Chủ Nhật, 03/11/2024Mới nhất
Zalo

Arsenal và nỗi ám ảnh mang tên virus FIFA!

Thứ Sáu 05/09/2014 14:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Sau một mùa chuyển nhượng khá bận rộn, bây giờ là lúc Arsenal của ông Wenger đi tìm câu trả lời cho tham vọng đặt ra ở đầu mùa giải. Việc khó khăn hòa nhập của các tân binh thì đã rõ.

Nay vấn nạn chấn thương cũng đang là một mối hiểm họa khôn lường của các Pháo thủ.

Khoảng nghỉ nhường chỗ cho các trận đấu giao hữu và vòng loại Euro tưởng chừng là quý giá với cầu thủ Arsenal nhưng trên thực tế, họ cũng thấp thỏm không yên với virus FIFA.

HLV Arsene Wenger tự tin trước mùa giải mới
Wenger luôn đau đầu với bài toán chấn thương tại Arsenal

Lên tuyển là “rụng tim”

Arsenal có truyền thống chấn thương đã thành thương hiệu. Ở đội bóng này, một mùa giải kiểu gì cũng có ít nhất một hai trụ cột nghỉ đá dài hạn. Đáng nói hơn quãng nghỉ ấy luôn gắn với giai đoạn nước rút của mùa giải. Đã rất nhiều lần, Arsenal dẫn đầu bảng xếp hạng trong một thời gian dài, để rồi chỉ vì những chấn thương trời ơi đất hỡi ập đến và hụt hơi.

Chấn thương là điều không thể tránh khỏi trong thể thao thành tích cao. Nhất là với một giải đấu nổi tiếng về độ khốc liệt như Premier League. Nhưng việc quá tải dẫn đến chấn thương là có thật. Nhiều năm qua, Arsenal luôn chịu thiệt thòi mỗi lần các đội tuyển quốc gia triệu tập.

Lí giải việc này cũng không khó. Ở Arsenal, vì triết lí dùng người và chiến thuật đôi khi không khoa học lắm nên một cầu thủ chủ chốt không được thường xuyên xoay vòng. Có lẽ một phần vì không có ai đủ tài năng để thay thế, một phần vì tính bảo thủ của Giáo sư trong việc phá cách và một phần nữa từ chính sách chuyển nhượng có phần hà tiện. Do đó, đến khi mật độ thi đấu lên khoảng 2-3 trận / tuần ngay lập tức Pháo thủ gặp hạn.

Lại thêm, FIFA thỉnh thoảng lại tổ chức các trận giao hữu vô thưởng vô phạt. Các nhà tổ chức, các liên đoàn được lợi nhuận nhưng sức khỏe của các cầu thủ thì bị bòn rút một cách tệ hại nhất. Walcott, Persie – những bệnh binh có thâm niên của Arsenal chắc hiểu rõ điều này nhất.

Mấy hôm nay, đến hẹn lại lên, các cầu thủ lại trở về làm nhiệm vụ quốc gia. Oezil, Giroud hay Kosielny không lên tuyển vì những chấn thương. Người ta tự hỏi, nếu Chambers cũng chấn thương nốt khi đá cho tuyển Anh thì không biết ông Wenger sẽ đá sao với hàng thủ chỉ còn đúng một trung vệ đích thực.

Tiên trách kỉ hậu trách nhân

Có lẽ, khi một cầu thủ của Arsenal bị chấn thương. Người hâm mộ hay đổ lỗi cho số phận hoặc do đối thủ xấu chơi. Song, nguyên nhân sâu xa vẫn là chiều sâu của Arsenal quá mỏng. Một đội bóng tham vọng cần có đủ những quân bài dự bị để xoay vòng cho chặng đường dài 9 tháng ở Premier League. Arsenal vì nhiều lí do nên trong gần 10 năm trở lại đây chưa bao giờ làm tốt điều đó. Ngay cả trong mùa giải này, dù đã được đầu tư mạnh mẽ. Nhưng sự đầu tư đó vẫn còn rất sơ sài nếu nhìn những đội bóng mạnh khác.

Giroud chấn thương, Arsenal mua về Welbeck lấp chỗ trống. Tạm ổn với một phương án 2. Nhưng nếu Metersacker hoặc Kosielny chấn thương, ông Wenger buộc phải để những cầu thủ không có sở trường trung vệ đá ở trung tâm hàng phòng ngự. Đấy là chưa kể, một khi hai ông già Arteta và Flamini kiệt sức vào giữa mùa giải, ai sẽ là người thay thế họ. Thật đáng tiếc khi trong những ngày cuối cùng của kì chuyển nhượng, ông Wenger không thể đem thêm ai về để tăng cường chất lượng nhân sự vốn đang thiếu trên hụt dưới của Arsenal.

Sợ virus FIFA, nhưng trước hết ông Wenger nên tiên trách kỉ hậu trách nhân. Thay vì đổ lỗi cho số phận, Arsenal nên nghiêm túc nhìn vào vấn đề và giải quyết. Nếu không bổ sung nhân sự trong phiên chợ tiếp theo, Arsenal rất có thể lại phải trả giá vì một hai trụ cột chấn thương dẫn đến toàn đội rệu rã và xa rời dần các danh hiệu.

Theo Bongda
  

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X