Thứ Ba, 05/11/2024Mới nhất
Zalo

Arsene Wenger có dám thay đổi tư duy chiến thuật?

Thứ Bảy 20/09/2014 14:56(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 “Thời điểm thuận lợi nhất để ghi bàn là khoảnh khắc sau khi vừa đẩy lui đợt tấn công của đối thủ, bởi khi ấy họ đã dồn sang phần sân của chúng ta”. Đó là câu nói nổi tiếng của Herbert Chapman, HLV huyền thoại trong lịch sử Arsenal.

Wenger là một HLV vĩ đại, tầm ảnh hưởng của ông chẳng kém gì huyền thoại Chapman trước đây, người đã được dựng tượng bên ngoài Emirates vì có công khai sinh ra sơ đồ chiến thuật WM được lưu lại trong sách giáo khoa bóng đá. Người ta gọi Wenger là “giáo sư”, nhưng hơn thế, ông xứng đáng được ví là một “triết gia” như Chapman, với những cải cách trên diện rộng biến Arsenal từ một đội bóng khô cứng thời George Graham trở thành CLB chơi đẹp mắt nhất Premier League.

Trong gần 2 thập kỷ kể từ ngày đặt chân đến Highbury (nay là Emirates), nhà cầm quân người Pháp đã xây dựng một con đường phát triển mẫu mực mà mọi đội bóng đều ngưỡng mộ. Ông loại bỏ suy nghĩ cố hữu rằng “chỉ người Anh mới có thể thành công với bóng đá Anh” bằng một đội hình gồm toàn những cầu thủ ngoại, ông tin dùng các tài năng trẻ hơn bất kỳ CLB nào khác, và kết quả? Đó là 16 năm trời liên tiếp Arsenal nằm trong top 4 Premier League, là mùa giải “bất bại” vĩ đại 2003/04.

 

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn. Thành công của mùa 2003/04 là đỉnh cao, để rồi sau đó Arsenal chỉ có được chiếc cúp FA “còm” cho mãi tới năm nay, và lần này lại là một… cúp FA nữa. Tất nhiên, sẽ là không công bằng với Wenger nếu chỉ trích ông, bởi quãng thời gian sa sút của “Pháo thủ” trùng với thời điểm họ cần huy động vốn xây SVĐ Emirates (khởi công tháng 2/2004). Giờ mới là lúc họ “hái quả” từ công trình với tên thật ít người biết là Ashburton Groves ấy, với những bản hợp đồng “bom tấn” Mesut Oezil, Alexis Sanchez và tránh được cảnh mỗi năm thất thoát 1 ngôi sao.

Tuy nhiên, sự vươn lên về tài chính chưa đem lại hiệu quả về mặt thành tích sân cỏ, ít nhất là cho tới thời điểm này. Cái cách Arsenal bế tắc trước hàng thủ dày đặc của Crystal Palace, Leicester City đầu mùa này, những trận thua đậm Chelsea, Liverpool và Man City mùa trước đang cho thấy rằng Wenger cần một sự đổi thay. Nó vượt xa hơn những cá nhân cụ thể như một tiền vệ phòng ngự hay một hậu vệ lão luyện. Nó đến từ chính tư duy chiến thuật vốn đã ăn sâu vào tư duy các cầu thủ trẻ của đội bóng Bắc London.

Cần phải nhấn mạnh rằng, dù đã có được một ngân sách rất dồi dào, Arsenal vẫn chưa và không bao giờ là đối thủ có thể cạnh tranh tài chính với những CLB “nhà giàu” như PSG, Chelsea, Man City hay M.U, chưa nói tới Real Madrid. Đó là lý do họ sẽ không thể thành công một khi vẫn còn tiếp tục duy trì tư duy chơi bóng cũ, tư duy của một thế hệ cầu thủ bách chiến bách thắng 2003/04. So về lực lượng, đội hình “bất bại” năm ấy xứng đáng là những con người xuất chúng nhất nước Anh. Ai giỏi săn bàn hơn Thierry Henry ở thời điểm ấy? Hàng tiền vệ nào chiến thắng nổi bộ đôi Patrick Vieira và Giberto Silva? Chưa kể những Ashley Cole, Robert Pires và Dennis Bergkamp, những hảo thủ mọi CLB lớn đều thèm muốn.

Thời thế đã đổi thay. Lực lượng của Arsenal lúc này không còn cho phép họ chơi bóng với tâm thế một đội “cửa trên” trước hầu hết đối thủ. Không có chuyện “Pháo thủ” áp đảo được tuyến giữa của Man City, Chelsea hay thậm chí là M.U để triển khai lối chơi bật nhả quen thuộc. Và ngay cả khi có làm được điều đó, hàng thủ hớ hênh sẽ “giết chết” họ từ những pha phản công, điều mà Liverpool từng tận dụng cực tốt ở mùa giải năm ngoái.

Những CLB ngang tầm với Arsenal đều đã có những thay đổi lớn, điển hình là Borussia Dortmund, Atletico Madrid và Liverpool. Ở vùng Ruhr, Gegenpressing của Juergen Klopp làm nên một thế lực đối trọng với Bayern Munich và thậm chí còn gây sốc toàn châu Âu. Ở thủ đô Tây Ban Nha, Diego Simeone xây dựng một hệ thống “4-4-2 hiện đại” cực kỳ vững chãi thống trị La Liga. Với Liverpool, Brendan Rodgers tạo ra chiến thuật Countera tiqui-taca trực diện và cuốn hút.

Tư duy chiến thuật của Wenger đã đến lúc phải sang trang. Họ không thể tiếp tục chuyền ngang theo kiểu tiqui-taca trước những “chiếc xe bus”, cũng không thể hy vọng đôi công với những đối thủ lớn. “Tiqui-taca kiểu Anh” đã chết chìm theo bản gốc Barca, nơi cũng đang cật lực tìm ra hướng đi mới. Quá trình thay đổi sẽ đầy tiếc nuối và khó khăn, bởi lối chơi tổng lực đã được Wenger dày công gây dựng suốt nhiều năm trời, và đã bén rễ vào tâm lý các cầu thủ. Đáng tiếc, chiến thuật ấy đang “chết chìm” theo bản gốc tiqui-taca.

Lực lượng Arsenal lúc này không cho phép họ theo đuổi lối đá của Atletico Madrid, nhưng với những cầu thủ tốc độ và lối chơi ngẫu hứng, họ có thể “sao chép” cách chơi của Liverpool và Dortmund, dựa trên các yếu tố chính là pressing toàn sân, tấn công trực diện và phản công thần tốc. Với bộ óc thông thái của một triết gia, một khi đã sẵn sàng thay đổi, chẳng lý do gì “Giáo sư” không thể làm nên một một cuộc cách mạng về chiến thuật, giống như WM huyền thoại của Chapman năm nào.

Theo Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X