Sắp mất thêm Senderos?
Ông đang rất bực bội khi mới đây, Newcastle đưa ra đề nghị 4 triệu bảng cho trung vệ người Thụy Sĩ Philippe Senderos. Wenger không có lí do gì để giận dữ với Newcastle mà là với chính ban lãnh đạo Arsenal khi thay vì từ chối thẳng thừng, họ lại đang cân nhắc. Và nếu con số đó được nâng lên 6 triệu bảng thì Wenger chắc chắn sẽ mất thêm một cậu học trò nữa trong mùa Hè mà các pháo thủ lũ lượt rời bỏ thành London.
Senderos không quan trọng bằng Mathieu Flamini hay Alexander Hleb. Thực ra thì chính Wenger cũng thừa nhận cầu thủ 23 tuổi này chưa vươn tới được đẳng cấp cao nhất. Nhưng ở thời điểm mùa giải sắp khởi tranh, mất Senderos có thể kéo theo hậu quả nặng nề vì Kolo Toure vẫn chưa bình phục căn bệnh sốt rét quái ác còn một cái tên khác ở hàng thủ là Alexandre Song thì còn bận rộn dự Olympics Bắc Kinh cùng U-23 Cameroon.
Chưa bao giờ trong một con giáp dẫn dắt Arsenal đến nay, người ta thấy “Giáo sư” bất lực một cách cam chịu như lúc này. Là HLV, không đời nào Wenger thích sự xáo trộn đội hình xoành xoạch. Một lứa vừa mới ra ràng đang mang theo nhiều tham vọng của ông bỗng chốc lại tan đàn xẻ nghé. Hậu quả của một Emirates khang trang là một Arsenal sống trong ngôi nhà “5 sao” nhưng với túi tiền trống rỗng. Doanh thu tăng, lợi nhuận tăng song vẫn còn đó món nợ hàng trăm triệu bảng mà tiền lãi mỗi năm thôi cũng lên đến giá trị một ngôi sao như Adebayor!
Khó trách những cầu thủ ra đi bởi trong bối cảnh bóng đá hiện đại, không một lời kêu gọi nào nặng ký bằng tiền bạc. Tại sao phải hết mực trung thành khi chính họ hiểu rằng lúc nào, mình cũng có thể bị bán nếu “được giá”? Mà thường thì nhờ tài năng của Wenger trên thị trường chuyển nhượng, cầu thủ nào ở Emirates cũng đều “được giá” cả. Lấy ví dụ như Senderos. 5 năm trước, Arsenal mua anh từ Servette với giá chỉ hơn 2 triệu bảng. Giờ thì họ có thể kiếm được từ Newcastle gấp 3 lần con số đó. Quá hời còn gì nữa?
Hời về mặt kinh tế nhưng sẽ thất bại về mặt tổ chức. Liệu đội bóng có còn là một khối thống nhất khi ai cũng xác định tư tưởng chỉ coi đây là trạm dừng chân, là nơi rèn giũa thêm tài năng để “lên đời”. Đã 4 năm, Arsenal trắng tay ở Premier League. Danh hiệu gần nhất có được cũng chỉ là chức vô địch Cúp FA năm 2005.
Phải chăng, đã đến lúc người ta vẫy tay chào từ biệt một Arsenal từng so kè vinh quang cùng M.U suốt từ khi giải Ngoại hạng ra đời để đến với một Arsenal, trung tâm “tạm nhập tái xuất” cầu thủ? Lối thoát nào cho họ? Khả năng tỷ phú Uzbekistan Alisher Usmanov mua đứt CLB đang được nhắc lại. Để có thể đua tranh với phần còn lại của “tứ đại gia”, có lẽ Arsenal cũng phải đi theo con đường mà Chelsea, M.U và Liverpool đã bước thôi!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)