Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Arsenal & Tottenham chung cảnh ngộ: Giàu mà không sang

Thứ Bảy 27/09/2014 15:16(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Tottenham và Arsenal hiển nhiên căm thù nhau đến tận xương tủy, nhưng họ lại giống nhau ở chỗ chưa bao giờ thật sự phát huy hết những tiềm năng mà mình có trong tay.

Giống như những người ngồi lên kho châu báu, nhưng lại chả biết dùng thế nào cho hợp lý nhất.

Arsenal, theo những con số vừa được công bố tuần vừa qua, đang ngồi lên một khối tài sản dự trữ trị giá 173,3 triệu bảng. Con số đó đã trừ hết tất cả những khoản nợ. Wenger mà muốn dùng số tiền ấy để mua cầu thủ, UEFA và Luật công bằng tài chính cũng không cách gì sờ đến ông được.

Nhưng Wenger không dùng. Luôn có một sự ngưỡng mộ lớn dành cho “Giáo sư” khi ông tự đặt mình ra khỏi vòng xoáy kim tiền, ra khỏi cuộc đua vũ trang rầm rộ giữa các đối trọng ở Premier League. Chỉ cần 100 triệu bảng thôi, Wenger có thể giải quyết 2 vấn đề lớn của Arsenal: một trung vệ xịn và một tiền vệ đánh chặn để làm nền cho các ngôi sao tấn công của ông.

Arsenal vs Tottenham chung cảnh ngộ hình ảnh
Arsenal vs Tottenham chung cảnh ngộ

Một nghiên cứu đã chỉ ra: Arsenal luôn thi đấu vượt khả năng trong mọi mùa bóng suốt một thập kỷ vừa qua, nếu ta chiếu vào ngân sách của họ. Đấy là một thành tích tuyệt vời cho thấy tài năng đặc biệt của HLV Wenger. Và người ta sẽ càng thấy đóng góp của Wenger vĩ đại hơn một khi ông rời khỏi chiếc ghế HLV trưởng. Nhưng việc Arsenal từ chỗ là ứng cử viên vô địch rớt xuống thành ứng cử viên cho tấm vé cuối dự Champions League cũng đặt ra một mệnh đề ngược lại: phải chăng tư duy của Wenger đang kéo Arsenal lùi lại?

Ở Man City, mọi cuộc chuyển nhượng đều được quyết định bởi một hội đồng 3 người. Chỉ khi nào 3 người đạt được sự đồng thuận, cầu thủ mới được chiêu mộ. Điều ấy sẽ hạn chế khả năng những vụ chuyển nhượng “bom tấn” trở thành... “bom xịt”. Khi 3 bộ não cũng vận hành cho một vấn đề thì tất nhiên là cũng cho ra kết quả tốt và khách quan hơn.

Từ khi David Dein, cựu Phó Chủ tịch Arsenal rời đội hồi 2008, CLB trở thành thể chế độc tài. Một mình HLV Arsene Wenger ra những quyết định liên quan đến thể thao. Dần già Arsenal trở thành đội bóng của Wenger, phản ánh tư duy và triết lý của Wenger. Ông mê mẩn những cầu thủ kỹ thuật, nhỏ con và không bao giờ cảm thấy chán khi mang họ về đội. Cũng giống như một người phụ nữ già, cứ mỗi năm mang về một con mèo dù chiếc ghế sofa đã sập đến nơi. Cũng giống như một cô gái cứ đi shopping là đem về vài đôi giày chẳng khác gì nhau, dù cô chỉ có một đôi chân mà thôi.

Sau chiến thắng 3-0 trước Aston Villa, Wenger có nói một câu đáng chú ý: Oezil quả là đã chơi tốt khi đá ở trung lộ, nhưng ở Arsenal có những... một chục cầu thủ cũng thích đá ở đấy. Vậy câu hỏi đặt ra là: ông ký nhiều cầu thủ đến vậy làm gì?

Chấn thương của Mathieu Debuchy đặt Arsenal dưới cơn khủng hoảng hậu vệ. Trước Dortmund, Arsene Wenger đành phải dùng hậu vệ 19 tuổi Hector Bellerin trong khi ghế dự bị là Lukas Podolski, Alex Oxlade-Chamberlain, Santi Cazorla và Tomas Rosicky. Toàn những cái tên “thứ dữ” ở mặt trận tấn công. Đấy là chưa kể, cuối tuần này, Theo Walcott đã có thể trở lại.

Bellerin không phải là lý do khiến Arsenal bị Dortmund xé toang thành từng mảnh. Lý do là Arsenal vẫn thiếu một tiền vệ đánh chặn giỏi từ sau sự ra đi của Patrick Vieira hồi 2005. Nghĩa là ngay ở cái tuyến giữa mà Wenger vốn tự hào cũng đã có sự mất cân đối rồi.

Khổ nỗi Wenger không buồn đi tìm sự cân đối ấy. Ông luôn có ý hướng về Tottenham. Chi nhiều tiền hơn đấy, đội hình cân bằng hơn, có chiều sâu hơn, nhưng rốt cục cũng... mãi mãi là Tottenham mà thôi. Derby London rốt cục là derby của những kẻ giàu nhưng không sang vậy!

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X