Gần 16 năm qua, kể từ ngày Arsene Wenger đặt chân tới Arsenal, ông đã đưa chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của đội bóng này thành vị trí không thể động tới. Nhưng giờ đây vị thế độc tôn ấy đang có những dấu liệu lung lay...
Trong trận đấu với MU vừa diễn ra ở Chủ nhật vừa qua, khi Wenger đưa ra quyết định thay Alex Oxlade- Chamberlain bằng Andrey Arshavi. Tưởng như đó chỉ là một quyết định thay người hết sức bình thường như “50.000 quyết định” mà trước đây ông từng đưa ra, nhưng rất nhiều các cổ động viên của Arsenal lại la ó, máy ghi hình “chộp” được cảnh đội trưởng Robin Van Persie thốt ra câu “Không” với bộ mặt đầy sự khó chịu.
Thật khó thể nhận xét rằng Wenger đã đúng hay sai trong quyết định thay người này (và liệu có cần (quyền) phán xét không khi đó là công việc của một huấn luyện viên). Tuy Qua sự việc này có thể thấy rõ một điều rằng, vị trí của chiến lược gia người Pháp không còn ở vị thế bất khả xâm phạm nữa. Giờ đây, người hâm mộ của Arsenal không còn phục ông, cầu thủ thì cũng chẳng buồn giấu giếm mà thể hiện ngay ra mặt nỗi thất vọng - một điều chưa từng có trong sự nghiệp huấn luyện của Wenger tại Arsenal.
Vị trí của Arsene Wenger tại Arsenal giờ đây không còn là "bất khả xâm phạm"
Ngay trong mùa giải đầu tiên (1996/1997) Wenger đặt chân tới Highbury, ông đã giúp đội bóng của khu Bắc London giành được vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng cuối mùa. Khỏi phải nói người hâm mộ “Pháo thủ” cảm thấy hài lòng đến nhường nào với mới đến. Kế đến mùa bóng sau đó, Arsenal đã chặn đà thăng tiến của MU và “cướp” ngôi vô địch ngay trước mũi đối thủ. Kể từ đó, người hâm mộ của Arsenal tin tưởng tuyệt đối vào sự dẫn dắt của Wenger.
Cùng với thời gian, Wenger lèo lái con thuyền Arsenal trở thành đối thủ cạnh tranh chính của MU trong các cuộc đua tới ngôi vô địch Premier League và các giải đấu cúp của xứ sương mù. Tính đến năm 2005, năm gần nhất Arsenal có danh hiệu (vô địch FA Cup), có thể nói Wenger đã trải qua quảng thời gian 9 năm đại thành công cùng “Pháo thủ” qua 3 chiếc cúp vô địch Premier League, 4 cúp FA và hàng loạt các danh hiệu nhỏ khác.
Vậy do đâu mà thế mà vị thế độc tôn ấy lại có nguy cơ bị sụp đổ, liệu có phải vì Arsenal đã trải qua gần 7 năm trắng tay trên mọi mặt trận? Có lẽ đây cũng là một phần của nguyên nhân. Trong khi các đội bóng như MU hay Chelsea đều có những danh hiệu lớn nhỏ, thì kể từ chiếc cúp FA năm 2005, Arsenal đã trắng tay hoàn toàn. Đối với một trong bốn đội bóng nằm trong Big Four, đó là điều không thể chấp nhận.
Hãy nhìn sang Liverpool, đội bóng này cũng chịu cảnh trắng tay vài năm nay. Nhưng họ đã trải qua bao biến động trên băng ghế chỉ đạo. Rafa Benitez, vua đấu cúp đã đưa The Reds 2 lần vào chung kết Champions League (giành 1 cúp) cũng đã bị sa thải, Roy Hodgson đến rồi cũng lặng lẽ ra đi. King Daglish cũng đang đối mặt với đầy dẫy khó khăn và cũng đứng trước nguy cơ bị trảm.
Tuy nhiên đổ lỗi cho nguyên nhân của sự giận dữ từ các cổ động viên là do Arsenal đang khát danh hiệu là chưa đủ. Cũng cần phải nói đến việc “Pháo thủ” không cho thấy lòng khát khao và hành động nhằm chấm dứt quãng thời gian nói không với danh hiệu đang diễn ra. Cụ thể, trải qua mùa Hè biến động với việc để hàng loạt các trụ cột ra đi và sau quãng thời gian lượt đi “thấm cảnh” thiếu thốn nhân sự, những tưởng Arsenal sẽ đầu tư mạnh tay ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông này.
Nhưng điều đó đã không xảy ra, đến thời điểm này chỉ còn vài ngày nữa là thị trường chuyển nhượng chuyển nhượng đóng cửa, Arsenal vẫn chưa có bản hợp đồng nào đáng chú ý. Rõ ràng cùng sự lớn mạnh của Chelsea rồi Man City và phần nào là Tottenham trong những năm gần đây, Arsenal đang tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua tại Premier League, thậm chí ở mùa giải năm nay ngay đến việc lọt vào tốp 4 cũng đang là mục tiêu xa xỉ.
Việc các fan tức giận trận thua MU hay tình huống đưa Arshavin (người đang thi đấu rất xuống phong độ) chỉ là cái cớ. Giờ đây mỗi trận thua của Arsenal chẳng khác gì đổ dầu vào ngọn lửa giận dữ đang bùng cháy trong lòng người hâm mộ. Như thất bại trước Swansea ở vòng đấu trước, họ cũng la ó phản ứng đến mức “tượng đài” Henry cũng không thể chịu nổi và “bật lại” lại trước thái độ coi nhau như kẻ thù ấy.
Wenger đưa ra nhiều lý giải về thất bại. Nhưng lý lẽ của ông có rõ ràng rạch mạch đến mấy cũng không đủ thuyết phục. Bởi từ “muôn thủa” chiến lược gia luôn luôn phải chịu trách nhiệm về kết quả thi đấu của đội bóng. Arsenal thi đấu bết bát, Wenger sẽ phải chịu trách nhiệm chính, thậm chí đến bây giờ những người yêu mến Arsenal mới thể hiện sự giận dữ đối với Wenger cũng đã là khá nể ông.
Trước khi Wenger đến Arsenal, lần gần nhất đội bóng này vô địch Prermier League (và giải hạng nhất trước đó) là năm 1991 cùng HLV George Graham, người trước đó cũng đã đưa đội bóng này vô địch vào năm 1989. Tuy nhiên sau 4 năm không đưa được đội bóng này giành lại vinh quang, chiến lược gia người Scotland đã phải ra đi (1995).
Có thể thấy rằng dù danh hiệu mà Graham đem về cho Arsenal không quá thua kém Wenger, vậy mà ông chỉ có 4 năm để tái chinh phục Premier League, còn Wenger giờ đã là năm thứ 8. Và cũng chưa biết chuỗi ngày tháng trắng tay ấy còn kéo dài bao lâu nữa khi đội bóng này đang không có một hướng đi cụ thể để kiện toàn sức mạnh.
Một cuộc chiến ngầm đang âm ỉ trong lòng Arsenal và rất có thể bùng phát trong tương lai không xa. Nếu điều đó xảy ra, trước sau gì đội chủ sân Emirates cũng sẽ tiến hành cách mạng và như thế BLĐ đội bóng này sẽ phải xác định rằng vị chiến lược gia nói được đến 7 loại ngôn ngữ này liệu có còn phù hợp với Arsenal.
(Theo Dân Trí)