Sau khi Real Madrid trống dong cờ mở tuyên bố muốn mua Gareth Bale với giá 85 triệu bảng rồi… bỏ dùi chạy trốn, đến lượt M.U đánh tiếng muốn sở hữu tiền vệ người xứ Wales, với mức giá khiêm tốn hơn là 60 triệu. Nhưng có bao nhiêu phần trăm khả thi trong những lời nói này?
1. Những vụ chuyển nhượng đình đám thường đến không báo trước. Ronaldo chuyển từ Barcelona sang Inter năm 1997 với giá 19.5 triệu bảng một cách rất chóng vánh, chỉ sau khi anh thoáng tỏ ra bất mãn cuối mùa vì khoản thưởng bị cắt. Luis Figo rời Barcelona sang Real Madrid năm 2000 với giá 37 triệu bảng hoàn toàn trong im lặng, và sau này, các CĐV Barca vẫn coi đó là một phi vụ đi đêm không thể chấp nhận.
Một năm sau, Zinedine Zidane chuyển từ Juventus đến Real Madrid với giá 56 triệu bảng, và thương vụ này cũng chỉ được tiết lộ sau khi mọi chuyện đã ngã ngũ.
Những thương vụ đình đám thường kết thúc rất chóng vánh và trong im lặng. Một số bản hợp đồng “bom tấn” cũng tạo ra một chút ồn ào, như vụ Cristiano Ronaldo sang Real Madrid (chính CLB M.U đã xác nhận mong muốn ra đi của tiền vệ người BĐN), hay Kaka (vẫn sang Madrid) năm 2009. Nhưng rốt cục, những phiên thương thảo then chốt vẫn diễn ra rất nhanh và hầu như không gặp trở ngại đáng kể.
2. Đến một đội bóng đang nắm trong tay đến 4 kỷ lục chuyển nhượng mọi thời đại như Real Madrid mà khi đã ồn ào, cũng thường chỉ có ý định tung “đòn gió”. Mạnh miệng tuyên bố mua Gareth Bale giá 85 triệu, nhưng cho đến thời điểm này, Real mới mua được 4 cầu thủ với tổng giá trị 64 triệu, là Asier Illarramendi, Isco, Carvajal và Camisero.
Đó đều là những cầu thủ dạng tiềm năng, không liên quan gì đến “văn hóa Galacticos” ở đây. Vụ hỏi mua Bale rốt cục lại trở thành thứ đồ “trang sức” để Real Madrid vẫn thu hút được một chút chú ý về phía mình, trong một kỳ chuyển nhượng lặng lẽ hơn thường lệ.
Giờ thì đến lượt M.U phát giá cho Bale, sau khi đã đứng ngoài vụ này cho đến thời điểm Real chẳng còn ngó ngàng gì đến mục tiêu “đắt giá” ấy nữa. David Moyes cũng chỉ hỏi mua tiền vệ người xứ Wales khi mà M.U gần như đã bị tất cả quay lưng trên thị trường chuyển nhượng. Đến Everton cũng lắc đầu sau khi nhận được lời đề nghị hỏi mua Leighton Baines, học trò cũ của ông Moyes.
Ông Moyes có lẽ cũng ý thức được rằng đây không phải là thương vụ khả thi. Nếu Tottenham Hotspur không có hứng thú với những lời của Madrid, thì họ có lẽ cũng sẽ chẳng mặn mà lắm với đề nghị từ M.U, đặc biệt khi đội bóng áo đỏ là đối thủ cùng chơi ở giải Ngoại hạng, và Tottenham cũng chỉ còn anh là ngôi sao đáng giá nhất.
3. Bale, sau khi được Madrid đeo vào cổ để chứng minh rằng họ vẫn còn tham vọng và tiềm lực, nay đang trở thành một món “trang sức” của M.U, đội bóng đã tỏ ra yếu thế trên thị trường chuyển nhượng ngay từ khi nó mở cửa. Sức mạnh của M.U ở đó đã rời bỏ đội bóng theo Sir Alex Ferguson, và Moyes vẫn chưa tìm ra cách đối phó.
Đánh tiếng mua Bale có thể là biện pháp tức thời để gồng lên và cho thế giới biết rằng M.U vẫn là đội bóng đầy tham vọng và đủ khả năng bảo vệ vương miện mùa tới. Nhưng những ồn ào hiện tại cũng cho thấy rằng đội bóng đã mất phương hướng nghiêm trọng và phải dùng một lời đề nghị vu vơ để làm chỗ bấu víu.
Moyes có thể nhớ lại rằng mùa trước, Sir Alex đã đưa Robin van Persie từ Arsenal về một cách ngoạn mục đến thế nào, và đó là một thương vụ cũng được tiến hành hoàn toàn trong im lặng. Tầm quan trọng của van Persie với Arsenal thời điểm ấy chắc chắn không hề kém Bale hiện tại.
Giờ thì sự im lặng ấy đã biến mất, và là tín hiệu cho chúng ta thấy rằng sẽ chẳng có bản hợp đồng lớn nào dành cho M.U mùa Hè này. Đôi khi, đeo “trang sức” lên cổ chỉ chứng minh rằng giá trị thật của bản thân bạn đang giảm xuống.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)