ra đi. Nhưng khi vai trò của Ferguson ở đội bóng không đậm như trước, cuộc sống ở M.U sẽ không quá ngột ngạt với Rooney. Rooney là người dễ tha thứ, như lần anh bỏ qua cho Ronaldo rất nhanh dù cầu thủ người Bồ khiến “Wazza” bị đuổi trong trận Anh-Bồ Đào Nha ở EURO 2004. Mới nhất, người ta thấy số 10 M.U xuất hiện rạng rỡ trong buổi ra mắt áo đấu của CLB.
Nhưng rắc rối ở chỗ, lời đề nghị của Chelsea quá tuyệt. Mourinho không phải là kẻ chỉ biết hứa suông, mà ông đã nói là làm. Mourinho đã yêu cầu mua ai, thì cầu thủ đó dứt khoát sẽ là một phần quan trọng của đội bóng trên sân cỏ, và là một phần “vây cánh” của ông trong phòng thay đồ. Được làm việc với Mourinho là mơ ước của mọi cầu thủ.
Rooney vì thế sẽ bị giằng xé rất nhiều giữa đi và ở. Đến Chelsea để thay đổi không khí, để thỏa mãn mọi tham vọng? Hay ở M.U để sống với sự quen thuộc mỗi ngày và tiếp tục trở thành mẫu thủ lĩnh giàu đức hy sinh như trước? Thật khó để lựa chọn.
Lúc này, cá nhân Rooney có lẽ phải đánh giá lại mối quan hệ của anh với David Moyes, và tự mình cảm nhận mối quan hệ tương lai với Mourinho sẽ thế nào. Và liệu khi đến Chelsea, quyền lực đen của nhóm John Terry có làm anh khó chịu? Sau khi tiền bạc và tham vọng nghề nghiệp được thỏa mãn, các mối quan hệ trong công việc tại đội bóng mới là yếu tố cuối cùng làm nên “hạnh phúc” của “Wazza”. Anh phải chọn thôi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)