- 23h30 ngày 16/8, Arsenal - Crystal Palace: Cuộc cách mạng liệu có thành công?
- Quan điểm: Arsenal vẫn cần một “số 9”
- Arsenal: Wenger cần thêm một tân binh
Cần một “đầu gấu”
Sau khi Thomas Vermaelen ra đi, HLV Arsene Wenger đã trao băng đội trưởng Arsenal cho Mikel Arteta. Đây là điều hợp lý, vì ít ra Arteta cũng là đội phó trước đây. Tuy vậy, xét trên phương diện phi chuyên môn, tiền vệ người Tây Ban Nha chưa phải đáp án hoàn hảo cho bài toán của ông Wenger. Điểm yếu lớn nhất của Arsenal nhiều năm qua vẫn là sự lỳ lợm, một chút cá tính. Đặc biệt ở tuyến giữa, ai cũng thấy Pháo thủ tan tác thế nào ở các trận thua Man City 3-6 hay Liverpool 0-5 mùa giải trước.
Đội trưởng mẫu mực Tony Adams (trái) và ''chất thép'' Vieira (bên phải) từng làm nên thành công cho Arsenal |
Hàng tiền vệ hiền lành của Arsenal đã bị đè nén, bóp vụn và cả đội sụp đổ. Để phòng thủ tốt hơn, chiến thuật là một phần, và một thủ lĩnh “có máu mặt” giữa sân là sự bù đắp tinh thần rất đáng kể. Lần cuối giành FA Cup trước lần đăng quang năm nay, một mình Patrick Vieira đã trụ cho cả đội trước một Man Utd sức mạnh trội hơn.
Trong quá khứ, HLV Wenger đã thành công với Martin Keown và Tony Adams. Nếu Adams là một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn vì là tên tuổi hàng đầu bóng đá Anh, Keown lại “hơi xấu tính”, là mẫu trung vệ có thể lao tới Van Nistelrooy và gây chuyện năm 2003. Patrick Vieira thì không phải bàn nữa, vì chỉ có anh là người duy nhất tại Premier League giai đoạn 1998-2005 có thể chơi ngang hàng với Roy Keane của Man Utd.
Thế hệ sau đó, người ta thấy ở Cesc Fabregas một cá tính đặc biệt: Anh lên làm đội trưởng trẻ tuổi tại Emirates, với “hành trang” là chiếc pizza ném vào nhân vật lừng lẫy Sir Alex Ferguson, tham gia đủ mọi cuộc chiến trên sân, trong đường hầm… Nói chung, thủ lĩnh Arsenal là một nhân vật có tài nhưng phải song hành là một cá tính mạnh.
Hãy tưởng tượng Arsenal có bị Patrice Evra gọi là “đám trẻ” hay không, nếu đội hình Pháo thủ là những cá tính như Frimpong, Joey Barton, Pogba, Zaha… Họ chưa chắc giỏi hơn những cầu thủ Arsenal vài năm qua, nhưng chí ít có thể “đè” được đối thủ về mặt tâm lý bởi sự ngông cuồng trong đó.
Chữa cháy bằng tính cách “ngôi sao kiểu showbiz”?
Kể từ sau sự ra đi của Vieira, đối đầu với Arsenal đơn thuần là đối đầu về chuyên môn. Vụ “pizza” của Fabregas năm xưa dường như là lần cuối cùng Pháo thủ gây ra một sự tranh cãi lớn. Thiếu điều này, thì rất khó để Premier League phải “nổi sóng” trong cuộc đua của các đại gia.
Mỗi đội bóng cần một thủ lĩnh. Anh ta phải là người rắn mặt, chịu trách nhiệm thu hút mọi chú ý của đối phương và… cần có một cuộc sống “máu mặt” ngoài bóng đá. Chelsea có John Terry lắm tài nhiều tật. Man Utd sau Roy Keane, có thể nói đã giữ Rooney hết mình vì những tố chất đã nêu anh này đều có. Liverpool dẫu sao vẫn còn Gerrard như một biểu tượng tuyến giữa. Nền tảng thành công của Man City cũng dựa nhiều vào Carlos Tevez, một gã “trai hư” khét tiếng.
Có thể thấy HLV Wenger đã cố gắng chiêu mộ Sami Khedira vì nhiều lý do, tương tự cách ông đặt niềm tin vào Per Mertesacker (dẫu thực tế trung vệ này không thuộc hàng tốp về tài năng). Khedira là một người trưởng thành từ bóng đá Đức, là ĐKVĐ Thế giới, là một tiền vệ đa năng, thông minh. Nhưng Khedira cũng là một “mẫu nam” ngoài đời, và có một WAG rất đẹp. Sự hiện diện của anh sẽ gây chú ý, phù hợp với chiến lược “tậu ngôi sao” của ông Wenger, như các vụ Ozil hay Sanchez.
Arsenal cần một chút… showbiz là vì thế, nên mới có chuyện họ từng đặt vấn đề một cách khó hiểu với Mario Balotelli – người đã gây sự thích thú rất lớn cho cộng đồng CĐV Arsenal. Một số người đã mua áo Arsenal in tên… Balotelli.
Và để làm rõ hơn việc HLV Wenger đang muốn thêm cá tính cho đội, hãy nhìn vào Jack Wilshere. Đây là sản phẩm tốt nhất của lò đào tạo Arsenal từ sau Ashley Cole (không tính những trường hợp mua cầu thủ trẻ từ nơi khác về luyện như Song hay Fabregas). Thế nhưng, Wilshere nhanh chóng dính tới nhiều vụ scandal như hút thuốc, thẻ đỏ, ẩu đả… Ấy vậy, ông Wenger vốn khó tính và kỷ luật, vẫn cưng chiều Wilshere.
Jack Wilshere là mẫu cầu thủ đầy cá tính. Anh có tài, ngổ ngáo, hầu như không biết sợ và vì là người Anh chính cống, Wilshere thực sự là “món hàng ngon” cho các tờ báo như The Sun hay Daily Mail. Đó mới là kiểu cầu thủ Arsenal cần nhất vào lúc này, một thủ lĩnh tinh thần trên sân đồng thời là cá tính lớn sau phòng thay đồ…
Theo Khám Phá