Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Arsenal bị cuốn theo sự quyến rũ của đồng tiền: Vì danh hiệu, đánh cược cả tương lai

Thứ Ba 02/07/2013 09:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
(Bongda24h) - Cứ nhìn Gã nhà giàu Chelsea đi, họ trảm gần chục vị tướng trong 10 năm, tiêu tiền không biết mệt, nhiều bản hợp đồng thất bại đến hoang phí. Thế nhưng, cái họ có là 13 danh hiệu. Còn Arsenal, cơn khát của Cổ động viên làm họ phải cuốn theo cái chân lý: Bóng đá bây giờ là tiền, có tiền là làm được bóng đá.


"Cuộc đời của một vị tổng thống không hạnh phúc hơn cuộc đời của một cậu bé đánh giày. Cuộc đời của một tỷ phú không hạnh phúc hơn cuộc đời của một người ăn mày. Cậu bé đánh giày hay người ăn mày có những niềm vui mà tỷ phú  hay vị tổng thống không bao giờ có được. Và ngược lại, vị tổng thống hay nhà tỷ phú có những niềm hạnh phúc mà cậu bé đánh giày hay người ăn mày không có được
."

Giả sử Arsenal là người ăn mày thì thật quá đáng. Nhưng nếu so sánh cách chi tiêu của họ với những Man City hay Chelsea thì quả thật Pháo Thủ trong suốt 10 năm qua không khác gì một kẻ nhà nghèo thèm thuồng nhìn vào Gã nhà giàu kia hưởng thành công từ những thứ có sẵn. Chelsea, Man City có tiền của các ông chủ, còn Arsenal phải tự đi kiếm tiền từ việc nâng cấp sân vận động (tốn chi phí ban đầu nhưng Emirates sau vài năm hoạt động lại là SVĐ thu tiền vé nhiều nhất nước Anh), bán chác cầu thủ trên TTCN. Để rồi Man City đầu tư tròm trèm 3 năm có ngay chiếc cúp Premier League sau 44 năm chờ đợi, có thêm 1 FA Cup, chiếc cúp mà Arsenal không có được mặc dù đã từng ở rất gần tới 2 lần trong 9 năm qua. Bây giờ, City được gắn mác "Đại gia", hay "Tỷ phú". 

Ai bảo ở Arsenal không có niềm vui. "Kẻ ăn mày" hay "Cậu bé đánh giày" có những niềm hạnh phúc mà các "Tỷ phú" hay "Tổng thống" không có được. Ấy là một phòng thay đồ hòa thuận, một đội bóng ít người vụ lợi về tiền bạc (quỹ lương thấp, đang dần được đẩy cao lên vì... thời thế bắt phải vậy). Ai thích tiền thì đã đi. Adebayor không còn ở Arsenal. Fabregas thì không phải là thích tiền, nhưng cũng về Nou Camp để hồi hương. Còn Van Persie thì xin được... miễn bình luận. Arsenal không cần giữ những người không thuộc về họ, và cũng lấy lại được một khoản tiền để tiếp tục làm ăn có lãi. Với Arsenal, cuộc sống yên bình trong phòng thay đồ và một tài khoản lúc nào cũng có lãi suất ở mức số dương là hạnh phúc của họ.

Arsenal sẽ mua cả ba ngôi sao Higuain, Rooney và Fellaini?
Mãi là vịt hay lột xác thành thiên nga?

Man City và Chelsea không có những thứ đó. Balotelli choảng nhau trên sân tập với hết Kompany, rồi Jerome Boateng, đến Yaya Toure và không chừa cả Roberto Mancini. Cuối cùng Man xanh phải cho siêu quậy này "đi tàu suốt" mặc dù anh vẫn còn nguyên giá trị sử dụng. Phòng thay đồ của Man City chưa bao giờ đoàn kết, hết người này đến người kia đòi ra đi, và yêu cầu một ai đó trung thành với Citizens vào thời điểm này thật đúng là chuyện viễn tưởng. Chelsea có những người trung thành, nhưng những người trung thành như Terry, Lampard, Ashley Cole lại góp phần ... lật đổ chiếc ghế huấn luyện viên của tròm trèm 10 người, nếu họ không hài lòng. Họ tách biệt ra thành một nhóm riêng, và những người mới đến Chelsea không vì tiền, thì cũng vì cái sự hào nhoáng xa hoa, danh tiếng của đội bóng này. Chứ yêu Chelsea từ bé rồi vào đội 1 như Jack Wilshere của Arsenal thì khó lắm.

"Tỷ phú" đôi khi cũng ước một cuộc sống yên bình, không áp lực như "Cậu bé đánh giày". Thế nhưng, một điều tất yếu ở đời là Cậu bé đánh giày nhìn vào Tỷ phú rồi mơ ước đổi đời, chứ với Tỷ phú mà trở thành Cậu bé đánh giày thì quả là một bước sa cơ nhục nhã. Với Cậu bé đánh giày, thứ hạnh phúc mà cậu có: một cuộc sống ổn định với vài ba "đồng nghiệp", ngày ba cọc ba đồng đủ sống chẳng thể làm cậu hài lòng hoàn toàn. Còn với Tỷ phú, ông ta có thể chịu mất cái này cái nọ cái kia, chứ nhìn danh hiệu về đầy phòng truyền thống thì vẫn thỏa mãn như thường. Nói ngắn gọn, cái hạnh phúc của Arsenal chẳng thể đem lại hiệu quả trên sân bóng, còn Chelsea, dù bất ổn, thay tướng, mua người, bán người (chuẩn bị ngồi lên bàn đàm phán để bán linh hồn Juan Mata), nhưng họ vẫn có danh hiệu. Và cái thứ hạnh phúc ấy nó thực tế hơn sự bình yên của Cậu bé đánh giày nghèo khổ.

Khi Cậu bé đánh giày có đủ tiền để thực hiện ước mơ đổi đời, cậu bé ấy sẽ làm mọi thứ để cố tỏ ra giống một tỷ phú, mạnh tay mua mọi mục tiêu, tỏ ra trên chân những đội bóng khác. Và với sự thúc ép của đời, của người (của CĐV), cậu bé ấy càng gồng thì càng khổ. Tương lai của Arsenal bất định lắm nếu cứ tiêu tiền như thế này. Họ đang mua thành công hay chấp nhận đánh cược với tương lai, khi mà họ phải có nhiều tiền như Tỷ phú Chelsea hay Man City để đủ sức chạm vào Cúp? Arsenal gần như là đại gia duy nhất của Premier League làm bóng đá theo kiểu "chân chính", không vấy mùi Bảng Anh. Thế nhưng bây giờ họ cũng đã chạy theo dòng xoáy của đồng tiền, vì ước mơ từ một Cậu bé đánh giày thành một Tỷ phú.

Mà trên con đường để trở thành một Tỷ phú, người thất bại nhiều hơn người thành công. Người hâm mộ Arsenal, cũng vì thế, chẳng hiểu nên vui hay là nên buồn. Vui vì hiện tại họ đã bắt đầu tiêu tiền. Còn buồn vì trong tương lai có thể sẽ có nhóm quyền lực đen nào đó trong phòng thay đồ, hoặc vì có những người sẽ đến Emirates vì tiền, coi Arsenal như một bến đỗ, đến, chỉ là để một ngày nào đó lại ra đi...
  • Thành Nguyễn - Bongda24h.vn
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X