- Sporting Lisbon “đại hạ giá” sao trẻ, MU và Arsenal phải hành động ngay!
- Atletico Madrid lên kế hoạch “hút máu” Arsenal
- Người hùng của ĐT Costa Rica lại bị Arsenal “đày ải”
Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề rất lớn mà Arsenal không dễ gì giải quyết được, đó là vị trí đội trưởng.
Mùa giải 2013/2014 đã khép lại với Arsenal không quá mỹ mãn, nhưng quan trọng vào cái ngày 17/5/2013 vừa rồi, Pháo thủ đã đánh bại Hull City để lên ngôi vô địch ở FA Cup, kết thúc hơn 3000 ngày địa ngục với không một danh hiệu nào trong tay.
Dĩ nhiên người hâm mộ vui mừng, họ mở tiêc ăn mừng như thể họ đã vô địch Champions League vậy. Ban lãnh đạo đội bóng cũng muốn nhân dịp này “thừa thắng xông lên”, tiếp tục tham vọng giành chức vô địch Premier League bằng việc cấp cho HLV Arsene Wenger 100 triệu bảng để mua sắm trong hè này. Đã từ lâu lắm rồi Arsenal mới lại bạo chi đến thế, và quả thật Wenger cũng đã đưa về sân Emirates một ngôi sao cỡ bự, đó là Alexis Sanchez, cùng với đó là việc theo đuổi các mục tiêu lớn khác như Kari Benzema hay Sami Khedira. Người hâm mộ Arsenal đã bắt đầu mơ về chức vô địch ở mùa tới.
Tuy nhiên kể cả Arsenal có chiêu mộ đủ binh hùng tướng mạnh, họ vẫn khó lòng mơ tới chức vô địch Premier League mùa giải năm sau. Các CĐV đã quá vui mừng trong men say chiến thắng, trong ánh hào quang của Alexis Sanchez mà quên rằng họ vẫn đang thiếu đi một thủ lĩnh, một đầu tàu thật sự. Trong suốt những năm hoàng kim của thời đại Wenger, Arsenal chưa bao giờ vắng bóng một người đội trưởng mẫu mực.
Ai có thể quên được Tony Adams vững như bàn thạch và là biểu tượng của Arsenal những năm thập niên 90? Khi Wenger đến sân Highbury (sân nhà cũ của Arsenal), ông đã cùng Adams tái cấu trúc lại Arsenal với việc mang về những cầu thủ mới như Dennis Berkamp, Nicolas Anelka, Patrick Viera hay Thierry Henry. Với tính cách mạnh mẽ và tố chất thủ lĩnh bẩm sinh, chính Adams đã giúp sức rất nhiều cho HLV Wenger trong việc chấn hưng Arsenal và lấy lại vầng hào quang khi vô địch Premier League mùa giải 1997/1998 sau 7 năm chờ đợi.
Và sau khi Tony Adams treo giày năm 2003, Patrick Viera lại tiếp quản chiếc băng đội trưởng của anh và tiếp tục giúp Wenger tạo nên một thời kỳ vàng son mới cho đội bóng. Arsenal những năm cực thịnh được nhớ tới với lối đá ít chạm đẹp mắt, nhưng không ai có thể quên được hình ảnh Viera hằm hè và sẵn sàng ăn tươi nuốt sống Roy Keane trong những trận cầu đinh giữa Arsenal và Manchester United. Chất thép và khả năng cầm trịch ở tuyến giữa của người đội trưởng mang áo số 4 đã tạo nên sự an tâm với các đồng đội cũng như các CĐV.
Từ sau sự ra đi của Viera, lần lượt Fabregas, Van Persie và Vermaelen được tín nhiệm trao băng đội trưởng, nhưng không một ai trong số đó có thể tạo được cái uy và tầm ảnh hưởng sâu rộng lên đội bóng như Tony Adams hay Patrcik Viera đã từng làm.
