Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Arsenal: Chai lỳ với nỗi đau

Thứ Năm 16/08/2012 17:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nghe Arsene Wenger, HLV lâu năm thứ hai ở Premier League, thốt lên rằng ông đã quá quen với nỗi đau, thật xót thương thay.

Mấy năm gần đây, nếu không có Arsenal, thị trường chuyển nhượng ở châu Âu chắc buồn lắm. Các vị khách VIP không mời cứ tìm đến tới tấp, từ nước ngoài có, từ trong nước không thiếu. Nước ngoài có Barca, cứ nhận thấy vị trí nào không ổn là tìm đến Emirates. Ở trong nước, các vị giám đốc của Man City có lẽ nhắm mắt cũng có thể đi thẳng vào phòng của HLV Wenger. Mỗi vụ chuyển nhượng cần đến vài ba cuộc đàm phán. Từ năm 2009 đến nay, Man City đã mua đến 5 cầu thủ của Arsenal. Tính ra phải đôi ba chục lần tìm đến Emirates, không quá quen thuộc phòng ban ở đây mới lạ.

Đây là con đường "chảy máu nhân tài" ở Arsenal: những đứa trẻ hoặc cầu thủ vô danh tìm đến Emirates, sớm được tạo cơ hội thử lửa, tỏa sáng một hai mùa, rồi sau đó được nhận lương cao và những chiếc Cúp ở... Barca và Man City. Sau khi cùng Man City vô địch Premier League, Samir Nasri còn quay lại trêu tức CĐV Arsenal. Cesc Fabregas hành xử lịch thiệp hơn, vẫn ca ngợi Arsenal là đội bóng lớn, bày tỏ lời cảm ơn sự chỉ bảo của người thầy Wenger, sự ủng hộ của CĐV... Mỗi người nói một kiểu, nhưng đều khiến Pháo thủ ruột đau như cắt. Ai mà chẳng biết rõ lý do khiến họ ra đi: vì danh hiệu, và có thể vì tiền bạc.

HLV Wenger đang đau đầu vì trường hợp của siêu tiền đạo Van Persie
Wenger đã quá quen với nỗi đau

Một năm trở lại đây, còn xuất hiện thêm một vị khách VIP là M.U - điều chưa từng xảy ra dưới triều đại của Wenger. Mùa Hè năm ngoái, M.U đã hỏi mua Samir Nasri. Thương vụ này thất bại khi Man City nhảy vào, nhưng năm nay M.U quyết đưa "Vua phá lưới Premier League" Robin van Persie về Old Trafford.

Trước đây, M.U mua những ngôi sao lớn nhất của Premier League là chuyện bình thường, từ Eric Cantona đến Roy Keane, từ Andy Cole đến Wayne Rooney. Nhưng đó là thời mà chủ Mỹ chưa đến. Bây giờ, M.U tiêu tiền tằn tiện chẳng khác gì Arsenal. Thế mà một M.U "đồng cảnh ngộ" ấy lại sắp cướp đi đội trưởng, kiêm chân sút số 1, kiêm nửa sức mạnh của đội bóng.

Đau không? Đau lắm chứ. Nhưng Arsenal không còn sự lựa chọn nào khác. Đó là hệ quả tất yếu của 7 năm liền trắng tay, của chính sách nghiêm ngặt đến mức cứng nhắc liên về cơ cấu lương, của sự bất lực trước vấn nạn chảy máu nhân tài kéo dài từ mùa Hè này sang mùa Hè khác. M.U không giàu có như Man City, hay PSG bên Pháp. Nhưng đến đó, van Persie mới có hy vọng giành những danh hiệu cao quý mà suốt sự nghiệp chỉ biết đứng từ xa nhìn với ánh mắt thèm muốn, anh càng không cần phải sống trong cảnh lo lắng về nguy cơ không thể giành vé dự Champions League.

Và anh được trả lương cao hơn. M.U không hề có ý định (lẫn khả năng) chạy đua lương với PSG hay Man City, nhưng họ sẵn sàng phá két cho một số trường hợp ngoại lệ nếu thấy cần, như vụ giữ chân Wayne Rooney. Đó là điều mà Arsenal không dám làm, không muốn làm và có lẽ nhận thấy rằng không cần thiết phải làm.

Van Persie đã giành danh hiệu Vua phá lưới Premier League mùa trước với 30 bàn. Anh còn là cây chuyền tốt thứ 2 của CLB, với 9 đường kiến tạo. Đứng trên van Persie là Alex Song, với 11 đường kiến tạo. Mùa Hè này, liên tục rộ lên tin đồn Barca muốn mua Song. Giờ thì không còn tin đồn. Giới VIP của Barca đã bay sang London và nhiều nguồn tin khẳng định họ sắp có Song.

Mùa trước, Song chơi cực hay. Dù được bố trí đá tiền vệ phòng ngự, anh tỏ ra cực kỳ đáng sợ khi tham gia tấn công, mà con số 11 đường kiến tạo đã nói lên tất cả. Đã lâu lắm rồi, có lẽ từ thời Vieira, Arsenal mới sở hữu một tiền vệ trung tâm toàn diện như thế.

Vieira là ngôi sao lớn đầu tiên rời bỏ Arsenal trong kỷ nguyên "trắng tay". Từ đó đến nay, mùa Hè được xem là mùa u tối nhất đối với Arsenal. HLV Wenger uất ức đến mức nói rằng "thà xuống địa ngục còn hơn vì trên này đã quá quen với những nỗi đau".

Dù sao, khi đã quá quen thì sẽ dẫn đến tình trạng chai lỳ. Vô cảm? Có thể lắm...

Ở Emirates bây giờ, không ít người tin rằng Arsenal vẫn có thể mạnh hơn ngay cả khi mất đi chân sút số 1 và chân chuyền số 1.

Họ đặt nhiều hy vọng ở bộ ba tân binh Cazorla, Podolski và Giroud.

Một cách thức tiếp cận khá hay. Thay vì khóc than với những nỗi đau quen thuộc, chi bằng tìm kiếm nụ cười ở những hy vọng mới.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X