Nếu xét những động thái của Arsenal ở mùa giải năm nay, rõ ràng Pháo thủ đã có những thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Song, nếu nhìn nhận một cách kỹ lưỡng có thể thấy rằng đây vẫn chỉ là một cuộc cách mạng nửa vời của Pháo thủ thành London.
Thay đổi tư duy làm bóng đá
Với tấm bằng thạc sỹ kinh tế trong tay, Arsene Wenger đã giúp Arsenal xưng hùng xưng bá tại nước Anh cũng như châu Âu bằng lối chơi khoa học, hiệu quả. Bên cạnh đó, chiến lược gia người Pháp còn biến Pháo thủ thành một đội bóng có nền tảng tài chính vững mạnh nhờ những khoản đầu tư mua bán cầu thủ. Cộng thêm việc đội bóng được sự quản lý của những ông chủ người Mỹ, mà đi đầu là Stan Kroenke, Arsenal trong những báo cáo tài chính hàng năm là một trong số ít đội tại Premier League thường xuyên làm ăn có lãi.
Theo thống kê, ngoại trừ mùa giải 2012/13, trong suốt 5 mùa từ 2007/08 đến 2012/13 số tiền mà Arsenal chi tiêu ròng (tiền mua trừ tiền bán cầu thủ) trên thị trường chuyển nhượng đều nhỏ hơn lợi nhuận mà họ kiếm được.
Arsenal và cuộc cách mạng nửa vời |
Tuy nhiên, thành công về mặt kinh tế đồng nghĩa với việc những thành tích trên sân cỏ cũng tỷ lệ nghịch. Đã tám năm qua, Pháo thủ chưa giành thêm bất cứ danh hiệu nào. Bóng đá hiện đại, đặc biệt là xu thế các đội bóng được các ông chủ giàu có thôn tính thì việc vừa kiếm tiền giỏi vừa có được nhiều danh hiệu được xem là "nhiệm vụ bất khả thi". Chelsea, Man City được đầu tư rầm rộ đã có chức vô địch, nhưng báo cáo kinh doanh lại đang lỗ nặng, trong khi Arsenal làm ăn có lãi thì lại thường xuyên trắng tay.
Hiểu được điều này, thượng tầng Arsenal cũng như cá nhân HLV Wenger đã có những thay đổi ở mùa giải 2013/14. Bằng chứng rõ nét nhất chính là việc quyết định phá kỷ lục chuyển nhượng của đội bóng để mang về tiền vệ Mesut Oezil hồi đầu mùa Hè với mức phí 42,5 triệu bảng. Số tiền mà trước đó, người hâm mộ Arsenal hẳn có nằm mơ cũng không dám nghĩ đội bóng dám bỏ ra để chiêu mộ cầu thủ.
Bên cạnh đó, việc HLV Arsene Wenger "lo nghĩ" thái quá cho Arsenal cũng khiến đội bóng này bị thụt lùi. Là một HLV trưởng, lẽ ra công việc của ông là luôn luôn đòi hỏi được đầu tư càng nhiều tiền vào mua sắm cầu thủ càng tốt nhằm cải thiện thành tích, qua đó bảo vệ chiếc ghế của mình. Tuy nhiên, Wenger lại giống như một GĐĐH hay một giám đốc tài chính, nghĩa là luôn keo kiệt trong việc mua bán cầu thủ nhằm thu về càng nhiều tiền càng tốt.
Rõ ràng, tư duy làm bóng đá của Wenger đã làm hỏng Arsenal. Đâu phải cứ làm ăn có lãi, cứ có tấm vé dự Champions League hàng năm là đã thành công, là đã ấm chỗ. Cái người hâm mộ cần là những danh hiệu mang về phòng truyền thống, bởi có danh hiệu, đồng nghĩa với hình ảnh đội bóng sẽ được nâng lên những tầm cao mới.