Việc Arsenal liên tục gục ngã ở những thời điểm quyết định của mùa giải không chỉ do chấn thương hoành hành mà còn bởi sự non kém về mặt bản lĩnh thi đấu. Sự khắc nghiệt của cuộc đua đường trường ở Premier League, giới truyền thông Anh quốc nổi tiếng là nhiều chuyện và hay soi mói, hay cả thời tiết u ám ở quốc đảo sương mù đều ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của các cầu thủ.
Hãy nhìn sang các đội bóng trong nhóm “ông lớn”, trong suốt những năm qua dù đội bóng có gặp khó khăn đến đâu, họ vẫn có những người thủ lĩnh thực thụ làm điểm tựa tinh thần. Terry là một thế lực trong phòng thay đồ ở Chelsea, nhưng không ai phủ nhận đội trưởng của The Blues luôn sẵn sàng thi đấu hết mình vì đội bóng. Gerrard là biểu tượng trung thành ở Liverpool, Vidic luôn là một chiến binh thực sự nơi hàng thủ của MU, còn Kompany, hãy cứ nhìn vào cách anh ăn mừng bàn thắng vào lưới kình địch MU để thấy được nhiệt huyết của cầu thủ này.
Quay lại với Arsenal, có thể thấy rõ việc không có một thủ lĩnh tinh thần ảnh hưởng tới phong độ của đội bóng như thế nào trong mùa giải vừa qua. Trong số những trận đấu gặp các đội bóng lớn, Arsenal không thắng được một trận nào, trong đó có những trận thua “bẽ mặt” như thua Manchester City 3-6, thua Liverpool 1-5 hay thua Chelsea 0-6. Không hẳn là Arsenal chơi quá tồi hay bị dẫn trước từ quá sớm. Vấn đề là các Pháo thủ đã không thể làm chủ được tinh thần của mình và dễ dàng buông xuôi trong những lúc cần phải tỏ ra bản lĩnh nhất. Ở đó, người ta không thấy được vai trò của người đội trưởng Arsenal trong việc truyền nhiệt huyết và sự cứng cỏi cho các đồng đội.
Mùa hè năm nay, câu chuyện về chiếc băng đội trưởng của Arsenal lại được đưa ra bàn luận, nhưng đáng buồn thay lại đi theo hướng tiêu cực. Đội trưởng trên danh nghĩa của đội bóng trong vài mùa gần đây, Thomas Vermaelen chuẩn bị lên đường sang MU do không cạnh tranh được vị trí với Koscielny và Metersacker. Còn người tiếp quản chiếc băng thủ quân trong tương lai là Jack Wilshere lại dính vào những scandal không đáng có về việc hút thuốc hay rượu chè ở Las Vegas, và không chỉ một lần. Arsenal đã đầu tư mạnh mẽ về nhân sự nhưng cốt lõi của đội bóng đó là tinh thần và nhuệ khí của đội bóng nói chung và của người đội trưởng nói riêng vẫn đang bị đặt dấu hỏi rất lớn.
Dẫu sao, các CĐV Arsenal vẫn luôn nổi tiếng với khẩu ngữ “In Arsene we trust”. Họ vẫn luôn tin vào Wenger, điều đó thể hiện niềm tin tuyệt đối ở người thuyền trưởng và cả người đeo băng thủ quân do ông lựa chọn nữa. Hãy nhớ rằng chính Wenger là người đã “thuần hoá” được con sâu rượu Tony Adams khi mới đến Arsenal, để rồi anh trở lại với đỉnh cao phong độ và đi vào lịch sử với tư cách là đội trưởng duy nhất nâng cao chức vô địch Premier League (trước đây là First Division) trong 3 thập kỷ liên tiếp.
Wilshere có đầy đủ tài năng và cá tính như Adams ngày nào. Biết đâu Wenger cũng sẽ giúp anh bỏ thuốc và rượu để trở thành đội trưởng vĩ đại tiếp theo của Pháo thủ thành London?
Thế Hưng