Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Arsenal, kẻ khai phá những cái mới!

Thứ Ba 01/10/2013 14:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Vào ngày 4/12/2010, Arsenal leo lên ngôi đầu bảng giải Ngoại hạng Anh sau chiến thắng 2-1 trước Fulham. Gần 3 năm sau, thành tích trên mới được lặp lại ...

Sau 3 năm, Arsenal mới có cảm giác ngự trị trên đỉnh của Premier League. Và không chỉ duy trì ngôi đầu của mình một cách thuyết phục, Arsenal còn đang biết khai phá rất nhiều điều mới mẻ mà không phải đội bóng nào ở Anh có thể làm được vào lúc này.

Vào ngày 4/12/2010, Arsenal leo lên ngôi đầu bảng giải Ngoại hạng Anh sau chiến thắng 2-1 trước Fulham. Gần 3 năm sau, thành tích trên mới được lặp lại và nó đang được duy trì trong suốt 2 vòng đấu qua.

Khởi đầu tốt chưa thể giúp Arsenal đủ sức tranh ngôi vô địch
 

Nhưng thời điểm cách đây 3 năm, Arsenal của lúc đó chơi với một bộ khung ổn định đến mức, bất cứ khán giả nào cũng có thể dự đoán trước đội hình ra sân của “Pháo thủ”. Lúc đó ông Arsene Wenger luôn tung ra sân 3 tiền đạo, 3 tiền vệ và 4 hậu vệ. Ở đó Fabregas là trái tim của đội bóng, người chơi thấp nhất luôn là Song, hai bên cánh Walcott cùng Nasri và Arshavin hoán đổi vị trí cho nhau còn Van Persie hoặc Chamakh đá cao nhất trên hàng công.

Ổn định thì tốt, nhưng cái gì quá cũng sẽ phản tác dụng. Chính sự dập khuân trong triết lí bóng đá của ông Wenger khiến Arsenal ngày càng dễ bắt bài. Như một hệ quả tất yếu, kể từ sau lần “lên đỉnh” vào năm 2010 thì “Khẩu thần công” luôn thi đấu rất chật vật và phải nhờ nhiều vào may mắn mới giữ được vị trí trong Top 4 trong những mùa sau đó.

Thế còn Arsenal của mùa giải 2013/2014 thì sao? Bên cạnh những yếu tố thường được đưa ra làm dẫn chứng cho thành công của họ ở giai đoạn này như sự xuất hiện của Oezil, phong độ cao của Ramsey hay tâm lý các cầu thủ được cải thiện thì chúng ta còn quên mất rằng, chính sự cách tân trong cách huấn luyện của giáo sư người Pháp mới là lí do chính giúp Arsenal chơi hay đến thế này.

Mùa này ông Wenger không chỉ tìm ra một cái mới, mà là nhiều cái mới. Đầu tiên là việc bố trí sơ đồ chiến thuật. Từ đầu mùa đến giờ, Arsenal rất linh hoạt trong việc chọn lựa 4-2-3-1 hay 4-4-2 để ra sân. Ở những trận gặp đối thủ chơi bóng nặng về cơ bắp, Arsenal thường xuất phát với đội hình 4-4-2 mà ở đó, cứ 1 tiền vệ cánh tốc độ lại kết hợp với 1 hậu vệ cánh chắc chắn hoặc ngược lại.

Chính sơ đồ Anh truyền thống đã giúp Arsenal có những chiến thắng dù vất vả nhưng thuyết phục trước Sunderland hay Marseille. Còn với sơ đồ 4-2-3-1, đây là bài toán tốt nhất để giải quyết những đối thủ cũng ưa lối đá kĩ thuật, phòng ngự phản công. Cuối tuần vừa rồi, Swansea City trở thành nạn nhân mới nhất của Arsenal.

Sáng tạo thứ hai của ông Wenger nằm ở việc bố trí nhân sự. Arsenal đang có 7 “bệnh nhân” trong việc, 5 trong số đó tới từ hàng tấn công. Vậy tại sao họ vẫn vận hành trơn tru bộ máy của mình? Jack Wilshere cùng Aaron Ramsey chính là lời giải cho câu hỏi trên.

Khi Podolski cùng Cazorla không thể ra sân, ông Wenger đã có quyết định táo bạo khi đẩy Wilshere dạt cánh trái. Tới thời điểm này, màn trình diễn của Wilshere đã chứng minh ông Wenger không chỉ đúng, mà còn quá đúng. Wilshere tuy không có khả năng bứt tốc ở cự ly dài nhưng bù lại, tiền vệ này rất nhanh trong những tình huống bóng đoạn ngắn hay phản công.

Thống kê chỉ ra rằng, Wilshere có tới 12 lần vượt qua sự truy cản của hậu vệ đối phương ở những pha đột nhập trong phạm vi 20m so với cầu môn đội bạn. Ngoài ra, sự kết hợp của Wilshere và Gibbs cũng là điểm sáng mới. Cả hai có tới 34 lần phối hợp với nhau trong 3 trận Wilshere đá cánh, con số mà Podolski cần tới 8 trận mới có thể đạt được.

Về phía Ramsey, không quá khi nói HLV Arsene Wenger sở hữu một tầm nhìn khái quát khi để tiền vệ người xứ Wales chơi như một tiền vệ box-to-box. Một tiền vệ trung tâm nhưng lại ghi tới 8 bàn sau 8 trận gần nhất, vươn lên đứng thứ hai danh sách Vua phá lưới của giải Ngoại hạng Anh. Ghi bàn tốt nhưng Ramsey không quên nhiệm vụ chính của mình. Ở Arsenal, Ramsey là tiền vệ có tỉ lệ chuồi bóng cao nhất (87%), tỉ lệ tắc bóng đứng thứ hai chỉ sau Flamini (90%).

Tóm lại, Arsenal chơi quá hay còn Arsene Wenger quá cao tay. Chính sự tươi mới mà ông thầy người Pháp đem lại trong năm thứ 17 dẫn dắt Gunner là chìa khóa dẫn tới chuỗi trận thăng hoa vừa qua của Arsenal. "Các Pháo thủ" vẫn đang trên đường tìm kiếm những cái mới để ngày một hoàn thiện hơn nữa.
 
(Theo TalkSport)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X