Phải chăng, Emirates đang tìm cách dần tầm thường hóa mình, biến mình thành một đội bóng bậc trung của bóng đá Anh để bảo đảm nguyên tắc tài chính?
“Thị trường chuyển nhượng mùa Đông ư? Hãy quên nó đi. Chúng tôi sẽ không mua thêm ai nữa, dù có mất suất dự Champions League mùa sau…”. Tuyên bố lạnh tanh ấy của GĐĐH Ivan Gazidis làm thổi bùng lên ngọn lửa nóng bỏng đang đốt cháy Emirates…
Có tiền, không tiêu
Những tưởng, đây chỉ là giai đoạn quá độ, khi Arsenal tạm thời chấp nhận kết quả bất lợi để hướng tới việc làm mới mình ở “phiên chợ Đông”. Nhưng không, kế hoạch đầu tư Hè 2011 đã làm phá sản mọi toan tính của Pháo thủ. Chưa bao giờ trong kỷ nguyên Arsene Wenger, Arsenal phải “chạy chợ” đến tận phút chót như thế.Wenger thừa nhận không thể đưa Arsenal trở lại thời kỳ đỉnh cao
Cụ thể, sau khi để lần lượt Clichy, Fabregas rồi Nasri ra đi, Arsenal đã tậu mới khá nhiều, với Gervinho, Andre Santos, Alex Oxlade-Chamberlain, Mikel Arteta và Per Mertesacker. Tổng mức chi tiêu cho nhóm này tính ra cũng đã xấp xỉ số tiền thu về từ việc bán các ngôi sao. So sánh thiệt hơn, rõ ràng phần thiệt thuộc về Pháo thủ. Bởi đáng lẽ mất quân, giảm thành tích thì phải được tiền. Đằng này ngược lại. Đánh đổi người, vẫn mất tiền và lại mất cả thành tích.
Giới phân tích nhìn nhận, BLĐ Arsenal hẳn sẽ cho đây là một sai lầm trong ngắn hạn. Chiến lược xây dựng nòng cốt từ lực lượng trẻ, được đào tạo công phu tại CLB bỗng nhiên bị phá sản. Thay vì bán già mua trẻ, Hè qua, Pháo thủ lại bán trẻ, mua già. Thế nên, sau quãng thời gian phân tích, nhìn lại, lãnh đạo Emirates đã đi đến quyết định: Không để tái diễn tình trạng đó nữa.
Cái “tình trạng” mà Pháo thủ đề cập đến không dừng lại ở việc mua già bán trẻ, mà được khái quát hóa lên thành “ngừng mua sắm ở kỳ chuyển nhượng tiếp theo”. Lý giải cho quyết định này, Ivan Gazidis cho biết không phải Arsenal thiếu tiền. Vấn đề nằm ở việc lãnh đạo đội bóng muốn giữ vững chiến lược xây dựng và phát triển xuyên suốt đã được triển khai trong suốt nhiều năm qua.
Tham bát, bỏ mâm!
Thoạt nghe, những lời mà Ivan Gazdis nói có vẻ khá logic. Không ai dại gì đi ngược lại một chiến lược phát triển đã và đang thành công. Nhưng câu hỏi đặt ra: Liệu cái lý tưởng mà Arsenal vẫn theo đuổi ấy có còn thích hợp trong thời đại này hay không?
Ở một phạm vi nhỏ, những gì đang xảy đến với Arsenal đã phủ định chính tuyên ngôn về “sự sống” của họ. Thì đấy, chấp nhận để “chảy máu lực lượng” khiến Pháo thủ sớm lụn bại ở Premiership. Sau 7 vòng đấu, Arsenal đứng tận thứ 15, kém Top 4 tới 8 điểm. Chắc cũng bởi vị thế đang quá thấp ở Premiership như vậy, GĐĐH Ivan Gazidis mới rào trước chuyện không có vé dự Champions League. Mà nên nhớ rằng, Champions League chính là tiền. Và tiền ấy suy cho cùng là để tái đầu tư để tiếp bước vinh quang của tất cả các đội bóng.
Trên phạm vi rộng lớn hơn, xu thế chung của bóng đá thế giới và châu Âu bây giờ là “dùng tiền mua danh hiệu”, “đầu tư trước gặt hái thành quả sau”. Từ Barca đến Real, từ Chelsea đến Man City…, bất cứ kẻ ôm mộng vinh quang nào cũng đều không thể tách khỏi trào lưu chạy đua vũ trang vốn ngày càng khốc liệt hơn. Có lẽ, hiếm cho CLB nào đi ngược dòng chảy tất yếu như Arsenal.
Đi ngược lại xu thế, nếu thành công, Arsenal sẽ tạo ra một cuộc cách mạng, một phát kiến vĩ đại. Nhưng có lẽ không thể an ủi mình như thế. Chính HLV Arsene Wenger từng thừa nhận khó đưa Pháo thủ trở lại ánh hào quang. Phải chăng, Emirates đang tìm cách dần tầm thường hóa mình, biến mình thành một đội bóng bậc trung của bóng đá Anh để bảo đảm nguyên tắc tài chính? Song sống như vậy thì quả là Arsenal đang “tham bát, bỏ mâm”.
(Theo báo Bóng Đá)