Đây có lẽ là sai lầm lớn nhất của Wenger trong gần hai thập kỷ dẫn dắt Arsenal, đặc biệt là ở tám năm thất bại gần đây. Song, ở mùa giải 2013/14, Wenger cũng đã dần nhận ra những sai lầm của mình. Ông đã bớt tham gia vào việc làm kinh tế của đội bóng hơn, thoáng hơn trong việc chuyển nhượng và sẵn sàng mở két để chiêu mộ ngôi sao.
... Nhưng vẫn chỉ là cách mạng nửa vời
Arsenal đang đứng trước cơ hội chấm dứt quãng thời gian tám năm không danh hiệu khi lọt vào trận chung kết FA Cup và đối thủ của họ chỉ là nhược tiểu Hull City. Chức vô địch chắc chắn sẽ mang lại một luồng sinh khí mới, giải thoát cho những đôi chân đang mệt mỏi của các cầu thủ Arsenal. Quan trọng hơn, nó khẳng định được một điều rằng những thay đổi của Wenger và BLĐ đội bóng đã có những biến chuyển tích cực.
Tuy nhiên, chỉ chừng đó thôi là chưa đủ. Nếu xem xét một cách kỹ càng, rõ ràng cuộc cách mạng của Arsenal vẫn chỉ là nửa vời, chưa có được một đường lối cũng như lộ trình cụ thể. Việc mua Oezil được nhận định là thay đổi tích cực của Wenger, song nó chỉ như muối bỏ bể nếu như đem so sánh với Man City, Chelsea, Liverpool hay M.U. Trong cả hai kỳ chuyển nhượng mùa Hè và mùa Đông, ngoại trừ Oezil là có giá trị, HLV Wenger đều mang về những món hàng không mất phí hoặc đi mượn như Kim Kallstrom, Viviano hay Yaya Sanogo.
Arsenal đã có sự khởi đầu rất ấn tượng ở mùa giải năm nay, họ có quãng thời gian nửa đầu mùa giải đứng trên đỉnh Premier League và chỉ bị hụt hơi sau giai đoạn lượt về bởi những chấn thương của các trụ cột. Việc Aaron Ramsey, Jack Wilshere, Mesut Oezil, Theo Walcott... thay nhau vào bệnh viện khiến lực lượng của Arsenal lộ rõ sự yếu và thiếu của mình.
Tân binh được đem về sân Emirates không đạt chất lượng, những sản phẩm từ lò đào tạo trẻ của Arsenal không có nhiều tài năng xuất chúng và ít được trao cơ hội ra sân. Chính vì thế, các trụ cột đều phải gồng mình thi đấu với mật độ cao. chỉ có 7 cầu thủ Arsenal thi đấu hơn 30 trận tại Premier League mùa này, bao gồm: thủ thành Szczesny (37 trận), Sagna (35 trận), Mertesacker (35 trận), Koscielny (32 trận), Arteta (31 trận), Cazorla (31 trận), Giroud (36 trận).
Với lực lượng mỏng như hiện nay, việc Arsenal hụt hơi so với những đội bóng có chiều sâu như Man City, Chelsea là điều hoàn toàn dễ hiểu. Pháo thủ đã có những thay đổi trong tư duy mua bán, song những món hàng hạng hai họ mang về chưa đủ giúp đội bóng một chốc một lát có thể xưng vương được. Muốn cạnh tranh chức danh hiệu, Arsenal phải tiến hành triệt để hơn nữa, và thiết thực nhất là mang về nhiều gương mặt thực sự nổi trội.
Bên cạnh đó, chính sách phát triển, ươm mầm và trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ, điều vốn là điểm mạnh của Arsenal, cũng phải được tiến hành song song. Muốn tìm ra những Fabregas, Walcott, Wilshere mới, Pháo thủ phải mạnh dạnh trao cơ hội cho các "mầm non" như Gnabry, Akpom, Bellerin, Zelalem... những cầu thủ đã được đôn lên đội một mùa giải vừa qua nhưng ít được cho thử lửa.
Theo Bongdaplus.vn