Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Arsene: Chỉ một chữ Nát!

Thứ Hai 29/08/2011 13:03(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nếu dùng 1 từ để nói về Arsenal hiện tại, từ đó sẽ là: Nát. Nát ở Old Trafford. Nát về con người. Nát ở hiện tại. Có lẽ trong tương lai gần vẫn nát.

Poor Arsenal! Trong tiếng Anh, từ "poor" vừa mang nghĩa nghèo, vừa có ý nghĩa tội nghiệp. 93 phút (kể cả bù giờ) ở Old Trafford đã dạy cho Arsenal một bài học mà đáng lẽ họ phải ghi nhớ từ lâu lắm rồi: số tiền đầu tư sẽ tỷ lệ nghịch với số bàn thua. Tiền tiêu càng ít, số bàn thua càng nhiều.

Thảm quá, Arsenal ơi!

Poor Coquelin! Tên họ đầy đủ của anh là Francis Coquelin, sinh ngày 13/5/1991, quốc tịch Pháp. Năm 2008, anh rời CLB Stade Lavallois (hiện thi đấu ở giải hạng Hai Pháp), thử việc ở Arsenal và được nhận. Năm ngoái anh bị đẩy cho Lorient mượn và chỉ vừa mới trở về. Anh chưa từng đá ở Premier League, trước đây chỉ có mặt trong 3 trận của Arsenal tại Cúp Carling. Thế mà ở Old Trafford đêm qua, đối mặt với nhà ĐKVĐ, anh phải ra sân từ đầu, trám vào vị trí tiền vệ phòng ngự khi Wilshere dính chấn thương, Alex Song và Frimpong bị treo giò. Trận ra mắt của Coquelin ở Premier League đã trở thành cơn ác mộng, có lẽ sẽ bám lấy suốt sự nghiệp của anh. Nếu là một người cực kỳ bản lĩnh, anh mới vượt qua được cơn ác mộng này. Nếu không, nó sẽ hủy hoại sự nghiệp và cuộc đời anh.

Poor Jenkinson! Hậu vệ phải 19 tuổi này trị giá vỏn vẹn 1 triệu bảng từ Charlton sau vụ chuyển nhượng mùa Hè này. Một năm về trước, Carl Jenkinson còn chơi ở giải hạng bán chuyên nghiệp, trong màu áo Welling United. Anh thậm chí mới đá 8 trận cho Charlton ở giải hạng Nhất Anh mà thôi. Nhưng trong nửa tháng đầu tiên ở Arsenal, anh đã phải gách vác hết cánh trái đến cánh phải của Arsenal. Trình độ, đẳng cấp, kinh nghiệm, tài năng của anh chưa sẵn sàng cho những thử thách lớn như thế. Nhưng anh đã bị "ép chín". Ở Old Trafford đêm qua, anh thực sự trông rất tội nghiệp. Anh bị đàn anh Theo Walcott mắng vì bỏ vị trí trong một tình huống. Anh lúng túng khi đối đầu với Ashley Young, một trong những cầu thủ chạy cánh xuất sắc nhất của Premier League hiện tại. Điểm tận cùng của bi kịch là anh phải nhận thẻ vàng thứ hai ở phút 77, bị đuổi khỏi sân. Đó là trận thứ 3 liên tiếp ở Premier League, Arsenal bị đuổi người. Trận hòa Newcastle là tân binh Gervinho. Trận thua Arsenal là Frimpong, cũng là một tài năng được đôn vội vàng lên từ đội B.

Poor Wenger! Cứ sau 1 bàn thua, ông trông như già thêm 1 tuổi. Ai rơi vào tình trạng này cũng muốn "độn thổ" cho đỡ nhục. Nhưng là HLV, ông phải ngồi đó, phải chứng kiến từng bàn thua, mà mỗi bàn thua chẳng khác gì một nhát dao đâm vào tim ông. Wenger vẫn còn giữ lại chút tỉnh táo, với quyết định rút hai trụ cột van Persie và Theo Walcott ra khỏi sân ở phút 83, tránh những chấn thương đáng tiếc. Nhưng có lẽ, ông không ngờ rằng ông phải thực hiện sự thay người như thế trong một chuyến hành quân đến Old Trafford. Sau những gì ông đã cống hiến, sau những gì ông đã làm, sau những gì ông đã tin tưởng, Arsene Wenger không đáng phải chứng kiến trận thua thảm hại như thế. Điều đau đớn nhất không chỉ là cái tỷ số 8-2 to đùng trên bảng điện tử của sân Old Trafford, vì khi vỡ trận, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Còn gì bi kịch hơn khi chứng kiến Arsenal, niềm tự hào của ông, đã trở thành quân xanh (theo đúng nghĩa bóng lẫn nghĩa đen khi trận này Arsenal mặc áo màu xanh) để kình địch một thời đùa giỡn, sỉ nhục. Còn gì đau đớn hơn khi các tài năng trẻ do ông đào tạo và dẫn dắt đã bị hủy diệt bởi một đội bóng có nhiều cầu thủ trẻ không kém.

Hai ngày trước trận đại chiến này, cựu thủ quân Fabregas (giờ đã là Fàbregas) đã dâng chiếc cúp thứ 3 trong vòng 10 ngày từ sau khi trở về Barca. Hơn 2 tiếng trước trận đại chiến ở Old Trafford, một cầu thủ khác vừa rời Arsenal là Samir Nasri đã thực hiện 3 đường chuyền quyết định để giúp đội bóng mới Man City đại thắng 5-1 ở Tottenham, đối thủ truyền kiếp của Arsenal ở London.

Không bao giờ mạnh hơn khi bán đi những cầu thủ giỏi nhất. Với Arsenal, họ đã tệ hơn khủng khiếp sau khi bán đi những ngôi sao và không chịu đầu tư ngược vào thị trường chuyển nhượng. Để rồi giờ đây, khi TTCN chỉ còn 2 ngày nữa là đóng cửa, Arsenal không còn thời gian để sửa sai. Trận thảm bại ở Old Trafford chính là phát đạn nhắm vào chính sách chuyển nhượng vô lý đến mức ảo tượng của Arsenal.

Ở Việt Nam, tháng này được gọi là tháng cô hồn. Điều này cũng đúng với Arsenal. 3 trận khai màn Premier League, họ chỉ giành được 1 điểm, đứng ngay trên khu vực nguy hiểm. Nhưng có lẽ, phía trước còn nhiều tháng cô hồn khác.

Poor Arsenal! Nát quá, Giáo sư ơi!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)
 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X